Tin mới

Mổ xẻ cuốn sách cho rằng “người Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc”

Thứ tư, 21/05/2014, 18:05 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Nói về cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” đang\ngây tranh cãi, “ông đồ 8x” nổi tiếng cho rằng, quá trình lao động khoa\nhọc của tác giả Tạ Đức là rất đáng khâm phục, trân trọng.

(Tinmoi.vn) Nói về cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” đang gây tranh cãi, “ông đồ 8x” nổi tiếng cho rằng, quá trình lao động khoa học của tác giả Tạ Đức là rất đáng khâm phục, trân trọng.

 

Như đã thông tin, cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” của tác giả Tạ Đức và những câu chuyện liên quan xung quanh cuốn sách này đang gây chú ý trong dư luận và tạo ra nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu.

Sau khi buổi hội thảo giới thiệu về cuốn sách bị hoãn vào phút chót do bị chính “người bạn thân” có đơn thư “kiện”, tác giả Tạ Đức cũng đã lên tiếng chính thức.

Chúng tôi tiếp tục có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Trọng Dương – Viện nghiên cứu Hán – Nôm – để có những góc nhìn khác về cuốn sách này. TS Dương là một nhà nghiên cứu trẻ tuổi nổi tiếng, có uy tín trong giới học thuật và khoa học Việt Nam.

- Là một nhà nghiên cứu, Tiến sĩ có đánh giá, nhận xét như thế nào về cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” của tác giả Tạ Đức?

- Cuốn “Nguồn gốc người Việt - người Mường” của Tạ Đức ngay sau khi ra đời đã tạo nên những dư luận trái chiều. Người thì khen tấm tắc, người thì chê hết lời. Thậm chí, có người đã phát đơn kiện tác giả khiến cho buổi thảo luận khoa học tại L’Espace bị hoãn vô thời hạn.

Theo tôi, cuốn sách này là một trong số ít công trình khoa học ở Việt Nam trong khoảng 30 năm trở lại đây có thao tác nghiên cứu khoa học liên ngành rộng rãi. Và qua những gì thể hiện trong cuốn sách, có thể nói rằng hiếm có nhà nghiên cứu nào ở Việt Nam hiện nay bao quát được nhiều lĩnh vực như vậy (từ sử học, khảo cổ học, dân tộc học, cho đến biểu tượng văn hóa, văn hóa dân gian …) như tác giả Tạ Đức.

Như tôi được biết, tác giả Tạ Đức đã làm việc tập trung, ròng rã suốt hơn 10 năm mới cho ra đời được cuốn sách trên. Đây thực sự là một quá trình lao động khoa học nghiêm túc, hiếm có và rất đáng khâm phục.

TS Trần Trọng Dương: "Tác giả Tạ Đức đã có một quá trình lao động khoa học nghiêm túc, hiếm có và đáng khâm phục". Ảnh: Duy Minh.

- Sau khi đã đọc, ông thấy cuốn sách này có những điểm gì khác biệt so với những tác phẩm tương tự đã có?

- Đây là một cuốn sách “ngồn ngộn thông tin”, nhất là về tư liệu khảo cổ và tư liệu dân tộc học. Đây cũng là một cuốn sách có độ phủ sóng rất lớn, nó đề cập đến hầu hết những vấn đề khoa học nổi cộm, đã/ đang/ sẽ gây tranh cãi trong giới khoa học trong và ngoài nước. Không chỉ có vậy, tác giả còn đưa ra những giả thuyết mới mẻ, táo bạo.

Điểm khác biệt gây sóng gió cho cuốn sách chính là ở hàng loạt vấn đề vốn trước đây được coi là “nhạy cảm” ở Việt Nam. Ví dụ, phần lớn giới khoa học Việt Nam hiện nay thừa nhận rằng người Việt - người Mường và văn hóa Việt - văn hóa Mường là các nền văn hóa có nguồn gốc bản địa. Trong khi đó, tác giả Tạ Đức lại chứng minh rằng đó là sản phẩm của sự thiên di của các lớp văn hóa từ phương Bắc xuống. Mà phương Bắc, theo kiểu quy chiếu từ thời điểm hiện tại, lại là… Trung Quốc. Trong bối cảnh thời sự Biển Đông hiện nay, kết luận này sẽ bị nhiều người coi là… nguy hiểm.

