Khi thủ phạm của vụ sập cầu treo Lai Châu được phát hiện là…một chiếc ốc, nhà thơ – nhà báo Hồng Thanh Quang đã đưa ra một nhận xét rất đáng suy nghĩ: “Vụ sập cầu ở Lai Châu cho thấy, lắm khi chỉ một cái đinh nhỏ có thể làm sụp đổ cả một công trình lớn... Vậy mà chúng ta cứ quen mồm nói: Chẳng là cái đinh gì! Một xã hội coi rẻ tầm quan trọng của những cái đinh luôn bị rình rập bởi những sự cố bất ngờ thê thảm”.
Nhận xét này đúng có thể đúng với đại đa số, nhưng lại có vẻ không đúng với thiểu số quan chức biết vận dụng binh pháp Tôn Tử. Trong nhiều tình huống ngặt nghèo, các VIP này không hề coi thường những vật dụng tầm tầm như kiểu “chiếc đinh gỉ”, trái lại còn đặt lên vai chúng những trọng trách hết sức nặng nề: Gánh tội thay.
Khi hàng trăm bệnh nhân đang sôi sục đòi phải xử lý trách nhiệm lãnh đạo Bệnh viện mắt Hà Nội trong việc đánh tráo thủy tinh thể đắt tiền thành thủy tinh thể rẻ tiền, thì các đồng chí lãnh đạo này đã nhanh tay tung kế Lý đại đào cương trong binh pháp (Đưa cây lý chết thay cây đào: Người lớn làm họa, bắt người bé chịu tội thay). Và thế là, tội trạng hoàn toàn thuộc về… cái dấu và sự lơ đãng của nhân viên tài vụ: “Sai sót này chúng tôi đã chỉ rõ thuộc về phòng tài vụ, do tự khắc dấu, đóng cho nhanh”.
Tháng 5.2013, trong một công văn của Bộ Xây dựng có một lưu ý hết sức lạ lùng: “Không xây dựng các công trình kiến trúc theo hướng nhại kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu”. Khi thấy dư luận hoảng hốt quá, Lý đại đào cương một lần nữa lại được sử dụng nhuần nhuyễn: Sở dĩ có câu lưu ý dài ngoằng này là do khâu… in ấn. Ở một xó nào đó của văn phòng Bộ, đọc được lời giải thích tài tình này của lãnh đạo, anh nhân viên phụ trách in ấn chắc phải nghiến răng đến trẹo quai hàm và thầm xỉ vả mình thấp cổ, bé họng.
6 căn nhà gỗ trong dinh thự rộng mênh mông 16.000m2 của ông Trần Văn Truyền – nguyên UVTW Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, không có lấy một chiếc đinh. Có lẽ ông sợ những chiếc đinh sẽ gỉ nên làm nhà toàn bằng gỗ đặc biệt. Mà gỗ đặc biệt thì không cần đinh, vì mộng còn chắc gấp 10 lần đinh, ở cả 10 đời chưa long lở.
Không biết có phải vì sợ cây bút của mình cũng có thể bị gỉ nên từ khi biết mình sẽ về hưu, tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011, ông Truyền đã kịp ký bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ? Phát biểu về con số bổ nhiệm kỷ lục này, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Lê Như Tiến đề nghị: “Các cơ quan chức năng phải xem lại tất cả các trường hợp được ông Truyền đưa vào bổ nhiệm để làm rõ nghi ngờ của dư luận”.
Trong bộ máy công quyền, mỗi một vị trí cán bộ lãnh đạo phải là những chiếc đinh ốc chắc khỏe thì guồng máy phục vụ đất nước mới trơn tru. Việc bổ nhiệm sai cũng giống như lắp những chiếc đinh gỉ luôn rình rập làm sập cả dây chuyền.
Đó là chuyện vĩ mô. Những người phụ nữ như chị Thái Thị Ngọc (41 tuổi ở Cam Lộ, Quảng Trị) thì chỉ quan tâm đến cái vi mô. Mấy ngày trước chị Ngọc “được” xuất viện tại Bệnh viện TƯ Huế. Nhưng thay vì niềm vui giã từ bệnh tật, thì chị lại phải xuất viện để về nhà… chờ chết. “Cái van gỉ” trong tim đòi người phụ nữ này phải có 70 triệu đồng để phẫu thuật. Nhưng một thảo dân như chị đâu có bổng lộc gì, tự làm lụng nuôi ăn đã khó, lấy đâu tiền triệu để đổi mạng sống? Chính vì vậy, dù không có cây bút quyền lực như ông Truyền, chị Ngọc vẫn phải ký tên mình vào sổ tử. Bớt được mỗi “cái đinh gỉ” trong bộ máy công quyền thì “cái van gỉ” trong tim, trong lòng hàng ngàn, hàng vạn người như chị Ngọc, sẽ được thay mới.
Video clip có thể bạn quan tâm: Biệt thự của đại gia đất Bắc