Nắm rõ lí do tại sao trẻ thường xuyên “ăn vạ” là điều đầu tiên cha mẹ nên thực hiện. Có nhiều trẻ do được cha mẹ quá nuông chiều, muốn gì được nấy do đó khi không sở hữu món đồ yêu thích, trẻ sẽ hình thành phản xạ vòi vĩnh để có bằng được thứ trẻ muốn. Lâu dần trẻ sẽ nghĩ rằng, khi muốn có thứ gì, chỉ cần khóc là được.
Không phải ngẫu nhiên mà trẻ lại hành động như vậy. Những lúc như thế, trẻ muốn “nói” với bạn rằng: “Hãy nhìn con, con đang khóc đây, hãy dỗ con đi”, tuyệt đối đừng “mắc bẫy” trẻ trong tình huống này vì như vậy bạn sẽ không thể dạy trẻ đúng cách và làm biến mất hoàn toàn thói “ăn vạ” ở trẻ được.
Bạn nên quan sát trẻ thật kĩ bởi mọi hành động của trẻ đều có lí do. Có thể trẻ không tự mình làm được điều gì đó, trẻ khóc để bạn giúp trẻ. Tuy nhiên lí do để trẻ khóc thường là do trẻ không đạt được điều trẻ muốn. Bình tĩnh tìm hiểu xem trẻ đang gặp phải vấn đề gì sẽ là cách nhanh nhất khiến bạn “cắt cơn ăn vạ” ở trẻ.
“Ăn vạ” là thói quen rất xấu ở trẻ nhỏ |
Đừng “mắc bẫy” của trẻ
Đúng, đừng “mắc bẫy” của trẻ. Chỉ cần bạn ôm trẻ, dỗ dành trẻ ngay lập tức khi trẻ hờn dỗi là trẻ sẽ tự ý thức được rằng: À, thì ra mình chỉ cần khóc là xong, vậy thì tội gì mà không làm quá lên nhỉ? Nhiều ông bố bà mẹ lại chọn cách răn đe trẻ ngay khi trẻ hờn dỗi. Điều này cũng không thực sự tốt bởi trẻ sợ hãi và sẽ càng khóc to hơn mà thôi. Dần dần, những trận đòn sẽ không khiến trẻ sợ nữa. Cách tốt nhất là hãy để trẻ tự chấm dứt tình trạng mè nheo của mình, bạn hãy coi như không thấy trẻ đang ăn vạ hay hờn dỗi.
Bỏ qua hờn dỗi của trẻ chỉ khiến trẻ lặp lại việc đó
Bạn chỉ nên “phớt lờ” khi trẻ đang “ăn vạ”. Khi trẻ đã tự “đầu hàng trong hoà bình” rồi thì bạn nên nói chuyện với trẻ và hỏi trẻ lí do tại sao trẻ khóc. Hãy giải thích cho trẻ rằng việc ăn vạ là không tốt và cha mẹ không vui khi trẻ làm vậy.
Giải thích với trẻ hành động ăn vạ rất xấu là điều cần thiết |
Kiên định khi nuôi dạy trẻ
Nếu bạn dạy trẻ rất đúng cách khi ở nhà nhưng mọi thứ lại hoàn toàn thay đổi khi bạn đưa trẻ đến nơi công cộng thì thực chất việc dạy trẻ của bạn không có tác dụng gì hết. Hãy nhất quán trong cách dạy trẻ, nếu trẻ ăn vạ khi ở nơi công cộng, bạn hãy dẫn trẻ ra một chỗ yên tĩnh và nói chuyện với trẻ về lí do khiến trẻ khóc, la hét.
Bạn dạy con bạn - người thân xen vào, ôi thôi chuyện hỏng bét
Bạn rất nghiêm khắc trong viêc dạy dỗ con cái mình nhưng cứ mỗi khi bạn dạy dỗ trẻ thì ông bà hay cô dì chú bác của trẻ lại xen vào bênh trẻ hay dỗ dành trẻ. Trẻ sẽ biết là trẻ có “đồng minh” nên những biện pháp kỉ luật của bạn sẽ vô tác dụng với trẻ. Bạn hãy nói với người thân của mình rằng: bạn cần dạy dỗ trẻ những điều đúng đắn và họ không nên bênh trẻ, điều này sẽ chỉ khiến công cuộc dạy trẻ của bạn bế tắc hơn mà thôi.
Một người dạy, một người bênh là điều nên tránh trong khi dạy dỗ trẻ |
Cha mẹ hãy là những người gương mẫu
Bản thân cha mẹ là “tấm gương soi” cho con cái của họ. Bạn cáu gắt với con cái và không bao giờ bình tĩnh nổi với những trò nghịch ngợm của chúng. Thay vì cáu giận, bạn hãy tập cách nói chuyện với con, tìm hiểu xem chúng đang nghĩ gì. Đôi khi những câu chuyện nhỏ to giữa cha mẹ và con cái không chỉ cải thiện mối quan hệ gia đình mà còn khiến cả hai thoải mái hơn rất nhiều. Rồi bạn sẽ thấy, chứng “ăn vạ” ở trẻ sẽ tự dung mà biến mất.
Mỗi đứa trẻ lại có một tính cách khác nhau, cha mẹ cần có những “chiêu” khác nhau để dạy dỗ trẻ.
Hoàng Anh Tú