Tin mới

Nghe Hò khoan Lệ Thủy, nao lòng nhớ vị tướng của lòng dân

Thứ sáu, 20/02/2015, 19:41 (GMT+7)

“Mỗi lần về quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn mời các nghệ nhân đến sân nhà hát điệu Hò khoan Lệ Thủy và dặn dò: Lễ hội đua thuyền hàng năm diễn ra trên dòng Kiến Giang vì vậy phải giữ gìn dòng Kiến Giang thật sạch đẹp để cho người dân đến xem. Và đặc biệt, phải bảo vệ, giữ gìn cho được điệu Hò khoan Lệ Thủy”.

 “Mỗi lần về quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn mời các nghệ nhân đến sân nhà hát điệu Hò khoan Lệ Thủy và dặn dò: Lễ hội đua thuyền hàng năm diễn ra trên dòng Kiến Giang vì vậy phải giữ gìn dòng Kiến Giang thật sạch đẹp để cho người dân đến xem. Và đặc biệt, phải bảo vệ, giữ gìn cho được điệu Hò khoan Lệ Thủy”.

Với Đại tướng, dòng Kiến Giang bốn mùa trong xanh nước biếc cùng điệu Hò khoan Lệ Thủy như một phần máu thịt của quê hương, nằm trọn trong lòng người…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên dòng Kiến Giang quê nhà.

Đại tướng muốn nghe điệu hò quê hương

Đó là ký ức của nghệ nhân cấp quốc gia Đặng Thị Hồng Hới, thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) về những lần chị được vinh dự hát cho Đại tướng nghe mỗi dịp Đại tướng về thăm quê.

Bên dòng Kiến Giang thơ mộng, bỗng nghe vang vọng đâu đó điệu Hò khoan Lệ Thủy, điệu hò mà Đại tướng luôn nhớ da diết khi sống xa quê, khiến lòng người chợt thắt lại. Mới đây thôi, Đại tướng giản dị trong chiếc áo bà ba màu mỡ gà ngồi giữa sân nghe hát hò khoan, vỗ tay theo điệu nhạc hát xô. Thế mà nay, tròn hai mùa đông, Đại tướng về với đất mẹ vĩnh hằng...

Còn nhớ lúc sinh thời, mỗi khi về thăm quê, nơi đầu tiên Đại tướng đến là nghĩa trang để thắp hương cho cha, mẹ, những người thân đã mất và các liệt sỹ. Sau đó, Đại tướng trở về ngôi nhà tuổi thơ để thắp hương trên bàn thờ tổ tiên. Dọc đường đi, người dân đứng hai bên đường chào đón Đại tướng, Đại tướng ân cần bắt tay, hỏi han từng người.

Tuy bận trăm công nghìn việc nhưng trong lòng Đại tướng luôn nhớ da diết điệu hò quê hương. Chính vì vậy, mỗi lần về quê, Đại tướng đều muốn nghe lại những điệu hò thân thuộc này. Nói đến đây, giọng nghệ nhân dân gian cấp Quốc gia Đặng Thị Hồng Hới bỗng nghẹn lại, ký ức được hát điệu hò khoan cho Đại tướng nghe năm nào bỗng ùa về: “Biết Đại tướng thích nghe hò khoan, nên mỗi lần Người về quê, các đồng chí bên huyện đều tập hợp các chị em trong câu lạc bộ lên hát điệu hò khoan cho Đại tướng nghe. Nhiều chị em vui quá khi nghe tin Đại tướng về và được hát cho Đại tướng nghe, quên mất trên quần áo đang lấm lem bùn lầy, vẫn chạy đến nhà Đại tướng. Vậy mà Đại tướng vẫn ôm hôn và bắt tay từng người”.

Trong sân nhà Đại tướng hôm ấy, người dân đến nghe hò khoan cùng Đại tướng rất đông, chừa lại một khoảng đất trống giữa sân để các nghệ nhân biểu diễn. Nghe điệu hò khoan, Đại tướng như trở về với thời kỳ ấu thơ. Cũng bên dòng Kiến Giang, Đại tướng được nghe điệu hò Giã gạo năm nào, khuôn mặt Người bỗng vui hơn, chan chứa niềm thương dạt dào.

Trong cuộc đời, nghệ nhân Hồng Hới được may mắn hát cho Đại tướng nghe hai lần khi Đại tướng về thăm quê. “Lần cuối cùng tôi được hát cho Đại tướng nghe cách đây 10 năm, nhưng ký ức về Người vẫn còn vẹn nguyên. Với chúng tôi, Đại tướng như người bác, người cha xa quê lâu ngày về thăm con cháu. Trong cuộc trò chuyện, Đại tướng đề nghị chúng tôi hát các điệu Hò khoan Lệ Thủy như Đêm về Kiến Giang, Hò khoan giã gạo... Nghe chúng tôi hát, Đại tướng vỗ tay theo điệu nhạc và hào hứng hát xô... là hò là khoan”, nghệ nhân Hồng Hới nhớ lại.

