Chiếc máy bay rơi ở Pháp là chiếc Airbus A320 của hãng hàng không giá rẻ Germanwings (Đức). Đây là chiếc cũ nhất của dòng máy bay này.
Airbus A320 là chiếc máy bay dân dụng khá phổ biến và nằm trong biên chế phục vụ của phần lớn các hãng hàng không trên thế giới, trong đó có Việt Nam như Vietnam Airline, JetStar và VietJet Air. A320 được xuất xưởng lần đầu vào năm 1988 và cùng với những cải tiến về thiết kế, công nghệ, A320 đã trở thành dòng máy bay phản lực chở khách bán chạy thứ 2 chỉ sau Boeing 737.
Airbus A320 là dòng máy bay vận tải hành khách thân hẹp, phạm vi hoạt động từ tầm ngắn đến tầm trung được sản xuất bởi hãng Airbus S.A.S (Société par Actions Simplifiée). Các phiên bản của dòng máy bay này bao gồm A318 với 107 ghế, A319 với 134 ghế, A321 với 199 ghế và phiên bản máy bay phản lực doanh nhân ACJ.
Một chiếc Airbus A320 đang bay trên bầu trời
A320 được bắt đầu phát triển từ tháng 3 năm 1984, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 22/2/1987, và chính thức xuất xưởng vào năm 1988 để bán cho hãng hàng không Air France, đây cũng là hãng máy bay đầu tiên đặt hàng và đưa vào khai thác dân dụng dòng A320. Đây là dòng máy bay được bán với doanh số đáng kể và là dòng máy bay tiên phong trong việc áp dụng công nghệ trong ngành công nghiệp sản xuất máy bay. Trong đó, những chiếc A320 với 150 chỗ ngồi là phiên bản được bán chạy nhất trong dòng máy bay này.
A320 là dòng máy bay đầu tiên áp dụng các hệ thống điều khiển máy bay bằng các giao diện kỹ thuật số kết hợp với hệ thống máy tính (fly-by-wire) thay cho hệ thống điều khiển máy bay bằng tay trước đây. Hệ thống này vẫn tiếp tục được phát triển và hoàn thiện cho tới hiện nay. Thay vì được truyền dẫn cơ khí (thủy lực), hệ thống fly-by-wire cho phép thao tác điều khiển của phi công được truyền tới cánh máy bay bằng các tín hiệu kỹ thuật số. Ngoài trọng lượng nhẹ, hệ thống fly-by-wire còn được hỗ trợ bởi máy tính. Điều này bảo đảm cho máy bay A320 hầu như không xảy ra trường hợp vượt quá các giới hạn hoạt động gây nguy hiểm như giới hạn hoạt động (G limits) và tốc độ làm việc của động cơ cũng như các giới hạn của bờ tiến của cánh (angle of attack limits). Hệ thống fly-by-wire làm cho tất cả các máy bay của Airbus đều có các đặc điểm tương tự nhau, từ đó giảm thiểu thời gian huấn luyện các phi công khi bay với nhiều loại máy bay khác nhau.
Bên trong khoang lái của Airbus A320
Phiên bản A320 đầu tiên được sản xuất là A320-100 với số lượng nhỏ, sau đó nhanh chóng được thay thế bởi dòng A320-200 (được cấp chứng nhận bay vào tháng 11 năm 1988) với trọng lượng cất cánh tối đa lớn hơn, tầm bay lớn hơn và đặc biệt là được trang bị một cánh nhỏ ở đầu cánh máy bay nghiên lên khoảng 45 độ (winglet). Sau đó A320 tiếp tục được mở rộng thêm các phiên bản A321 (giới thiệu lần đầu vào năm 1994), phiên bản A319 (giới thiệu lần đầu vào năm 1996) và A318 vào năm 2003. Vào khoảng giữa năm 2000, số lượng máy bay thuộc dòng A320 được sản xuất trung bình hàng tháng là 22 chiếc, sau đó tăng lên 30 chiếc mỗi tháng vào năm 2002.
Vào tháng 12 năm 2010, Airbus chính thức giới thiệu thế hệ mới của dòng A320, mang tên A320neo "tùy chọn động cơ mới". Thế hệ máy bay mới này cho phép lựa chọn giữa 2 động cơ CFM International LEAP-X hoặc Pratt & Whitney PW1000G, được kết hợp cùng với các cải tiến ở khung máy bay mới và bổ sung thêm các cánh nhỏ mà Aribus đặt tên Sharklets.
Hãng hàng không Virgin America sẽ là khách hàng đầu tiên của thế hệ máy bay này vào mùa xuân năm 2016. Tính đến tháng 12 năm 2011, Airbus nhận được đơn đặt hàng mẫu máy bay A320neo này từ hơn 21 hãng hàng không với tổng số lượng lên đến 1196 chiếc, điều này làm A320neo trở thành chiếc máy bay được bán nhiều nhất trên thị trường sản xuất máy bay thương mại.
Khoang hành khách
Tính đến tháng 7 năm 2013, có tổng cộng 5677 chiếc máy bay thuộc dòng A320 được chuyển đến các hãng hàng không, 5481 chiếc trong só đó được sử dụng cho các chuyến bay dân dụng. Ngoài ra, hơn 4135 hãng hàng không đã đặt hàng dòng A320 này.
Nó được xếp vào dòng máy bay bán chạy nhất thế giới theo các thống kê từ năm 2005 đến năm 2007. Dòng A320 trở nên quen thuộc và phổ biến với hầu hết các hãng hàng không, đặc biệt là các hãng vận tải giá rẻ (LCC - Low-cost carriers).
Hãng vận tải giá rẻ British LCC EasyJet vừa mua các thế hệ máy bay A319 và A320 để thay thế cho những chiếc Boeing 737 của mình. Dòng máy bay A320 này đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Boeing 737, 717, 757 và McDonnell Douglas MD-80.
Trên trang web của mình, tập đoàn Airbus thống kê cứ mỗi 2,5 giây hằng ngày có một chiếc máy bay A320 cất cánh hoặc hạ cánh.
Mẫu máy bay này được sản xuất tại Toulouse (Pháp), Hamburg (Đức) và Thiên Tân (Trung Quốc). Airbus cho biết máy bay A320 hoạt động tại một số các sân bay được xem là có địa hình hiểm trở nhất thế giới như các sân bay tại dãy Himalaya ở Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan. Tính từ tháng 2.2014, Airbus sản xuất 42 máy bay/tháng.
Lần gặp nạn gần nhất của một chiếc máy bay cùng loại với chiếc Airbus A320 gặp nạn ở Pháp là trường hợp chiếc QZ8501 của hãng hàng không AirAsia bị rơi ở Indonesia vào tháng 12.2014, khiến 162 người thiệt mạng.