Có điều, nên chú ý, Trung Quốc ngày nay là một thực thể lãnh thổ bao trùm rất nhiều các lãnh thổ quốc gia đã từng tồn tại trong lịch sử, nhưng đã bị các đế chế/ triều đại của người Hán thôn tính. Nếu quy chụp kết luận của tác giả từ góc nhìn hiện tại thì khổ cho tác giả quá!

- Như Tiến sĩ đã nói, cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” ngay sau khi xuất bản đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giới nghiên cứu và độc giả. Điều gì trong cuốn sách đã gây nên những tranh cãi, thưa ông?

- Như tôi đã nói ở trên, chính những giả thuyết “lạc dòng”, khác biệt với những giả thuyết vốn có đang được số đông công nhận, đã gây ra những tranh cãi trong giới nghiên cứu.

Vấn đề lớn nhất của cuốn sách này, cũng như nhiều công trình khác ở Việt Nam hiện nay, là đang phổ biến công thức dùng truyền thuyết như một cứ liệu lịch sử, cộng với cứ liệu khảo cổ học. Trong khi, chúng ta lại không có khả năng giám định truyền thuyết bởi truyền thuyết là một tác phẩm văn học dân gian.

Trong cuốn “Nguồn gốc người Việt – người Mường”, tác giả Tạ Đức sử dụng truyền thuyết “cha của Đinh Bộ Lĩnh là rái cá” để làm cơ sở quan trọng đi đến kết luận: rằng người Việt có nguồn gốc từ người Đản (Quảng Đông). Tác giả đã lập luận theo truyền thuyết rằng: Đinh Bộ Lĩnh là con của rái cá, mà rái cá là vật tổ của người Đản ở Quảng Đông, suy ra Đinh Bộ Lĩnh có nguồn gốc từ người Đản.

Điều này hoàn toàn không phải, bởi tôi đã chứng minh được rằng bố Đinh Bộ Lĩnh là ông Đinh Công Trứ, quyền thứ sử Hoan Châu (vùng Nghệ An bây giờ). Vậy mà rất lạ khi vẫn có nhiều người tin Đinh Bộ Lĩnh là con của rái cá.

Vấn đề thứ hai là tác giả Tạ Đức dùng khá nhiều lần phương pháp bắc cầu không gian, thời gian để chứng minh cho các lập luận, nhưng trong đó có rất nhiều “cây cầu” khá chông chênh.

Mổ xẻ cuốn sách cho rằng “người Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc”

Cột đá ở chùa Dạm là một hiện vật được tác giả Tạ Đức dùng để phân tích, chứng minh cho luận điểm trong cuốn sách "Nguồn gốc người Việt - người Mường". Ảnh: Trần Trọng Dương.

Tác giả Tạ Đức chứng minh mối quan hệ Việt- Mường- Chăm- Lê (Trung Quốc) để ủng hộ cho thuyết Thiên Di. Tác giả đã lấy dẫn chứng là cột đá chùa Dạm thời Lý (theo quan điểm của Tạ Chí Đại Trường) cho rằng đó là một mukhalinga (linga có mặt thần), các chùa Bà Đanh (Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam…) có gốc tục thờ Thiên Yana Chăm, làng Dừa Yên Sở (nơi trồng nhiều dừa- một biểu tượng của người Chăm gốc Lê). Chứng minh như vậy để bắc cây cầu lịch sử, nghe thì thú vị nhưng thực ra không hẳn như vậy.

