Tin mới

Bí quyết nói “Không” cực tâm lý với trẻ nhỏ

Thứ hai, 07/11/2016, 11:49 (GMT+7)

Chẳng dễ dàng gì khi nỡ từ chối yêu cầu của con trẻ. Nhưng đâu phải điều gì ba mẹ cũng nên đồng ý cho trẻ nhỏ. Vậy nên nói “Không” với con thế nào để con không tổn thương.

Chẳng dễ dàng gì khi nỡ từ chối yêu cầu của con trẻ, nhất là khi chúng thật ngây thơ và nở nụ cười hồn nhiên xin nài ba mẹ. Nhưng đâu phải điều gì ba mẹ cũng nên đồng ý cho trẻ em. Vậy nên nói “Không” với con thế nào để con không tổn thương và vẫn vui vẻ chấp nhận lời từ chối kèm giải thích?

1. Chỉ nói một lần và đừng quên giải thích

Ba mẹ phải thực sự cương quyết nói “không”, thể hiện bằng cả nét mặt lẫn sắc thái giọng điệu. Hãy nghiêm túc giải thích rằng tại sao trẻ không thể có được hoặc làm được cái chúng muốn với những lý do chính đáng. Đừng đưa ra dấu hiệu để trẻ nghĩ chúng có thể tác động đến quyết định của bạn, phiền phức lắm đấy!

Phải giải thích để trẻ hiểu thay vì chỉ từ chối

2. “Đồng ý, nhưng mà....”

Thi thoảng hãy kèm thêm điều kiện để trẻ có thêm ý thức

Không nên để trẻ nghe quá nhiều lần lời từ chối, có thể tác động tiêu cực đến suy nghĩ của trẻ. Đôi khi ba mẹ có thể nói “Đồng ý” nhưng với điều kiện đi kèm, ngụ ý là “Không được đâu”. Ví dụ khi trẻ đòi ăn bánh ngọt, ba mẹ có thể nói: “Được, con có thể ăn chúng, nhưng là sau bữa ăn tối nhé!”

3. Dù thế nào cũng đừng quát

Thay vì quát mắng hãy học cách giao tiếp, giải thích cho trẻ

Nghiên cứu cho thấy việc quát mắng con trẻ thực chất không khác gì nhục hình, gây ra những vấn đề về ứng xử và phát triển tình cảm, có thể khiến chúng bị suy nhược hay tự kỉ. Vì vậy, ba mẹ nên học cách giao tiếp với trẻ thật bình tĩnh và thân thiện, để dù bị từ chối, trẻ vẫn vui vẻ chấp nhận. Ngoài ra ba mẹ có thể dành thời gian cùng trẻ chơi trò chơi bổ ích hoặc làm những việc trẻ thích để chúng mau quên đi những thứ chúng vừa đòi hỏi. 

4. Tôn trọng sự riêng tư

Trẻ nhỏ cũng có quyền riêng tư cá nhân, bố mẹ nên tâm lý nhận ra.

Dù là trẻ nhỏ cũng cần có quyền riêng tư cá nhân. Đừng mắng hoặc từ chối trẻ trước đám đông, chúng sẽ xấu hổ lắm đó. Trẻ sẽ không vui chút nào nếu không được ba mẹ tôn trọng, đặc biệt là khi bị trêu đùa bởi mọi người xung quanh. Ba mẹ hãy ghi nhớ: Nếu làm trẻ xấu hổ ở nơi công cộng, rất có thể chúng sẽ học cách để làm ngược lại điều đó với ba mẹ! Vì vậy hãy thử tìm một chỗ kín đáo và giải thích rõ ràng tại sao ba mẹ lại nói “Không” với trẻ, thật nhẹ nhàng và thiện chí.

5. Cho trẻ sự lựa chọn

Từ chối cũng được, nhưng hãy đưa ra một phương án khác cho trẻ lựa chọn. “Thay vì ăn kẹo, mẹ cho phép con ăn quả táo đỏ nhất đẹp nhất trên bàn!”. Đừng quên giải thích với trẻ quả táo “đỏ nhất, đẹp nhất” ấy sẽ giúp gì cho sức khỏe và ngoại hình xinh xắn của trẻ nhé!

Hãy đưa ra nhiều sự lựa chọn cho trẻ

6. Phải đồng lòng với “đối phương”

Nhiều lúc mẹ thì từ chối nhưng trẻ lại chạy ngay sang chỗ ba để nài một câu đồng ý. Nếu không bàn bạc thống nhất ý kiến trước, rất dễ gây ra xung đột và trẻ có thể quen thói vòi vĩnh “Không thuyết phục được người này thì sẽ thuyết phục người kia”. Ba mẹ hãy thống nhất cách giải quyết và đừng tạo bất cứ tiền lệ không tốt nào cho trẻ nhé!

Thống nhất hành vi ứng xử với bé.

Thế đó, giao tiếp với con trẻ là vấn đề muôn thuở của các cặp ba mẹ. Đôi khi chỉ dùng tình thương cũng không thể giúp ba mẹ và con gần nhau, hiểu nhau hơn. Vì vậy ba mẹ hãy tìm hiểu nhiều hơn những bí quyết, phương pháp để tâm sự cũng như lắng nghe trẻ nói. ĐIều này vô cùng quan trọng và hình thành nhiều thói quen, tính cách và phẩm chất của trẻ sau này, nên ba mẹ đặc biệt chú ý nhé!

Ka Linh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news