Tin mới

Mỏi mòn chờ ghép tạng

Thứ hai, 24/03/2014, 12:37 (GMT+7)

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, mỗi năm tại bệnh viện có khoảng 1.000 người chết não, nhưng số người hiến bộ phận cơ thể rất ít. Bốn năm gần đây, mới có 14 người hiến tạng cho y học… Rất nhiều bệnh nhân không có tạng ghép đành phải chờ chết.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, mỗi năm tại bệnh viện có khoảng 1.000 người chết não, nhưng số người hiến bộ phận cơ thể rất ít. Bốn năm gần đây, mới có 14 người hiến tạng cho y học… Rất nhiều bệnh nhân không có tạng ghép đành phải chờ chết.

Khắc khoải mong chờ

Đã 2 năm nay, anh Nguyễn Văn Thắng (40 tuổi, ở Phú Thọ) phải chạy thận nhân tạo 5 lần/tuần. Số tiền chạy thận được bảo hiểm chi trả đến 90%, nhưng số tiền thuốc men, rồi tuần nào cũng phải vào viện chạy thận khiến kinh tế gia đình cũng như tâm lý của anh vô cùng mệt mỏi. Anh Thắng tâm sự: “Bác sỹ bảo phải tìm nguồn thận để ghép nếu không sẽ khó giữ được mạng sống. Vì thận cũng đã ở giai đoạn cần phải ghép gấp, còn nếu để thêm thời gian nữa sẽ không có cơ hội ghép nữa”, anh Thắng buồn bã nói.

Hằng ngày, anh Thắng phải dậy từ lúc 3 giờ sáng để đến Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đăng ký chạy thận và rã rời trở về nhà sau 4-5 tiếng nằm bất động trên giường bệnh. Nhiều người thân của anh Thắng có mong muốn hiến thận cho anh nhưng kết quả đều không tương thích. Mệt mỏi, khắc khoải về một quả thận tương thích để ghép vào bản thân mình, kéo dài sự sống để được ở bên vợ con và gia đình xem ra cũng quá xa xôi đối với anh.

Mỏi mòn chờ ghép tạng
Ca ghép đa tạng (thận - tụy) thành công lần đầu tiên tại Việt Nam do Bệnh viện 103 tổ chức.

Bệnh nhân Hà Văn Được (22 tuổi, ở Nam Định) đã có thâm niên 8 năm gắn với máy chạy thận tại Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai). Bệnh nhân bị suy thận bẩm sinh từ năm 15 tuổi, từ đó đến nay phải sống chung với máy chạy thận. Mẹ bệnh nhân Được chia sẻ: “Gia đình chúng tôi ai cũng muốn cắt bớt đi quả thận của mình để cho cháu nhưng qua các xét nghiệm, các chỉ số đều không được”. Để có tiền cho con chạy thận suốt quãng đời còn lại, vợ chồng phải dắt díu nhau làm thuê làm mướn...

Bệnh nhân Vũ Thị Hiên (40 tuổi, ở Hà Nội) bị suy thận mãn 5 năm nay buồn bã cho biết: “Những người chạy thận như chúng tôi khổ lắm. Nghĩ cuộc đời không có lối thoát, nhiều lần chỉ muốn chết cho nhanh để cho đỡ khổ, nhưng nghĩ tới các con tôi lại không đành lòng. Tôi và những bệnh nhân chạy thận khác vẫn không ngừng nuôi khát khao chờ sự chia sẻ một phần cơ thể từ cộng đồng để được hồi sinh và sống có ích chứ không ai muốn mình là gánh nặng cho xã hội”.

Ghép tạng giúp hồi sinh rất nhiều sự sống khác

Theo các chuyên gia y tế, trong hơn 100.000 bệnh nhân mắc bệnh suy thận trong cả nước thì có 10.000 bệnh nhân đang kéo dài sự sống bằng chạy thận nhân tạo. Trong số đó có rất nhiều người được chỉ định ghép nhưng không tìm được nguồn thận để ghép. Số người được ghép vì tìm được người cho chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ghép tạng là một thành tựu rất đáng ghi nhận của nền y học Việt Nam thời gian qua. Đặc biệt, vừa qua Bệnh viện 103 đã thành công trong việc ghép đa tạng. Tính đến nay, trên toàn quốc đã có 13 bệnh viện, cơ sở y tế được phép và có đủ các điều kiện ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Ở Việt Nam, kể từ khi ca ghép thận thành công đầu tiên tại Bệnh viện 103 vào năm 1992 đến nay đã có hơn 800 người được ghép thận từ người cho sống và 46 người được ghép thận từ người chết não; 41 người được ghép gan; 8 ca ghép tim từ người chết não. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với con số 6.000 người đang chờ được ghép thận, hơn 1.500 người được chỉ định ghép gan và hàng trăm người đang mong ngóng cơ hội sớm được ghép tim duy trì cuộc sống hiện tại.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, mỗi năm tại Bệnh viện Việt Đức có khoảng 1.000 người chết não. Nhưng việc hiến tạng từ người cho chết não vẫn còn rất ít. Trong vòng 4 năm gần đây, tại Bệnh viện Việt Đức mới có 14 người hiến tạng. Đó là một việc hết sức lãng phí do quan niệm về hiến ghép chưa được cởi mở. Nhiều người nghĩ rằng, chết phải toàn thây dù tạng của người chết não sau khi chết sẽ bị hư hoại tan biến. Trong khi đó, khi hiến một bộ phận cơ thể người của người chết não mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, làm hồi sinh rất nhiều sự sống khác.

Tại Bệnh viện Việt Đức, số người nằm chờ ghép tạng đã lên tới hàng trăm người nhưng không có nguồn để ghép. Hiện nay, số bệnh nhân đăng ký chờ ghép tạng ngày một nhiều thêm. Có rất nhiều người chờ đợi, đến lúc có tạng thì cũng không thể tiến hành ghép được nữa vì đã quá muộn…

PGS.TS Hoàng Mạnh An - Giám đốc Bệnh viện 103, nơi vừa tiến hành ca ghép đa tạng (thận - tụy) thành công lần đầu tiên tại Việt Nam cho biết, hiện nay số người có nhu cầu cần ghép tạng thì lớn, trong khi nguồn tạng hiến tặng thì hiếm, vì vậy cơ hội cứu sống cho các bệnh nhân trên vẫn còn nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng cho rằng: “Mặc dù nhu cầu được ghép mô, bộ phận cơ thể người là rất cao nhưng thực tế hiện nay, việc hiến tặng, cung cấp mô, bộ phận cơ thể người còn nhiều hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân, đặc biệt là việc tuyên truyền về hiến tạng”.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news