Tin mới

Mẹ chồng Tăng Thanh Hà: điều hành 25 quỹ tư nhân, các hãng bán lẻ và trung tâm thương mại,

Thứ bảy, 15/02/2014, 09:15 (GMT+7)

Hiện nữ doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên, TGĐ Tập đoàn Liên Thái Bình Dương điều hành 25 quỹ tư nhân, các hãng bán lẻ, trung tâm thương mại, phân phối của nhiều thương hiệu nổi tiếng.

Hiện nữ doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên, TGĐ Tập đoàn Liên Thái Bình Dương điều hành 25 quỹ tư nhân, các hãng bán lẻ, trung tâm thương mại, phân phối của nhiều thương hiệu nổi tiếng. 

 

 

Nội dung nổi bật:

- Hiện nữ doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên  TGĐ Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Tập đoàn IPP), điều hành 25 quỹ tư nhân, các hãng bán lẻ, trung tâm thương mại, phân phối của nhiều thương hiệu nổi tiếng.

- Bà Thủy Tiên đã được đào tạo bài bản trong môi trường kỷ luật "sắt" của ngành hàng không. Chính vì vậy đức tính nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật và tuân thủ quy trình trong việc đảm bảo an toàn bay ngày xưa đã giúp bà rất nhiều trong việc điều hành cũng như xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, an toàn và kỷ luật.

- Không phải đất nước chưa phát triển thì không có các khách hàng tiềm năng có nhu cầu sử dụng các mặt hàng thời trang cao cấp. Theo số liệu bà Thủy Tiên được biết, năm 2012 ước tính có 3,5 triệu lượt người VN đi du lịch nước ngoài và đã chi hơn 3,5 tỉ USD mua sắm và các chi phí khác.

- Biết phân quyền hợp lý và đúng người, chúng ta sẽ có được nhiều quỹ thời gian để làm việc khác, nhất là thời gian dành cho gia đình

Chị hiện điều hành 25 quỹ tư nhân, các hãng bán lẻ, trung tâm thương mại, phân phối của nhiều thương hiệu nổi tiếng. Con đường từ một tiếp viên hàng không trở thành thủ lĩnh tài ba, đầy quyền lực của Tập đoàn IPP là cả một quá trình chị không ngừng nỗ lực, kiên trì qua bao gian nan để tự khẳng định mình.

Từ “kỷ luật sắt” đến chiến lược kinh doanh vì con người

- Từ một diễn viên nổi tiếng của nền điện ảnh VN thập niên 90 chuyển sang trở thành một tiếp viên hàng không, đây có thể coi là ngã rẽ trong sự nghiệp của chị?

Khát vọng trở thành một tiếp viên hàng không đã được tôi ấp ủ ngay từ thời còn học PTTH. Thật ra, tôi được đào tạo tại Trường Hàng không trước khi tham gia đóng phim, vì mê đóng phim nên đã "trốn học" và bị "kỷ luật" lúc đó… Tuy nhiên, nhờ điểm tốt nghiệp cao nên tôi được Hàng không VN "nương tay", được tiếp tục giấc mơ "bay" của mình cho đến khi chuyển hướng sang kinh doanh.

- Vậy những kinh nghiệm tích lũy được trong khoảng thời gian làm tiếp viên hàng không đã mang lại cho chị những thuận lợi nào trong sự nghiệp kinh doanh sau này ?

Tôi đã được đào tạo bài bản trong môi trường kỷ luật "sắt" của ngành hàng không. Chính vì vậy đức tính nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật và tuân thủ quy trình trong việc đảm bảo an toàn bay ngày xưa đã giúp tôi rất nhiều trong việc điều hành cũng như xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, an toàn và kỷ luật trong Cty hiện nay. 

Nữ doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên và ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch IPP

tại lễ ra mắt thương hiệu Burger King

- Hiện tại chị đang "chèo lái" 18/32 Cty của IPP và DN nào chị điều hành cũng đều gặt hái được thành công. Hẳn chị có bí quyết riêng?

Đúng ra là vẫn còn những Cty do tôi quản lý vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Tôi đã đặt ra mục tiêu cho mình và cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong năm 2014. Trong công việc điều hành quản lý thì mỗi Cty, mỗi người lãnh đạo đều có những cách điều hành riêng của mình. Với tôi khi tạo dựng được sự nghiệp và trụ vững như ngày hôm nay, điều quan trọng nhất là "chiến lược kinh doanh" và "con người". Đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp từng phân khúc thay đổi của nền kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu của các nhà lãnh đạo Cty, nhưng thực hiện các chiến lược đó thành công phải nhờ yếu tố con người.

