10m2/giảng viên là cứng nhắc
Cụ thể, Thông tư này áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng có nhóm ngành đào tạo giáo viên (gọi là cơ sở đào tạo) trong hệ thống giáo dục quốc dân và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Mục đích nhằm quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo được quy định tại Thông tư này sử dụng làm căn cứ để các cơ sở đào tạo lập kế hoạch và dự toán ngân sách; giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê công trình sự nghiệp; quản lý, sử dụng các công trình sự nghiệp.
Quy định mỗi giảng viên chính, giảng viên cần có diện tích làm việc 10m2 gây nhiều tranh cãi. (Ảnh minh họa).
Điểm đáng chú ý trong dự thảo đang nhận được sự quan tâm của dư luận chính là quy định mỗi giảng viên chính, giảng viên cần có diện tích làm việc 10m2.
Theo GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT, việc giảng viên chỉ lên giảng đường để dạy khi có tiết, rồi về nhà là không ổn, ít nhất phải có quy định rõ ràng, giảng viên phải có mặt tại trường đại học bao nhiêu buổi/tuần, bên cạnh thời gian giảng dạy, cũng cần có sự trao đổi với các giảng viên khác, có sự gặp gỡ, hướng dẫn ngoài giờ cho sinh viên.
“Để làm được như vậy, các trường đại học cũng cần đảm bảo không gian làm việc, nghỉ ngơi cho mỗi giảng viên”, ông khẳng định.
Bên cạnh đó, GS. Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh: “Tuy nhiên, việc quy định nhất nhất phải đảm bảo diện tích cho mỗi giảng viên 10m2 là quá khắt khe, quá cứng nhắc, “làm khó” các trường đại học. Không phải trường nào cũng đủ quỹ đất, đủ kinh phí để xây dựng được đúng yêu cầu này”.
“Đặc biệt, giáo dục đại học đang trên đà phát triển ngày càng hiện đại, tiến tới việc học trực tuyến nhiều hơn, sinh viên không nhất thiết phải có mặt tại lớp, giảng viên không nhất định chỉ là người giảng mà phải là người hướng dẫn, lớp học trực tuyến có thể rộng mở mọi lúc, mọi nơi. Bởi thế, không cần quy định “đóng đinh” 10m2 cho giảng viên”, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học đánh giá.
GS. Lâm Quang Thiệp cho rằng "đóng đinh" 10m2/giảng viên là cứng nhắc và đang "làm khó" các trường đại học.
Cân nhắc con số hợp lý
Với một quan điểm khác, TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục lại cho rằng, việc quy định rõ ràng về diện tích làm việc và chất lượng cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy đối với mỗi giảng viên là điều cần thiết.
Theo TS. Vũ Thu Hương, giảng viên không chỉ giảng dạy cho sinh viên ở trên lớp, mà cũng phải dành thời gian nghiên cứu. Trong mỗi trường đại học, không phải chỉ có các giáo sư, phó giáo sư mới cần không gian để làm việc, nghiên cứu; thậm chí, nhiều giảng viên còn phải hướng dẫn sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp mà không có không gian riêng, nên phải trao đổi tại nhà.
“Bản thân khi còn giảng dạy tại đại học Sư phạm Hà Nội, tôi hướng dẫn sinh viên làm khóa luận, đó là những công trình nghiên cứu đang cần phải giữ bí mật, không thể công khai “bô bô” trong các không gian hoạt động tập thể được, đành phải trao đổi với sinh viên ngay tại nhà. Nếu tiếp tục không quan tâm đến những điều kiện làm việc, nhiều giảng viên không thể làm việc, sẽ không muốn gắn bó”, vị chuyên gia giáo dục chia sẻ.
TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh: “Đặc biệt, những giảng viên làm nghiên cứu đặc thù, chẳng hạn, giảng viên sư phạm Sinh học, muốn nghiên cứu về vi sinh vật, nếu không có không gian riêng để làm việc thì biết phát triển ở đâu?”.
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội cũng nhận định: “Các trường đại học ở Việt Nam, nếu tính tương lai xa thì tôi chưa biết những tương lai gần, giảng viên chắc chắn vẫn cần những không gian riêng, đặc biệt là giảng viên dạy các bộ môn thực hành thí nghiệm.
Tại các trường đại học hiện nay, không gian thực chưa bao giờ đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Vì vậy, việc tồn tại một Thông tư với những quy định cụ thể để đảm bảo công tác giảng dạy, nghiên cứu của giảng viên là cần thiết!”.
“Tuy nhiên, diện tích đó là bao nhiêu, thì có thể Thông tư hơi “đi xa” một chút! Theo tôi, quy định để các đơn vị thành lập mới phải đáp ứng yêu cầu đó. Còn đối với các đơn vị cũ, không phải trường nào cũng có thể đáp ứng, kể cả những trường có diện tích lớn, cũng có sự quy hoạch rõ ràng từng giảng đường, hội trường, phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm…”, PGS.TS Trần Văn Tớp phân tích.
PGS.TS Trần Văn Tớp khẳng định, cần có không gian riêng cho giảng viên nhưng diện tích cụ thể bao nhiêu thì linh động, phù hợp với điều kiện các trường.
Phó Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh thêm: “Quan niệm giảng viên lên lớp xong về là hoàn toàn sai, đó chỉ là giáo viên, không phải giảng viên! Hiện nay, một số giảng viên cũng lên lớp xong về, là do điều kiện thực tiễn không đáp ứng đủ, nên không có không gian làm việc.
Định hướng đến có một không gian để làm việc cho giảng viên là hoàn toàn cần thiết. Còn về diện tích cụ thể bao nhiêu thì cần có sự xem xét, linh động, phù hợp với điều kiện của từng trường”.
Theo dự thảo thông tư, mỗi giáo sư cần có diện tích làm việc 24m2, phó giáo sư là 18m2; mỗi giảng viên chính, giảng viên cần có diện tích làm việc 10m2. Bên cạnh đó là các quy định cụ thể về phòng nghỉ, phòng ở, phòng học, hội trường, giảng đường, nhà đa năng, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng/trại thực hành đáp ứng quy mô, chuyên ngành đào tạo của cơ sở đào tạo.