Tin mới

Loại bỏ học hộ thi thuê: Cần thay đổi tư duy giáo dục

Thứ bảy, 09/05/2015, 08:38 (GMT+7)

Các giải pháp cứng rắn nhằm đẩy lùi tiêu cực trong thi cử đương nhiên là cần thiết nhưng sẽ không bao giờ thay thế được việc khích động ý thức tự giác học hành của từng học sinh...

Các giải pháp cứng rắn nhằm đẩy lùi tiêu cực trong thi cử đương nhiên là cần thiết nhưng sẽ không bao giờ thay thế được việc khích động ý thức tự giác học hành của từng học sinh...

Bàn về những tồn tại trong ngành giáo dục, trong đó có hiện tượng học hộ, thi thuê, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục (Ủy ban TƯMTTQVN ) đã có những chia sẻ rất tâm huyết với PV... 

Loại bỏ học hộ thi thuê: Cần thay đổi tư duy giáo dục

GS. Nguyễn Lân Dũng cùng các học sinh trong một buổi ngoại khóa (Ảnh nhân vật cung cấp).

-Vừa qua, báo đã đăng tải loạt bài điều tra về việc học hộ – thi thuê tại các trường đại học. Sau khi loạt bài được đăng tải, PA83 (Công an tỉnh Thái Nguyên) đã vào cuộc và bắt được đối tượng thi thuê. Tuy nhiên, trước thông tin trên, bộ GD&ĐT vẫn im lặng (dù báo đã có công văn). Ông nhận định sao về sự im lặng này trong khi dư luận rất bức xúc? 

Điều 8 luật Báo chí quy định: “Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu các tổ chức, người có chức vụ trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí; các tổ chức, người có chức vụ có trách nhiệm trả lời trên báo chí”. Việc cơ quan bộ GD-ĐT không trả lời công văn của báo là trái với quy định của pháp luật và không góp phần đẩy lùi, dẫn đến chấm dứt tình trạng học hộ – thi thuê rất xa lạ với đời sống xã hội đương đại. 

Quốc hội chủ trương mọi công dân đều có quyền chất vấn Bộ trưởng trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” trên Truyền hình Trung ương. Theo tôi, tòa soạn nên trực tiếp gửi các câu hỏi cho Bộ trưởng bộ GD-ĐT trên kênh truyền hình này, tôi hy vọng Bộ trưởng sẽ vui lòng trả lời.

-Thực trạng học hộ, thi thuê diễn ra nhiều năm nay nhưng dường như bộ GD-ĐT vẫn chưa có giải pháp để giải quyết vấn nạn này. Vậy, đâu là nguyên nhân mấu chốt, thưa ông? 

Những vấn đề về giáo dục không thể chỉ trông chờ vào các giải pháp của bộ GD-ĐT mà trước hết phải tham gia vào việc vận động HSSV và các bậc phụ huynh. Gần đây tôi được nhiều trường phổ thông mời nói chuyện ngoại khóa cho học sinh trong chương trình Giáo dục Kỹ năng sống

Có khoảng 1.000-2.000 em, ngồi yên lặng trong 2 giờ liền sau đó còn vui vẻ đối thoại với tôi trong 30 phút. Các thầy cô giáo cho biết hiệu quả rất tốt. Các em tự giác học hơn, nỗ lực học hơn, hiếu thảo hơn với bố mẹ và thầy cô, yên tâm hơn vì nếu không đỗ đại học cũng không sao. Hóa ra, đạo đức không phải thứ dễ dàng truyền đạt bằng cách “rao giảng”. 

Thật ra các thầy cô đều làm được, miễn là thay chuyện “rao giảng” bằng việc kể các câu chuyện sinh động và phù hợp với ý nguyện của học sinh. Khi học sinh đã hiểu là học cho mình, học vì công lao của bố mẹ, thầy cô và những người đã hy sinh cả mạng sống cho mình được yên ổn học hành hôm nay, khi các em thấy học tiếp ĐH là rất tốt nhưng rẽ ngang mà có chí thì cũng thành đạt chả kém ai... thì hiện tượng “chạy điểm”, “quay cóp”, thi thuê... tự nhiên sẽ chấm dứt. 

Các giải pháp cứng rắn nhằm đẩy lùi tiêu cực trong thi cử đương nhiên là cần thiết nhưng sẽ không bao giờ thay thế được việc khích động ý thức tự giác học hành của từng học sinh. Ngoài ra cũng cần thay đổi thái độ buộc con vào ĐH hay CĐ bằng mọi giá của các bậc phụ huynh.

-Thực tế này cũng phản ánh “có cung ắt có cầu”, bệnh thành tích của ngành giáo dục bấy lâu nay, thưa ông? 

Cung – cầu là quy luật của thị trường . Nhưng điều đó không hề liên quan đến việc chạy chức, chạy quyền, học hộ, thi hộ... Các cụ thường bảo thượng bất chính, hạ tắc loạn. Khi trẻ em thấy xin việc gì cũng phải đút tiền, quan chức nào cũng tìm cách moi tiền bằng mọi quyền hạn của mình (từ Cảnh sát giao thông đến cả các cấp lãnh đạo cao hơn) thì làm sao có được một ý thức lành mạnh? Việc đầu tiên là người lớn, nhất là những người có chức có quyền và các bậc phụ huynh phải là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ. 

Tôi không tán thành với kiểu thi cử hiện nay. Đợi kỳ thi gọi là kỳ thi quốc gia sắp tới kết thúc ta sẽ thấy bộc lộ bất cập và điều tiên đoán là vẫn tốt nghiệp phổ thông 98-99% (vì cộng 50% điểm thi và 50% điểm tổng kết năm học). Thương học sinh là cho học lại để đủ trình độ vào đời chứ không phải cho đỗ hết như hiện nay. 

Tôi rất lạ vì hầu như tất cả giáo viên cấp I và cấp II đều đang phản đối việc không cho đánh giá học sinh tiểu học (bằng điểm hay bằng phân loại A, B, C). Thực tiễn đang diễn ra là giáo viên không thể nào đủ thời gian và sức lực để ghi nhận xét và học sinh tiểu học không cần cố gắng học tập. Bệnh thành tích chỉ có thể khắc phục khi có một triết lý giáo dục lành mạnh, thông suốt từ thầy đến trò và đến phụ huynh cùng toàn xã hội. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Sa Hà – N.Giang – A.Văn

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news