Lý do là vì, cột đá ở chùa Dạm là một tàn tích của kiểu kiến trúc chùa Một Cột thời Lý (điều này tôi đã chứng minh cụ thể trong sách Kiến trúc một cột thời Lý) chứ không phải là linga - thần chủ của Hindu giáo. Trên đó chỉ có tạc những hình rồng chầu hỏa châu (xuất phát từ điển long nữ hiến châu của nhà Phật), chứ trên đó không có gương mặt vị thần nào cả. Thêm nữa, cột đá ở chùa Dạm nằm trong khuôn viên Phật giáo nên nó phải mang ý nghĩa Phật giáo Đại Việt, còn linga là của Hindu giáo Champa, nên không thể kết nối hai hiện vật của hai tôn giáo khác nhau để bảo rằng nó là một để rồi kết nối Việt - Champa. Trong khi, chính Tạ Chí Đại Trường đã phủ nhận giả thuyết mukhalinga của mình (trên Xưa và nay), thì tác giả Tạ Đức đã tiếp thu kết quả bị phủ nhận đó để chứng minh cho luận điểm của mình về mối quan hệ Việt - Chăm - Lê.

Vấn đề thứ ba chính là sự tranh luận giữa hai giả thuyết Thiên Di và Bản Địa. Mà hai thuyết này ở Việt Nam lại luôn chịu sự búa rìu của bối cảnh chính trị. Điều này, chính tác giả Tạ Đức đã người nhận thức rất rõ. Ông viết: “Tại Việt Nam, thời kỳ 1960 - 1990 cũng là thời Việt Nam kháng chiến chống Mỹ và xây dựng xã hội kiểu chủ nghĩa xã hội. Dễ hiểu, việc bài xích và lên án thuyết truyền bá - thiên di được đồng nhất với việc bài xích và lên án chủ nghĩa tư bản, hệ tư tưởng tư sản gắn với mọi kẻ thù đế quốc thực dân xâm lược. Ngược lại, việc ủng hộ thuyết tiến hóa - bản địa được coi là sự thể hiện tinh thần độc lập dân tộc, lòng yêu nước và yêu xã hội chủ nghĩa” (trang 398).

Cho nên, vì ra đời trong bối cảnh Biển Đông đang dậy sóng, cuốn sách của Tạ Đức chịu nhiều búa rìu hơn cũng là điều không thể tránh được. Tôi hết sức ái ngại cho tác giả cũng như giới học thuật của Việt Nam.

Và còn rất nhiều luận điểm tác giả Tạ Đức đưa ra trong cuốn sách cần tranh luận, trao đổi thêm. Trên đây chỉ là một số vấn đề lớn, nổi bật nhất.

Tác giả Tạ Đức và cuốn sách "Nguồn gốc người Việt - người Mường" chịu nhiều búa rìu dư luận. Ảnh: Duy Minh.

- Mới đây, buổi giới thiệu cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace đã bất ngờ bị hoãn vào phút chót. Nguyên nhân trực tiếp được cho là do một vị PGS, TS có đơn thư cho rằng luận điểm “người Việt có nguồn gốc là người Trung Quốc” trong cuốn sách là sai trái, nhất là trong bối cảnh chính trị hiện nay. Ý kiến của ông về việc này như thế nào, thưa Tiến sĩ?

- Tôi cho rằng đây là một việc hết sức đáng tiếc. Quan điểm của tôi là mọi hoạt động khoa học phải để khách quan và tự do. Ngay cả khi đặt trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc như hiện nay thì cũng không nên hoãn buổi giới thiệu sách bởi đây chỉ là một buổi trao đổi học thuật đơn thuần.

Như tôi đã trao đổi ở trên, để phản biện một kết luận khoa học, không thể chụp mũ, hay quy về phạm trù đạo đức - chính trị như trước nay một số người vẫn làm. Trong cuốn sách “Nguồn gốc người Việt - người Mường”, tác giả Tạ Đức đã làm hết sức mình với một tinh thần thuần túy vị khoa học, đó là điều rất đáng trân trọng trong bối cảnh hiện nay.

Nền học thuật ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại đang rất cần “một cái nhìn khác”, mà người làm khoa học cần nhất là giữ được sự liêm chính trong học thuật. Sự liêm chính sẽ là bước khởi đầu để Việt Nam có cơ hội “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Duy Minh (thực hiện)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news