Trong lúc nghi phạm sát hại con ruột được đưa đến hiện trường để thực nghiệm tội ác của mình, hàng trăm người dân tại xã Thạch Thất, Hà Nội đã kéo đến la ó, lao vào đòi đánh người mẹ này.
Ngày 14/6, Phan Thị Trinh (19 tuổi, trú tại xã Thạch Thất, Hà Nội) nghi phạm sát hại con ruột đã được đưa đến hiện trường để thực nghiệm. Tại đây, hàng trăm người dân bức xúc la ó, đòi đánh nghi phạm.
Cơ quan điều tra rất vất vả khi dẫn giải nghi phạm trở lại hiện trường thực nghiệm điều tra. Ảnh: FB |
Theo thông tin trên An ninh thủ đô, Tri thức trực tuyến, lúc 10h cùng ngày, gần 30 cảnh sát đã đưa Trinh và 2 người khác (bịt mặt) bước xuống từ ô tô để đưa vào hiện trường. Trong hơn một giờ cảnh sát làm việc tại đây, căn nhà 2 tầng nơi xảy ra vụ án được phong tỏa nghiêm ngặt.
Khi biết tin, hàng trăm người dân địa phương đã kéo đến bao vây khu vực hiện trường. Thấy người dân kéo đến ngày một đông, cảnh sát đã sử dụng xe máy đưa những người tham gia thực nghiệm điều tra rời hiện trường. Tại đây, hàng trăm người dân địa phương la ó, đòi xông vào đánh nghi can được cho có liên quan đến vụ án khiến lực lượng làm nhiệm vụ rất vất vả, phải sử dụng dùi cui để trấn áp những kẻ manh động.
Trước tình thế này, nhiều người cho rằng tội ác của Trinh là đáng lên án, nhưng nếu biết căn nguyên của sự tình thì nhiều ý kiến bày tỏ nên thông cảm vì người mẹ bị trầm cảm sau sinh không kiểm soát được hành vi.
Liên quan đến vụ việc, trên Lao động dẫn lời luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, trong trường hợp này cần thiết phải giám định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của người mẹ để làm căn cứ xử lý theo qui định của pháp luật.
Nếu xác định người mẹ bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vụ án sẽ được đình chỉ. Khi đó, người mẹ sẽ phải bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
"Tuy nhiên, trong trường hợp này, người mẹ vẫn còn đủ khả năng nhận thức sau khi dìm chết cháu bé trong chậu nước vẫn còn đủ nhận thức để tìm cách che dấu hành vi phạm tội, đánh lạc hướng cơ quan pháp luật như tạo hiện trường giả và tiếp tục vào ngủ như không có chuyện gì xảy ra. Như vậy, nhiều khả năng, người mẹ chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi khi trước, trong và sau khi phạm tội", luật sư Thơm nhận định.
Đức Hòa (tổng hợp)