Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, đã điều trị cho bệnh nhân N.Đ.N. (63 tuổi, Củ Chi, Tp.HCM) bị nhiễm trùng nặng do giun lươn bò lúc nhúc trong cơ thể.
Theo VTC, trước đó, ông N. thường xuyên phải nhập viện nhiều lần vì suy thận cấp. Ngoài ra, ông còn có tiền căn đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tuyến thượng thận mạn và bệnh mạch vành.
Giun lươn là loại bệnh truyền nhiễm qua đường da. (Ảnh: Zing.vn) |
Cuối tháng 6, bệnh nhân đến bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn để điều trị trong tình trạng buồn nôn, đau bụng và ăn kém bất thường.
Các xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm giun lươn. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng.
Bệnh nhân sẽ được điều trị thêm 4 tuần để loại bỏ hoàn toàn giun lươn khỏi cơ thể, tránh nguy cơ tái nhiễm.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Trưởng khoa Hồi sức bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho Dân Việt biết, giun lươn là một loại giun tròn nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa ở người vì chúng có thể tự nhân lên trong cơ thể (do quá trình tự nhiễm).
Giun lươn bò lúc nhúc trong người bệnh nhân nhìn dưới kính hiển vi. (Ảnh: Dân Việt) |
Khi cơ thể chúng ta bị suy giảm miễn dịch thì chúng bùng lên phát triển rất mạnh, phát tán đến nhiều cơ quan gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.
Nếu có triệu chứng ở đường tiêu hóa và ngoài da như tiêu chảy, đau bụng, nổi mề đay, xuất hiện đường ngoằn ngoèo ở ngang thắt lưng, trên mu bàn tay, bàn chân và quanh hậu môn (do ấu trùng di chuyển)… mọi người nên khám để điều trị bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh, mọi người nên vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và ăn các loại thực phẩm dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Ngoài ra, tránh ăn hải sản sống nếu hải sản đó không được nuôi trong vùng được kiểm soát dịch, bệnh.
Trang Vũ (tổng hợp)