 

Người quản lý muốn thành công phải biết phân quyền cho các cộng sự có năng lực, như thế mới đủ quỹ thời gian để xây dựng chiến lược và định hướng đúng. Những cộng sự lý tưởng sẽ thực hiện những chiến lược của người quản lý một cách chuyên nghiệp. Tôi rất may mắn có được một dàn nhân sự cấp cao và các Giám đốc điều hành giàu năng lực, kinh nghiệm; đa số họ đã gắn bó hơn 10 năm trở lên với Cty. Họ là thành công, là niềm tự hào của tôi...

 

- Con người là vốn quý, là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của DN. Vậy công tác thu hút nguồn nhân lực cấp trung và cấp cao tại Tập đoàn chú trọng như thế nào ?

Tôi quan niệm mỗi thành viên trong Cty dù ở cấp bậc hay nhiệm vụ nào đều là những viên gạch tạo nên nền móng của ngôi nhà chung Tập đoàn IPP, chỉ một viên gạch bị khuyết hoặc bị lỗi sẽ uy hiếp đến sự bền vững lâu dài của ngôi nhà. Vì vậy, tôi luôn quan tâm đến việc chiêu mộ chất xám, chất lượng đầu vào, Chính sách đào tạo và nâng cao nghiệp vụ, đãi ngộ nhân sự hợp lý để nhân viên cảm nhận tương lai của họ được bảo đảm và có những đóng góp tích cực nhất trong sự phát triển kinh doanh của Cty.

Môi trường làm việc cũng là một yếu tố thu hút nhân tài. Chuyên nghiệp, có quy củ kỷ cương nhưng vẫn tạo được sự thân thiện hòa đồng. Văn hóa doanh nghiệp cũng là một tiêu chí quan trọng. Trong đó quản lý bài bản; minh bạch trong báo cáo thuế, tài chính; tuân thủ luật pháp VN; sòng phẳng và tôn trọng đối tác, định hướng rõ ràng trong phát triển kinh doanh… cũng là một nam châm hút nhân tài tự tìm đến đầu quân và yên tâm gắn bó, cống hiến lâu dài. Và Tập đoàn IPP chúng tôi vẫn đang kiên trì hướng đến những mục tiêu này.

Kinh doanh bán lẻ: Nhìn thấy trước tiềm năng...

- IPP đã rất thành công trong việc đưa những thương hiệu nổi tiếng thế giới về VN, thỏa mãn sự phát triển của nhu cầu tiêu dùng, đóng góp không nhỏ vào ngân sách Nhà nước. Vậy chị có thể chia sẻ một chút về IPP, đặc biệt là những con số kinh doanh ấn tượng  của Tập đoàn ?

Tập đoàn IPP là DN mở thành công đường bay TP HCM - Manila năm 1987. Trong 27 năm qua, Tập đoàn IPP đã có 32 Cty thành viên và chi nhánh ở các thành phố lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực: đầu tư sản xuất; xuất nhập khẩu; kinh doanh cửa hàng miễn thuế; thời trang mỹ phẩm… đặc biệt đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu góp phần ổn định tình hình an ninh kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống và tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động phổ thông tại các khu vực nghèo vùng biên giới.

Đến nay chúng tôi đã cùng đối tác đầu tư 30 dự án, tạo công ăn việc làm cho khoảng 22.000 lao động. Số tiền đóng thuế của Tập đoàn IPP và các Cty thành viên tăng từ 12 tỷ đồng (năm 2006) lên 780 tỷ đồng (năm 2012) và 1.270 tỷ đồng (năm 2013). Doanh số hàng năm tăng từ 10% đến 30%. Hiện nay, Tập đoàn IPP và các Cty thành viên đang là nhà phân phối và hợp tác kinh doanh với 40 thương hiệu nổi tiếng thế giới. Chúng tôi đang quản lý, điều hành hệ thống gồm hơn 150 cửa hàng thời trang cao cấp và hệ thống chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh tại các trung tâm thương mại lớn và các vị trí trung tâm thành phố.

- Từ kinh nghiệm tích lũy và tầm nhìn của một DN đã có hơn 15 năm hoạt động trong ngành kinh doanh bán lẻ, chị thấy gì từ tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ VN đặc biệt là trong lĩnh vực hàng thời trang cao cấp ?

