Chồng sức khỏe yếu không đi làm xa được, cô Tơ trở thành lao động chính trong nhà nuôi ba đứa con học Đại học. Công việc nhặt rác của cô bắt đầu từ sớm và chỉ kết thúc vào lúc 1 giờ sáng hôm sau.
12h trưa, hạ bao tải ve chai trên gác ba ga xuống dưới gốc cây, người phụ nữ ngả nón ngửa mặt lên trời. Cô Trần Thị Tơ năm nay đã 52 tuổi, từ Yên Trường, Nam Định lên Hà Nội làm nghề nhặt rác. 25 năm trước, cô lấy chồng. Chồng cô là người trong xã. Về với nhau, hai người chỉ có 3 sào ruộng khoán, làm thuê làm mướn quanh năm cũng chẳng đủ ăn.
Lần lượt ba cô con gái chào đời, gánh cơm áo gạo tiền ngày một thêm nặng. Chồng phải xa nhà đi làm mướn, cô ở quê chăm 3 sào ruộng. Ai thuê gì cô Tơ làm nấy, cốt sao có đủ thời gian lo lắng cho ba đứa con.
Đến năm cô con gái đầu lên 10, cô Tơ theo chân những người phụ nữ khác trong vùng lên Hà Nội kiếm kế mưu sinh. "Cô lên đây cũng được 15 năm rồi, từ hồi các em còn nhỏ. Cả bố cả mẹ cùng vắng nhà, cứ nghĩ đến con là nước mắt cô lại chực trào ra. Mỗi lần về thăm con cô chẳng nỡ đi nữa, nhưng nghĩ đến chuyện không đi thì tiền đâu nuôi con, sau này còn tiền ăn học mỗi ngày một tốn, thế là lại đi... Lắm lúc không dám ngoái đầu lại nhìn con thêm lần nữa".
Giờ thì các con đều đã học Đại học. Chị cả học kinh tế, cô thứ theo sư phạm, còn em út học công nghiệp. Mỗi tháng vợ chồng cô Tơ làm dư ra được bốn, năm triệu đồng là vừa đủ cho ba chị em ăn học.
"Chúng nó càng ngoan thì cô lại càng cố làm, tuy mệt nhưng mà vui, lại khỏe. Mấy năm nay sức khỏe chú yếu đi, không đi xa được nữa, chỉ quanh quẩn làm mướn trong vùng. Bây giờ ngày cô làm từ sáng sớm, cân hàng xong là 1h đêm mới về nghỉ. Chỉ mong sao cho con đủ tiền ăn, đủ tiền học, có thêm tiền mua cái quần cái áo để đỡ thiệt thòi hơn với chúng bạn. " - cô Tơ trải lòng.
Người phụ nữ thấp bé nhẹ cân, mỗi lần muốn khều rác trong thùng bên vỉa hè đều phải nhón chân lên mới thấy được những thứ bên trong. Thế nhưng không biết trên đôi vai được che kín bởi tấm áo bạc màu kia đã gồng gánh bao nhiêu nỗi vất vả, tủi nhục của cả một đời người.
"3 chị em đứa nào cũng chăm chỉ, vừa học vừa làm thêm, đứa gia sư, đứa làm quán ăn. Năm vừa rồi đứa chị cả bảo hay mẹ nghỉ làm trên này, về quê làm việc gì nhẹ nhàng cũng được. Nó bảo ba chị em nó đi làm thêm đủ tiền trang trải chuyện học hành. Thế nhưng thương con, nghĩ nhà nghèo đã là thiệt thòi hơn với chúng bạn rồi, thôi thì mình cố thêm một chút thì con đỡ hơn một chút, cô lại ở trên này làm gắng"
Theo cô Tơ về căn phòng nhỏ chừng 7 m2, mái lợp tấm fibro xi măng, nóng hầm hập. Cô cùng một người phụ nữ khác cùng thuê với giá 400 nghìn đồng/tháng, cả hai người đều làm nghề nhặt rác. Trong nhà có một chiếc giường và một chiếc bếp gas đơn, quần áo chỉ có vài bộ được treo cạnh tường.
"Phòng bé vậy nhưng mẹ con cô hay liên hoan ở đây lắm đấy", cô Tơ nhoẻn cười. Ra là mỗi lần cô con gái nào được học bổng thì chị em đều rủ nhau về đây liên hoan cùng với mẹ. Nói là liên hoan nhưng chỉ là thêm vài món ăn, vừa ấm cúng, vừa có dịp thay đổi khẩu vị.
Có lẽ đó là những giây phút hạnh phúc nhất của người phụ nữ làm nghề nhặt rác này. Hai mắt cô đỏ hoe, mệt mỏi nhưng chỉ cần nhắc đến ba cô con gái là lại sáng ngời, ánh nhìn đầy hi vọng.
Ba giờ chiều, sau khi nghỉ lưng một lát, người phụ nữ lại bắt đầu hành trình, ngày làm việc chỉ kết thúc lúc 1h sáng hôm sau. Cô Tơ lầm lũi dắt chiếc xe đạp chầm chậm đi qua từng con phố, ngó trong từng thùng rác, từng góc vỉa hè xem có ai vừa vứt lại cái gì, có thể nhặt nhạnh không.
Mặc kệ sương, mặc kệ đèn đường hắt hiu lạnh lẽo, mặc kệ nốt con phố vắng tanh. Người phụ nữ không lo cho mình, chỉ sợ hôm nay nhặt nhạnh không được nhiều, tháng sau tiền ăn cho ba đứa con lại ít đi một chút.
Có những nhọc nhằn lẫn cả nước mắt, nhưng niềm tin và sự kì vọng vào những đứa con là nguồn động lực nâng bước cô Tơ đứng dậy.
Cũng chẳng rõ cô sẽ theo cái nghề này đến chừng nào nhưng nụ cười kia có lẽ là phút giây hiếm hoi của người mẹ vĩ đại.
Bá Cường - Ảnh: Quý Nguyễn