Trong giao tiếp kinh doanh, tặng quà được xem như một nghệ thuật lấy lòng tinh tế nhất. Làm sao để lựa chọn cách tặng cũng như món quà nhằm đẩy mạnh và thắt chặt mối quan hệ làm ăn? Hãy tìm hiểu điều này thông qua văn hóa tặng quà của doanh nhân thế giới.
Nghi thức tặng quà của doanh nhân châu Á
Ngay cả trong cùng một nền văn hóa châu Á, nghi thức tặng quà của Nhật và Trung Quốc đã có nhiều điểm khác biệt. Nếu như tại Nhật, tặng quà là điều vô cùng phổ biến thì tại Trung Quốc, việc tặng quà trong quan hệ kinh doanh được nhìn nhận rất khắt khe bởi nó dễ bị quy kết như một hành động hối lộ. Do vậy, bạn không nên tặng quà cho đối tác Trung Quốc trước khi kết thúc đàm phán.
Truyền thống của người Trung Quốc cũng buộc người được tặng quà phải từ chối 3 lần trước khi chấp nhận, điều này có thể khiến bạn cảm thấy bực mình và bối rối nếu không quen với tập tục này.
Ghi nhớ: Tránh tặng những vật sắc nhọn vì nó sẽ được hiểu rằng mối quan hệ làm ăn sẽ không đi đến đâu.
Ngược lại, văn hóa của người Nhật lại rất coi trọng việc gói quà một cách chăm chút. Giấy gói quà nên tránh những màu đen trắng vì đó là những màu tang tóc đối với người Nhật. Cũng cần tránh con số 4 hay 9 vì đó là những số không may mắn trong văn hóa của họ.
Ngoài ra, nếu được mời đến ăn tối tại nhà riêng, cuộc trò chuyện của bạn không nên có những đề tài tế nhị về văn hóa hay tôn giáo, tránh lưu lại quá lâu và đặc biệt là không nên tỏ ra quá yêu thích một món đồ gì đó của gia chủ. Khi bạn khen ngợi món gì đó, họ sẽ cảm thấy phải tặng bạn món đồ đó, dù là miễn cưỡng.
Nếu bạn mang một món quà để tặng đối tác thì đừng chờ đến cuối buổi mới đưa. Khi trao quà, bạn hãy cầm bằng hai tay và cúi mình xuống và nói cho họ biết: ”Món quà này không thể sánh bằng mối quan hệ tốt đẹp giữa chúng ta”. Hãy nói rằng đây chỉ là một “món quà nhỏ”, kể cả là món quà rất đắt đi chăng nữa, quan trọng là truyền đạt thiện ý của bạn. Trong một năm, theo truyền thống Nhật, có hai dịp người ta tặng quà nhau. Đó là giữa mùa hè và dịp cuối năm.
Trong giao tiếp kinh doanh, tặng quà được xem như một nghệ thuật lấy lòng tinh tế nhất.
Giống với Trung Quốc, đối tác Singapore có thể sẽ lịch sự từ chối món quà của bạn 3 lần trước khi chấp nhận nó. Còn việc gặp gỡ, đàm phán kinh doanh và tặng quà đối tác ở Ả Rập Xê Út sẽ khó thực hiện trong tháng ăn chay trước lễ hội Ra-ma-đan. Ở Ấn Độ, bạn đừng tặng bất cứ món gì được làm từ bò vì bò là con vật linh thiêng của họ. Tại những quốc gia Hồi giáo thì thịt heo là điều cấm kỵ vì họ xem heo là con vật dơ bẩn.
Đừng ngạc nhiên nếu đối tác là người Chile. Họ có thể nhận quà và bóc quà ngay lập tức. Và ở Indonesia, người ta vẫn thường trao cho nhau những món quà nho nhỏ.
Nghi thức tặng quà của doanh nhân châu Âu
Ở Đức việc tặng quà hầu như không có và cũng không được coi trọng. Tặng quà cũng không phải là một tập quán thông thường ở Bỉ hay ở Anh. Ở hai nước này, thì khi bạn được mời tới nhà ai đó thì hoa là món quà rất phù hợp. Ở Mexico thường có phong tục hỏi thăm về gia đình và vợ con trong khi ở Trung Đông thì điều này lại bị cho là cấm kỵ.
Nếu làm việc với những đối tác có quốc tịch dưới đây thì bạn đừng nên tặng quà lần đầu. Họ chỉ nhận quà khi đã có vẻ thân: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Brazil, Chile, Guatemala. Nicaragua, Panama, Phần Lan và Thụy Điển, Mỹ, Đan Mạch, Ý...
Nhiều công ty hay chính phủ của nhiều quốc gia sẽ có những hạn chế hoặc chính sách riêng đối với việc tặng quà trong giao thương. Tiêu biểu như ở Mỹ, một món quà tặng trên 25 Mỹ kim đã có thể bị xem như món hàng hối hộ. Thế nên bạn chắc chắn phải tìm hiểu những Chính sách này trước khi quyết định tặng quà cho đối tác.
Thời điểm thích hợp để tặng quà
Tặng quà sai thời điểm không những thể hiện sự kém khéo léo của bạn mà đôi khi còn tạo ra những rắc rối cho mối quan hệ làm ăn. Do đó, hãy chọn những dịp thích hợp nhất để tặng, như:
• Khi khách hàng hay nhân viên của bạn hoàn thành tốt một chương trình huấn luyện hoặc một dự án khó.
• Khi bạn muốn tăng cường mối quan hệ làm ăn với khách hàng
• Để kỷ niệm đối tác kinh doanh hay nhân viên được thăng chức hoặc nghỉ hưu
• Khi bạn muốn chúc mừng một sự kiện đặc biệt của nhân viên hay đối tác, như kết hôn hoặc sinh con
• Vào các dịp lễ
Bạn có lẽ cũng tự hỏi vậy khi nào thì không phù hợp để tặng quà. Theo hiến kế của trang Greatfoor.com, việc tặng quà được cho là không phù hợp khi:
• Món quà có thể bị coi là của hối lộ
• Bạn đang cố giành một khách hàng mới
• Thời điểm thương lượng hợp đồng
Tiêu chí và việc đáp lễ
Không có quy định đặc biệt nào về việc nên chi bao nhiêu cho một món quà. Giá trị của một món quà tùy thuộc vào mối quan hệ thân thiết giữa bạn và người được tặng. Những dịp đặc biệt quan trọng hơn có thể sẽ cần một món quà đắt giá hơn. Bằng không thì trong lần gặp gỡ đầu tiên, một món quà đơn giản được gói cẩn thận đã đủ để biểu hiện thành ý. Vào các dịp lễ, nếu những mối quan hệ còn thân sơ thì bạn có thể gửi những tấm thiệp chúc mừng với chữ ký tay của mình.
Tiêu chí ưu tiên vẫn là:
• Trông chuyên nghiệp
• Tiện lợi dễ sử dụng
• Chất lượng tốt, có thể dùng lâu bền
• Dễ bảo quản
Nếu là người được tặng, bạn có thể bày tỏ sự cảm ơn bằng cách gọi điện, gửi một tấm thiếp cảm ơn hoặc gửi tặng lại một vật lưu niệm nhỏ.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư