Liên quan đến vụ việc Bộ Công an đã khởi tố 7 người trong đó có Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vì liên quan đến vụ việc mua hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 Realtime PCR tự động do có hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa có văn bản gửi các bệnh viện, sở y tế, đơn vị trực thuộc, yêu cầu báo cáo toàn bộ các hợp đồng mua thiết bị.
Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) và 7 cấp dưới đã bị khởi tố vì liên quan đến việc mua máy xét nghiệm Covid-19.
Đặc biệt, một số địa phương có mức giá mua máy lên đến 7,23 tỉ đồng như Quảng Nam. Đây là mức giá cao hơn so với giá 7 tỉ đồng mà CDC Hà Nội đã mua và các cán bộ liên quan bị khởi tố.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các đơn vị trực thuộc yêu cầu thu thập số liệu, báo cáo kết quả việc mua sắm thiết bị xét nghiệm của Hãng Qiagen, Đức và toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống trên với các hợp đồng ký kết từ 1/3/2018 đến 29/2/2020.
Đây là lần thứ 2 Bộ Y tế có văn bản này (văn bản trước ký ngày 17/4), nhưng theo Bộ Y tế, đến nay nhiều địa phương chưa báo cáo, trong khi gần nhất đã có Hà Nội và Quảng Ninh mới mua hệ thống xét nghiệm này.
Tại Quảng Trị, ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết tỉnh đã trích ngân sách mua máy xét nghiệm virus corona vào đầu tháng 4/2020 với mức giá hơn 1,5 tỉ đồng (chưa bao gồm các chi tiết phụ như hóa chất, bộ kit...).
Theo ông Hùng, sau khi tham khảo danh mục các loại máy, tỉnh đã chọn mua loại máy xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, có xuất xứ từ Đức. Mức giá của hệ thống này cũng được tỉnh đàm phán với nhà cung cấp để được mức giá thấp nhất.
"Kinh phí mà tỉnh duyệt là 1,65 tỉ nhưng Sở đã đàm phán và mua được với giá chỉ 1,5 tỉ. Quảng Trị cũng mua theo hình thức chỉ định thầu. Ví dụ cái máy tách chiết tự động 32 lỗ có giá 650 triệu trong khi 1 số địa phương mua loại 18 lỗ mà có giá từ 1,2 tỉ đến 1,6 tỉ", ông Hùng chia sẻ.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cũng bất ngờ khi các địa phương mua hệ thống xét nghiệm Covid-19 Realtime PCR tự động với mức giá quá cao. Theo tôi biết máy có giá 2,3 tỉ là tối đa mà làm lên 7 tỉ. Tôi nghe tôi cũng choáng.
"Ở Quảng Trị khi mua đã đàm phán rất kỹ. Thời điểm tỉnh mua thiết bị, tình hình dịch đã bớt căng thẳng, thị trường đã đầy đủ nên giá có giảm. Mình đã đàm phán rất quyết liệt", trên Tổ quốc dẫn lời ông Hùng nói thêm.
Còn tại Quảng Bình, ông Nguyễn Đức Cường - Giám Sở Y tế, cũng xác nhận tỉnh này đã mua máy xét nghiệm COVID-19, cũng dùng kỹ thuật Realtime RT-PCR như Quảng Trị. Mức giá mà tỉnh này phê duyệt mua máy khoảng 3 tỉ đồng gồm giá máy hơn 1,6 tỉ đồng, còn lại là hệ thống tách chiết và một số phụ kiện.
Theo ông Cường, lúc Quảng Bình mua máy trong tình hình khá cấp bách, trong khi máy do Bộ Y tế cấp về lại không vận hành được do thiếu phụ kiện. "Tỉnh Quảng Bình chọn mua máy của Đức, đã tham khảo giá của một số tỉnh lân cận đã mua trước rồi đưa ra hội đồng của Sở Tài chính thẩm định", trên Tuổi trẻ dẫn lời ông Cường thông tin.
Trong khi đó tại Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết tỉnh đã mua máy xét nghiệm 7,2 tỉ đồng từ một công ty ở TP Đà Nẵng, có qua đấu thầu.
Hệ thống máy xét nghiệm gồm các loại máy tách chiết tự động, máy đọc RT-PCR, máy ly tâm lạnh, tủ an toàn sinh học...
Theo ông Hai, Bộ Y tế cũng có chỉ đạo là phải mua loại máy để xét nghiệm được nhiều loại chứ không phải riêng COVID-19. Lúc mua máy, tỉnh tham khảo, xem xét thấy Hà Nội và một số tỉnh mua hệ thống xét nghiệm này với mức giá như vậy thì mua.
Trước một số thông tin cho rằng, Hải Phòng mua sắm hệ thống máy Realtime PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19 với mức giá gần 10 tỷ đồng, ngày 25/4, bà Phạm Thu Xanh - Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết, máy xét nghiệm mà CDC thành phố sử dụng hiện tại đang đi mượn để dùng chứ không phải máy mua.