Chiếc xe tải chở 39 thi thể được phát hiện và đưa tới một địa điểm an toàn để tiến hành công khám khám nghiệm. Ảnh: Getty
Tờ Mirror của Anh đã có một bài phỏng vấn độc quyền với một nạn nhân Việt Nam bị buôn sang Anh. Người đàn ông này đã kể lại cách anh trả cho những kẻ buôn người 16.000 bảng Anh (gần 480 triệu đồng) để rời quê hương Việt Nam và tới làm việc tại một cửa hàng cà ri ở Birmingham. Tại đây, anh đã kiếm được "những khoản kếch xù".
Sau khi 39 người tử vong trong chiếc xe tải đông lạnh tại Essex, Nguyen Dung nói với phóng viên: "Chẳng bao giờ bạn mong bị nhét vào một cỗ quan tài đông lạnh, nhưng phần thưởng tiềm năng lại lớn hơn rủi ro. Trong số vài người không làm thì có hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn người đã làm điều này".
Trong trong ngôi nhà mới khang trang tại ngôi làng nhỏ ở Nghệ An, người đàn ông 32 tuổi này tiết lộ cách anh đã làm việc tại một nhà hàng ở Birmingham trong 2 năm. Anh nói: "Tiền lương trung bình ở đây là 1200 bảng/tháng (hơn 35 triệu đồng). Tôi giữ lại hơn 1.000 bảng khi làm việc 18 giờ/ngày, 7 ngày/tuần".
"Một ngày của tôi ở Anh sẽ bắt đầu lúc 6h sáng và không dừng lại cho đến lúc nửa đêm. Thật là khó khăn nhưng điều khiến tôi tiếp tục chính là tôi cần phải giúp đỡ gia đình mình ở quê", Nguyen Dung chia sẻ. Sau đó, một cuộc đột kích của các quan chức nhập cư đã chấm dứt cuộc sống trong mơ này, anh bị trục xuất về Việt Nam.
Nhưng Nguyen Dung cho biết: "Tôi đã kiếm tiền được 2 năm ở Anh, số tiền mà khiến tôi phải mất 20 năm mới kiếm được nếu làm ở Việt Nam".
"Những cánh đồng lúa từng nuôi sống tôi giờ ngập úng trong khi chúng tôi thì chìm trong núi nợ. Cách duy nhất là mạo hiểm tính mạng và cố tới Anh, nơi mà tiền có thể giúp đỡ cả gia đình và trả nợ".
Nguyen Dung kiếm được một khoản tiền lớn trong vòng 2 năm ở Anh. Ảnh: Mirror
Khi nghe về những người sang Anh và bị mất liên lạc, Nguyen Dung không ngạc nhiên. Anh nói: "Kế hoạch của các băng đảng này giống như quân đội".
Nguyen bị đưa tới Hà Nội vào năm 2011 sau đó bay đến Cộng hòa Czech theo visa du lịch với giá 4.600 bảng (hơn 130 triệu đồng). Trước khi hạ cánh tại châu Âu, anh phải trả thêm 800 bảng nữa (hơn 23 triệu đồng). Sau một tuần ở Prague, Nguyen Dung được yêu cầu trả một khoản 1.000 bảng (gần 30 triệu đồng) và tới Đức. Tại đây, anh bị bán qua biên giới trên một chiếc xe tải nhỏ.
Nỗ lực xin tị nạn của Nguyen Dung thất bại. Sau 18 tháng anh trốn khỏi Dresden và gia đình phải trả thêm 9.000 bảng để đưa anh vào Anh.
"Mọi người dường như cho rằng các băng đảng đang tìm kiếm chúng tôi. Nhưng không phải vậy. Các gia đình tại khu vực này quyết định việc sang Anh trước khi họ gom tiền để trả cho bọn buôn người. Những người đã chết tuần trước đang phải gánh những khoản nợ khổng lồ và Anh là lối thoát duy nhất của họ", anh nói.
Nguyen Dung bị trục xuất vào cuối năm 2017 và gia đình vẫn đang tận hưởng những gì anh kiếm được trong khoảng thời gian ở Anh, sống trong ngôi nhà mới xây. Nhưng anh vẫn đang trong tầm ngắm của những tên tội phạm buôn người. Khi đang trò chuyện với nhà báo, anh nhận được một cuộc điện thoại lạnh lùng, đe dọa sẽ phải trả giá nếu tiếp tục nói về mạng lưới buôn người.