Lương cơ bản và lương tối thiểu vùng được xem là hai khái niệm thường xuyên được sử dụng nhưng không phải ai cũng biết quy định lương cơ bản và lương tối thiểu vùng để làm gì.
Theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 quy định về mức lương tối thiểu:
1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình cũng như phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất mà người lao động trả giá cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của gia đình họ.
Mức lương tối thiểu vùng được Chính phủ quy định dựa trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Mức lương tối thiểu theo vùng này được thay đổi hàng năm để phù hợp với nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.
Trong năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của Covid-19, mức lương tối thiểu vùng 2021 không tăng và được thực hiện theo mức lương công bố tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
Hiện mức lương tối thiểu vùng vẫn đang được áp dụng như sau: Vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng.
Lương cơ bản không phải là một khái niệm được pháp luật quy định nhưng lại được nhiều người lao động nhắc đến.
Mức lương cơ bản là mức lương mà người lao động nhận được khi làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không bao gồm các khoản tiền thưởng, phụ cấp, trợ cấp cũng như các khoản thu nhập bổ sung.
Khi thỏa thuận lương cơ bản, người lao động phải đảm bảo mức lương cơ bản không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mà pháp luật quy định đối với từng đối tượng và trình độ.
Mức lương cơ bản không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm công việc đơn giản nhất; mức lương cơ bản cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm công việc đòi hỏi NLĐ đã qua học nghề và đào tạo nghề.