Nên hay không việc giữ lại lễ hội chém lợn? Đây là câu hỏi khó đang gây ra nhiều tranh cãi trái chiều trong thời gian gần đây.
Truyền thống…
Có mặt tại Phường Thượng (phường Khắc Niệm, TP. Bắc Ninh ) những ngày giáp Tết Ất Mùi, nhịp sống của người dân nơi đây dường như hối hả, nhộn nhịp hơn mọi khi. Ngoài việc chuẩn bị cho một năm mới đã gần kề, mọi người cũng đang háo hức chờ ngày tổ chức hội làng.
Tương truyền, xưa kia có một vị tướng tên là Lý Đoàn Thượng trong lúc đánh trận bị địch bao vây ở vùng núi thôn Ném Thượng (nay là Phường Thượng). Khi gạo và lương thực đã cạn kiệt, quân sĩ đói khát ông đã nghĩ ra cách chém lợn rừng để nuôi quân, rồi phá vòng vây của giặc thoát ra ngoài. Sau đó ông được dân tôn thờ là Thành Hoàng làng, hàng năm tổ chức lễ hội chém lợn để tưởng nhớ công lao khai hoang và bảo vệ vùng đất này của ông.
Sân đình nơi diễn ra lễ chém lợn cúng thần.
Theo đó, cứ mùng 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm, người dân khắp nơi lại tập trung về thôn Thượng để tham dự lễ hội chém lợn. Trước đó, người trong làng thống nhất chọn ra những người đàn ông trong độ tuổi 40- 49 tuổi, gia đình truyền thống, gương mẫu nằm trong đội rước lễ. Trong đội rước lễ tiếp tục bầu ra 1 ông tướng cờ, hai ông thủ đao, hai ông đám, đồng niên tuổi 49 (tính cả tuổi mụ là 50) để thực hiện nghi thức chém lợn trong lễ hội.
Ông Nguyễn Đăng Chương thủ đao năm 1999 – 2000.
Ông Nguyễn Đăng Chương (SN 1960, thủ đao năm 1999-2000) chia sẻ: “Tôi được vinh dự làm thủ đao khai xuân hai lần cho làng. Không phải ai cũng có được may mắn ấy nên tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình. Về nghi thức chém lợn, có nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng theo tôi hoạt động này đã thu hút hàng ngàn khách thập phương đến tham dự lễ hội, đồng thời là nét độc đáo riêng của quê mình, không thể để bị mai một đi được”.
Theo tín ngưỡng dân gian của vùng quê này, máu lợn trong lễ tế thánh tượng trưng cho sự sung túc, yên ấm, mùa màng bội thu...
Ông Nguyễn Đình Lợi (Trưởng ban mặt trận – Chi hội trưởng hội người cao tuổi khu phố Thượng) cho biết, lễ hội chém lợn là sự kế thừa truyền thống từ xa xưa để lại. Người dân phố Thượng rất mong muốn được tiếp tục bảo tồn và phát huy lễ hội này, vì nó là một nét văn hóa được cha ông truyền lại từ bao đời nay”.
Hay hủ tục?
Tục chém lợn đã không còn từ sau cách mạng, đến năm 1999 người dân mới bắt đầu khôi phục và lưu truyền cho đến tận ngày nay. Hằng năm lễ hội chém lợn diễn ra thu hút sự tham gia của hàng ngàn du khách thập phương.
Người dân địa phương coi đó là truyền thống, là bản sắc vùng miền, và họ không muốn đánh mất đi những giá trị cao cả mà nó để lại. Trong khi đó phần đông dư luận cho rằng việc cảnh chém lợn trước đông người là quá phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến người xem, trong đó có trẻ em.
Sau khi xem đoạn clip dài khoảng 3 phút quay cảnh lễ hội chém lợn ở khu phố Thượng, nhiều khán giả đã nói lên quan điểm của mình, họ cho rằng nên dừng việc chém lợn trong lễ hội vì hành động đó quá dã man đối với một con vật.
Ông Nguyễn Văn Chương, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Khắc Niệm cho biết, năm 2013-2014 việc chém lợn không còn diễn ra ở sân đình.
“Tôi không thấy kinh hoàng vì thường người ta cũng mổ, chọc tiết thì cũng không khác gì. Nhưng, ở đây lại là một lễ hội, người lớn, trẻ em... tất cả đều xem và hô hào như vậy đã dẫn đến tâm trí trẻ em bị ảnh hưởng đến bạo lực. Tôi nghĩ rằng không nên chém lợn làm lễ hội” - một bạn có nick name Phungminh viết.
Bạn Nguyễn Thu Huyền (Sinh viên Đại học Nội Vụ) cho biết: “Mình chưa được tận mắt chứng kiến lễ hội, nhưng qua đoạn clip và hình ảnh trên mạng mình cảm thấy việc chém lợn ở lễ hội là không nên. Đây không được coi là tập tục truyền thống đẹp cho con cháu noi theo, mà đang là con dao hai lưỡi ảnh hưởng tiêu cực đến tâm hồn của thế hệ trẻ em sau này”.
Làm lễ trước khi chém lợn cúng thần linh.
Ngày 27/1 vừa qua, Tổ chức Động vật châu Á đã phát động chiến dịch cùng ký tên kêu gọi cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy định chấm dứt lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn không đồng tình với đề nghị trên.
Theo ông Nguyễn Văn Chương (Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Khắc Niệm), năm 2013 đến nay dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh người dân khu phố Thượng. Người dân không chém lợn ngay giữa sân đình trước đông đảo du khách nữa, thay vào đó người dân chỉ thực hiện mổ lợn phía sau hậu cung và là làm các nghi lễ cũng tế như bình thường.
Ủy ban Nhân dân phường đã có nhiều biện pháp để tuyên truyền, vận động người dân có sự thay đổi trong cách thức tiến hành lễ hội cho phù hợp với xã hội đương thời. Ngoài việc hình thức việc chém lợn được thay đổi, thì các hoạt động khác trong lễ hội như: kéo co, hát quan họ dưới thuyền, thi đạp niêu, nấu cơm... vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, đây không phải là điều có thể thay đổi trong ngày một, ngày hai vì với bà con đây là tục lệ ngàn xưa ông cha để lại.
Nên hay không việc giữ lại lễ hội chém lợn? Đây là câu hỏi khó đang gây ra nhiều tranh cãi trái chiều trong dư luận trong thời gian gần đây. Mặc dù mỗi tục lệ truyền thống đều có nguồn gốc, ý nghĩa riêng của nó. Tuy nhiên, tục lệ cũng phải thay đổi theo thời gian cho phù hợp với cuộc sống.