Tin mới

Máy bay bị dọa bắn trên đường từ Nhật Bản về Việt Nam: Lãnh đạo Vietnam Airlines lên tiếng

Thứ sáu, 07/01/2022, 19:44 (GMT+7)

Thông tin về việc máy bay Vietnam Airlines bị dọa bắn hôm 5/1, ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, cơ quan chức năng Nhật Bản vẫn đang điều tra. Cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã vào cuộc và đang phối hợp với phía sở tại.

Theo thông cáo của Cục Hàng không Việt Nam tối 5/1 vừa qua, chuyến bay VN5311 từ Narita về Hà Nội khởi hành lúc 10h30 (giờ địa phương) gồm 12 tiếp viên, 3 phi công và 47 hành khách.

Đến khoảng 11h10, chi nhánh hãng Vietnam Airlines tại Nhật Bản nhận được điện thoại từ một người xưng là người Mỹ, nói tiếng Nhật, với nội dung: "Chuyến bay VN5311 tốt nhất là quay lại Narita, nếu không sẽ bị bắn hạ khi qua vịnh Tokyo".

Ảnh vệ tinh cho thấy máy bay sau khi bị đe doạ phải quay đầu hạ cánh tại sân bay Fukuoka. Ảnh: flightradar
Ảnh vệ tinh cho thấy máy bay sau khi bị đe doạ phải quay đầu hạ cánh tại sân bay Fukuoka. Ảnh: flightradar

Khi nhân viên nhận điện thoại hỏi lại: "Ông có thể nói lại điều ông vừa nói được không?" thì người đàn ông trả lời: "Tôi đang chuẩn bị bắn VN5311 khi bay qua vịnh Tokyo, tốt nhất nên quay lại".

Lúc này, máy bay đã bay được khoảng 40 phút, chuẩn bị qua vịnh Tokyo. Ngay sau khi nhận cuộc điện thoại đe dọa nêu trên, chi nhánh hãng tại Nhật Bản đã báo cáo nhanh về Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Theo tin tức trên VNE, ngay khi nhận được tin báo, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã báo cáo cho Cục Hàng không Việt Nam và cơ quan chức năng của Bộ Công an, đồng thời triệu tập cuộc họp của Ủy ban Khẩn nguy và Tiểu ban chỉ đạo phòng chống khủng bố của Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Được sự đồng ý của Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh và Bộ trưởng GTVT, Cục trưởng Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo Vietnam Airlines xin phép nhà chức trách hàng không Nhật Bản chuyển hướng tàu bay, hạ cánh xuống sân bay Fukuoka.

tổ tiếp viên chuyến bay VN5311 hỗ trợ hành khách khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Fukuoka. Ảnh: VNA
tổ tiếp viên chuyến bay VN5311 hỗ trợ hành khách khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Fukuoka. Ảnh: VNA

Liên quan đến sự cố trên, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, cơ quan chức năng Nhật Bản vẫn đang điều tra. Cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã vào cuộc và đang phối hợp với phía Nhật Bản.

"Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức. Bước đầu chúng tôi chỉ được biết là số điện thoại của nghi phạm gọi đến chi nhánh Vietnam Airlines đe dọa bắn hạ máy bay là ở phía Bắc của Nhật Bản", trên Báo Giao thông dẫn lời ông Hà thông tin.

Theo ông Hà, Cảnh sát đã đến chi nhánh Vietnam Airlines tại Nhật Bản để làm việc với các nhân viên ở chi nhánh và nắm tình hình. Vụ việc đã uy hiếp an toàn hàng không, nhưng không phải là quá cao.

“Chúng tôi rất tin tưởng vào hệ thống an ninh hàng không nói chung của Nhật Bản. Tôi cho rằng, các đối tượng vượt qua được hàng rào an ninh của Nhật không phải dễ. Hơn nữa, tình huống đe dọa an ninh này chưa từng xảy ra.

Việc bắn hạ máy bay cũng khó, bởi khi đó máy bay đã bay bằng ở độ cao hơn 10.000 m. Cơ quan an ninh đánh giá, nếu bắn hạ máy bay cự ly đó thì phải sử dụng rocket hạng nặng. Tuy nhiên, các thông tin liên quan tới an ninh an toàn đều phải xử lý, mọi trường hợp đều không được phép lơ là, chủ quan", ông Hà thông tin thêm.

Chia sẻ thêm về thành viên tổ bay, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, trong những tình huống như vừa rồi, việc quan trọng nhất là phải thông báo thật rõ ràng thông tin với tổ lái. Nếu phi công bị tâm lý hoặc mất bình tĩnh sẽ rất nguy hiểm cho máy bay và hành khách. Song, các phi công thuộc đội bay Boeing, rất dày dạn kinh nghiệm, thường xuyên cầm lái các chuyến quốc tế và thông thuộc đường bay. Cơ trưởng chỉ huy có số giờ bay tích lũy là 24.615 giờ, cơ trưởng thứ hai có 11.986 giờ bay và cơ phó có số giờ bay là 1.499 giờ.

Thành viên tổ lái thực hiện chuyến bay VN5311 từ Nhật Bản về Việt Nam có 3 người, đều là người Việt, trong đó có 2 cơ trưởng và một cơ phó. Đây là các phi công thuộc đội bay Boeing, rất dày dạn kinh nghiệm, thường xuyên cầm lái các chuyến quốc tế và thông thuộc đường bay. Cơ trưởng chỉ huy có số giờ bay tích lũy là 24.615 giờ, cơ trưởng thứ hai có 11.986 giờ bay và cơ phó có số giờ bay là 1.499 giờ.

Khi xảy ra sự việc ngày 5/1, chúng tôi cũng tính cả việc nếu tổ bay bị ảnh hưởng tâm lý sẽ phải thay thế. Do ở Fukuoka không có nhân sự phi công tại chỗ nên chúng tôi đã lên phương án đưa phi công bay từ Việt Nam sang. Tuy nhiên, tổ bay VN5311 có tâm lý ổn định và xử lý rất tốt.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news