Không phải đất nước chưa phát triển thì không có các khách hàng tiềm năng có nhu cầu sử dụng các mặt hàng thời trang cao cấp. Chúng tôi đã nhìn thấy một bộ phận không nhỏ người VN ra nước ngoài mua sắm hàng hiệu trong mỗi chuyến nghỉ hè và công tác ở Singapore, Hồng Kông, Thái Lan, Mỹ và châu Âu. Theo số liệu tôi được biết, năm 2012 ước tính có 3,5 triệu lượt người VN đi du lịch nước ngoài và đã chi hơn 3,5 tỉ USD mua sắm và các chi phí khác.

Khi kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng cao thì kèm theo sự phát triển của các ngành kinh doanh bán lẻ trong đó có ngành kinh doanh hàng hiệu. Đó là nhu cầu không thể thiếu của người tiêu dùng, vấn đề mình phải lựa chọn hình thức và các thương hiệu phù hợp với nhu cầu người dân để sự phát triển được duy trì liên tục.

Ngoài phân khúc người tiêu dùng trong nước, phân khúc khách du lịch nước ngoài cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ trong việc góp phần làm tăng doanh số của chúng tôi. Chương trình hoàn thuế GTGT cho du khách do Bộ Tài chính phát động đầu năm 2013 cũng là một điểm son thu hút khách du lịch mua sắm hàng hiệu cao cấp tại VN.

Tham gia chương trình này, Cty chúng tôi đã tạo được uy tín với khách hàng và các cơ quan quản lý Nhà nước. Từ đầu năm 2013 đến nay, tuy tình hình kinh tế đi xuống do suy thoái nhưng doanh số của Tập đoàn IPP vẫn tăng nhẹ 10%, một phần do khách du lịch mang đến khi biết có chương trình này.

Tuy nhiên, thách thức dành cho chúng tôi cũng không phải nhỏ, trong đó có thể kể đến: chính sách bảo hộ mậu dịch đối với các hàng hiệu chưa được đảm bảo; thị trường VN còn nhiều hàng giả, hàng nhái được bày bán tự do; hàng xách tay vào VN tràn lan… Và một điều chúng tôi luôn trăn trở là làm thể nào để khách du lịch "dốc hết hầu bao ngoại tệ" để mua hàng hiệu với giá trị cao tại VN như họ đã làm ở Hồng Kông, Thái Lan và Singapore.

Điều này không chỉ hỗ trợ chúng tôi tăng Doanh thu mà đồng thời cũng góp phần thu hút thêm ngoại tệ cho nền kinh tế đất nước. Các quốc gia muốn thu hút du lịch đều cạnh tranh bằng giá bán lẻ hàng hiệu, đơn cử như tại Singapore và Hồng Kông có thuế suất nhập khẩu bằng 0; Thái Lan, Malaysia và Philipine đang trình Chính phủ lộ trình giảm giá nhập khẩu để thu hút du khách quốc tế mua sắm… Chúng tôi đã nhìn thấy nhưng chưa làm được. Hi vọng trong tương lai gần chủ trương và chính sách của Nhà nước sẽ cởi mở hơn trong việc phát triển ngành du lịch và thu hút du khách mua sắm cao cấp.

Phía sau thành công...

- Là một nữ doanh nhân thành đạt và bận rộn, vậy chị sắp xếp quỹ thời gian của mình như thế nào để có thể đảm trách tốt vai trò của mình cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội ?

Như tôi đã nói, biết phân quyền hợp lý và đúng người, chúng ta sẽ có được nhiều quỹ thời gian để làm việc khác, nhất là thời gian dành cho gia đình. Tôi luôn hướng các con đến đạo lý làm người và những điều tốt đẹp nhất, phải biết lắng nghe và chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng thông thông qua các hoạt động xã hội, Từ thiện.

- Được biết, Tập đoàn IPP cũng có khá nhiều hoạt động vì cộng đồng với sự tham gia của cả “đại gia đình” chị ?

Lúc gia đình cùng nhau bận rộn với các chương trình từ thiện của Cty là những lúc tôi có thêm thời gian được gần gũi và dạy bảo, định hướng cho các con. Riêng với Tập đoàn IPP, hoạt động từ thiện xã hội cũng chính là nét văn hóa Cty, là một phần không thể thiếu trong tiêu chí phát triển tại VN của chúng tôi. Từ năm 2008 đến nay, Tập đoàn IPP đã đóng góp hơn 62 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội; riêng năm 2013 đóng góp gần 20 tỷ đồng.

- Cảm ơn chị về những chia sẻ thú vị!

Theo Đình Đại

Diễn đàn doanh nghiệp

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: kinh doanh quản lý