Một mảnh rác lạ của vũ trụ sẽ lao thẳng xuống Trái Đất vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, hiện mọi người vẫn chưa xác định được loại rác lạ đó là gì.
Một mảnh rác vũ trụ có tên WT1190F có đường kính vài mét và tỷ trọng thấp với một phần mười là nước được phát hiện gần đây sẽ đâm xuống Ấn Độ Dương ở vị trí cách đảo Sri Lanka 100 km về phía nam vào 12 giờ trưa ngày 13/11.
Theo IFL Science, nó được quan sát lần đầu tiên vào ngày 18/2/2013 thông qua Catalina Sky Survey, một chương trình tìm kiếm những vật thể gần Trái Đất như các thiên thạch và sao chổi có khả năng gây nguy hiểm.
Các nhà thiên văn suy đoán đây là một vật thể dài khoảng 2 mét và có thể là một mảnh vỡ tên lửa từ một sứ mệnh Mặt Trăng gần đây hoặc thậm chí đó có thể là một mảnh vỡ của chiếc tàu thăm dò Apollo - chiếc tàu đã bay vào không gian hơn 40 năm nay.
Một mảnh rác vũ trụ đường kính vài mét sẽ rơi xuống Ấn Độ Dương vào tháng 11. Ảnh: przewodnik-katolicki. |
Một nhà thiên văn học cho biết, mảnh rác này có quỹ đạo hình elip, thời điểm bay dài nhất của nó gấp đôi khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Trong quá trình quan sát cách di chuyển của vật thể này, các nhà nghiên cứu có thể suy đoán được rằng đối tượng có cấu trúc rỗng bên trong.
Vật thể lạ lao vào Trái Đất là tin khoa học đáng quan tâm |
Vật thể lạ được khám phá bởi các nhà thiên văn học đại học Arizona, Mỹ hồi đầu tháng này. Các nhà nghiên cứu tại cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) tại Noordwijk, Hà Lan hiện đang theo dõi lộ trình của mảnh rác vũ trụ này. Họ cũng có nhiệm vụ theo dõi các đối tượng nguy hiểm có khả năng lao vào Trái Đất.
Kích thước của mảnh rác vũ trụ không đủ lớn để gây thiệt hại và nó chắc chắn sẽ bốc cháy khi đi qua bầu khí quyển. Theo các nhà thiên văn, nó sẽ cháy sáng trong vài giây.
Trang Vũ (tổng hợp)