Bát ngát điệu hò quê hương

Phải có gì đặc biệt lắm thì Hò khoan Lệ Thủy mới khiến Đại tướng nhớ da diết và thích nghe đến vậy. Biết chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu sâu về Hò khoan Lệ Thủy, điệu hò khiến Đại tướng luôn trăn trở, nhớ nhung mỗi lúc đi xa, nghệ nhân Đặng Thị Hồng Hới say sưa kể cho chúng tôi nghe về điệu hò khoan đặc biệt này. Trong câu chuyện của chị phảng phất đâu đây một tình yêu mãnh liệt với điệu hò khoan vừa nồng nàn, da diết nhưng cũng rất đỗi tinh tế và bác học. Chị nói, Hò khoan Lệ Thủy có 9 mái (làn điệu), trong đó có mái cơ bản là mái chè, mái nện, mái xắp, mái ba, mái ruỗi, mái nhì và hò nậu xăn, hò khơi (miền biển), hò lỉa trâu (miền đồi núi). Nằm trong hệ thống dân ca Bình - Trị - Thiên nhưng Hò khoan Lệ Thủy có nét riêng, có hệ thống bài bản quy định rất chặt chẽ về làn điệu (mái hò), lối hò (chủ đề), có bài bản và quy định rõ ràng. Trong đó, gồm có 9 mái và rất nhiều lối hò phong phú, chẳng hạn như hò xa cách kết vấn, hò nhân ngãi, hò địch vận trong kháng chiến chống pháp...

Các nghệ nhân biểu diễn Hò khoan Lệ Thủy dưới sân nhà Đại tướng nhân dịp Đại tướng về thăm quê.

Theo họa sỹ Dương Ngọc Liên, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Lệ Thủy: “Hò khoan Lệ Thủy có nguồn gốc từ hoạt động lao động sản xuất, nó thể hiện sự đoàn kết của con người chống chọi với thiên nhiên. Sự nhịp nhàng, mạnh mẽ hay khoan thai tùy thuộc vào hoàn cảnh. Có lúc lay lắt xót xa, thương yêu nhớ nhung xa cách...”. Vì thế, Hò khoan Lệ Thủy có thần thái riêng biệt với các làn điệu dân ca khác. Đặc sắc ở chỗ, người hò cái, hò con trong Hò khoan Lệ Thủy ngang bằng nhau về “vai vế”, ai cũng có thể thành người hò cái và ngược lại. Điều này lý giải vì sao Hò khoan Lệ Thủy sinh ra để phục vụ văn hóa lễ hội và không có mặt ở văn hóa cung đình.

Đoạn trường vực dậy Hò khoan Lệ Thủy

Mỗi lần về quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn mời các nghệ nhân đến sân nhà hát điệu Hò khoan Lệ Thủy và dặn dò: “Lễ hội đua thuyền hàng năm diễn ra trên dòng Kiến Giang, vì vậy phải giữ gìn dòng Kiến Giang thật sạch đẹp để cho người dân đến xem. Và đặc biệt, phải bảo vệ, giữ gìn cho được điệu Hò khoan Lệ Thủy”, lời dặn của Đại tướng năm nào luôn khiến các nghệ nhân hát Hò khoan Lệ Thủy phải đau đáu, cố gắng giữ gìn bằng được Hò khoan Lệ Thủy.

Như trở về với kỷ niệm xưa cũ, ánh mắt nghệ nhân thoáng chút buồn: “Cách đây 25 năm, xu thế nhạc trẻ nổi trội, cuộc sống của người dân khởi sắc hơn. Dần dần người ta không nghe Hò khoan Lệ Thủy nữa. Đã có nhiều nghệ nhân bất lực khi muốn làm sống dậy điệu hò quê hương này. Những nghệ nhân hát Hò khoan Lệ Thủy cũng vì vậy mà mai một dần”.

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ sự nỗ lực của những nghệ nhân có tâm huyết, Hò khoan Lệ Thủy mới bắt đầu khởi sắc, hồi sinh mạnh mẽ. Các nghệ nhân dân gian đã đưa Hò khoan đến tham dự các cuộc thi hát dân ca tổ chức trên khắp mọi miền đất nước và giành về nhiều huy chương vàng của loại hình dân ca này. Đến nay, Hò khoan Lệ Thủy được đưa vào hầu hết khắp các trường học. Các thế hệ, tùy từng độ tuổi mà người dân thành lập từng Câu lạc bộ hát Hò khoan Lệ Thủy. Vì vậy, đến Lệ Thủy hôm nay, người ta dễ dàng bắt gặp khúc hát đồng ca Hò khoan Lệ Thủy. Để mỗi người trong chúng ta, khi nghe điệu Hò khoan này lại nhớ về Đại tướng, nhớ bóng dáng người sau bao năm xa quê trở về, Đại tướng vẫn gõ đúng nhịp, hát đúng lời của điệu hò quê hương ấy...

"Lệ Thủy Kiến Giang mênh mông sông nước/Đồng xanh lúa lượn thẳng cánh cò bay/ Quê hương tình nặng nghĩa dày/ Lồng trong câu hát đong đầy nắng sương/ Lệ Thủy gạo trắng nước trong/ Ai về Lệ Thủy thong dong con người/ Câu hò vang vọng ngàn đời/ Đêm trăng cối gạo tình người đắm say/...”. Đó là trích đoạn bài "Gặp nhau bên cối gạo đêm trăng" của Võ Như May được nghệ nhân Hồng Hới hát cho chúng tôi nghe. Làn điệu dung dị, mượt mà nhưng hàm chứa sự thông minh, lém lỉnh của người dân xứ Lệ trong cách đối đáp. Tiếng hát dừng lại, trong lòng người nghe vẫn còn lâng lâng những cảm xúc khó tả.

Theo NGÔ HUYỀN – Đời Sống Pháp Luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news