Liên quan tới thủ phạm gây nên cá chết dọc biển miền Trung, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết, khi gặp phải hợp chất phức do Formosa xả thải, cá vừa chết vì ngạt, vừa chết vì độc.
Chiều ngày 30/6, tại Văn phòng Chính phủ đã diễn ra họp báo công bố nguyên nhân, thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết dọc các tỉnh miền Trung.
Theo thông tin mà Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà công bố tại buổi họp báo thì sau rất nhiều khảo sát, đánh giá, các nhà khoa học đã xác định, chất thải của Formosa Hà Tĩnh đã trộn với nhau ra một hợp chất phức. Hợp chất này nặng hơn nước biển, chìm xuống đáy và hút các chất độc hại phenol, xyanua vào nó.
“Chúng ta hình dung một cách đơn giản là nó như một tấm chăn khổng lồ chứa độc cứ thế trôi ngầm theo dòng hải lưu, đi đến đâu sẽ làm xảy ra các phản ứng hoá học ở đó và khiến cá ở tầng đáy chết hàng loạt” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin.
Nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết ở miền Trung được xác định là do độc tố trong chất hợp phức mà Formosa xả thải. Ảnh: Internet |
Trao đổi với phóng viên về cơ chế gây chết cá của hợp chất phức nói trên, PGS.TS Trần Hồng Côn (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, ôxit sắt (II) không bao giờ đi một mình mà phải tồn tại trong môi trường axit rất cao. Bản thân môi trường axit này cũng gây hại nghiêm trọng đối với môi trường thủy sinh.
Khi sắt II bị thải ra ngoài nước biển thì sẽ bị oxy hóa lên sắt III. Quá trình này lấy mất oxy hòa tan trong nước, độ pH cũng giảm xuống. Do đó, sinh vật biển không có oxy để thở thì sẽ bị chết ngạt. Quá trình thủy phân để tạo ra sắt III hydroxit để lắng xuống đã lấy mất (OH-) của nước khiến độ pH tiếp tục giảm xuống.
“Sắt III là thể phù, lơ lửng, khi tồn tại trong nước biển, nó dễ hấp thu các chất hữu cơ và các thứ khác(trường hợp này là hấp thu phenol, cyanua – những chất có trong quá trình xả thải). Các chất được hấp thụ lên các hạt sắt sẽ lơ lửng như các hạt phù sa, tạo thành một tấm phủ lớn bắt đầu rải khắp đáy biển của cả khu vực và đầu độc toàn bộ sinh vật” – PGS.TS Trần Hồng Côn phân tích.
"Cả quá trình giảm pH trong nước do sắt thủy phân, lấy oxy để oxy hóa từ sắt II lên sắt III; cộng với nồng độ axit trong môi trường chứa sắt đã được thải ra đủ làm cho sinh vật biển tại đó kết thúc sự sống" - PGS.TS Trần Hồng Côn dẫn giải.
Cũng theo PGS Trần Hồng Côn, đó mới chỉ là những phân tích ban đầu riêng về sắt, còn chưa kể tới các chất độc khác, các dioxit khác đi cùng cũng ảnh hưởng, tác động không hề nhỏ tới sự sống của các loài sinh vật biển. Cụ thể, trong trường hợp này, cơ quan chức năng còn thông tin trong hợp chất gây độc còn có cả Phenol và Cyanua.
"Phenol là chất độc vừa nhưng Cyanua là loại kịch độc, chỉ với một lượng cyanua bằng hạt đậu xanh thì đã đủ để gây chết người. Như vậy, với độc tính của hỗn hợp axit đi cùng Sắt II, độc tính của Phenol, của Cyanua kết hợp với quá trình sắt II thủy phân lấy hết oxy sẽ khiến sinh cá chết vì độc và vì ngạt. Cùng với đó, sinh vật thủy sinh ở khu vực bị bao phủ bởi chất phức hợp này cũng chấm dứt sự sống" – PGS. TS Trần Hồng Côn nhận định.
Theo đánh giá của vị chuyên gia này, hợp chất phức kịch độc nói trên sẽ không mất đi mà hòa lẫn vào nước biển, theo các dòng hải lưu và trôi dạt trong lòng đại dương. Trong quá trình hòa lẫn này, nồng độ của hợp chất phức gồm oxit sắt, Cyanua, phenol (và các chất khác tồn tại trong hỗn hợp xả thải) sẽ giảm xuống, tuy nhiên, chúng không bị mất đi mà vẫn tồn tại trong lòng biển. Do đó, sinh vật biển vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng theo nhiều cách khác nhau mặc dù mức độ làm chết cá, san hô không nặng nề như thời điểm khởi xả.
"Tùy vào thống kê, phân tích của cơ quan chức năng về hàm lượng hỗn hợp chất thải do mà Formosa đã xả thải ra biển thì mới có thể tính toán, lên phương án để xử lý, “rửa độc” và “tái sinh” cho hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng. Công việc này vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều Bộ, ban, ngành và công cuộc xử lý hậu quả này có thể kéo dài tới hàng trăm năm" - ông Côn cho biết.
Vũ Đậu