Tin mới

Ngôi đình thiêng có công năng “đặc biệt”

Thứ hai, 06/10/2014, 15:24 (GMT+7)

Ngôi đình nổi tiếng là linh thiêng và có khả năng che chở cho dân làng. Ngày còn chiến tranh, ngôi đình là nơi bộ đội, người dân trong làng và nhiều làng xung quanh đến trú ngụ để tránh bom đạn của kẻ thù.

Ngôi đình nổi tiếng là linh thiêng và có khả năng che chở cho dân làng. Ngày còn chiến tranh, ngôi đình là nơi bộ đội, người dân trong làng và nhiều làng xung quanh đến trú ngụ để tránh bom đạn của kẻ thù.

Huyền tích ngôi đình thiêng

Ngôi làng nhỏ bé thưa dân này nằm gần cuối xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, từ đường Hồ Chí Minh chúng tôi phải đi hơn 4km đường gập ghềnh mới tới đầu làng. Ngày chúng tôi về, bà con nơi đây đang bước vào mùa thu hoạch lúa, ngôi làng vắng bóng người, không có ai qua lại để hỏi thăm. Rồi chúng tôi cũng may mắn gặp được một cháu nhỏ đi chăn trâu và đã chỉ đường đến ngôi đình thiêng của làng.

Khi chúng tôi bước vào, cửa đình vẫn rộng mở nhưng bên trong không có người, ngoài sân đình người dân đã đổ thóc ra phơi. Gọi điện thoại cho cụ thủ từ, cụ bảo: “Các anh ngồi đợi một chút, tôi sẽ đến ngay”.

Trong thời gian ngồi chờ cụ thủ từ, chúng tôi dạo qua một vòng ngôi đình, phong cảnh thật tĩnh lặng, không khí trong lành, dễ chịu. Ngôi đình không lớn nhưng rất khang trang và đẹp, nằm bên bờ dòng sông Đáy chảy qua làng Tiến Tiên.

Rồi cụ thủ từ đến đình, cụ tươi cười hỏi chuyện chúng tôi, với khuôn mặt hiền từ của một người nhiều năm trông nom cửa Thánh, cụ mời chúng tôi vào. Sau khi pha trà cụ kể cho chúng tôi nhiều điều linh thiêng, thần bí về ngôi đình của làng mình.

Theo Thần phả của làng ghi lại: “… Cách đây 2.000 năm, mảnh đất nơi đây đã có dấu tích của Đức Thượng Đẳng Tản Viên Sơn Thánh, người anh hùng đã có công lãnh đạo cuộc chiến tranh vệ quốc, bảo vệ nền độc lập nước Văn Lang dưới triều đại vua Hùng Duệ Vương thứ 18. Sau khi dẹp yên giặc Thục về tới địa đầu Đăng Tiên Trang, tức là nơi đây… Phía trước có núi, bên cạnh con sông uốn lượn như cung rồng, giữa mảnh đất thiêng có oa thiên tạo. Thật là cảnh đẹp “Sơn thủy hữu tình”. Người đã dừng lại một ngày đêm, quan quân đồn trú nghỉ ngơi. Nhân dân Đăng Tiên mang lễ vật dâng lên Người và quan quân. Người nói: “Ta Tản Viên Sơn vâng lệnh vua Hùng đi đuổi giặc, nay đã viên mãn về đây giúp dân cày cấy, ổn định cuộc sống, đồng thời diệt trừ sơn lang, độc thú bảo vệ dân làng. Nhân dân Đăng Tiến kính trọng hảo tâm dâng lễ vật! Ta ghi ơn! Nhân dân hãy mang trâu, bò, dê, lợn về. Ta chỉ nhận một ít bánh trái, lễ chay”.

Nhân dân Đăng Tiến cảm ơn công đức của Ngài, xin được lập miếu phụng thờ. Người cắm hướng miếu và cho dị hiệu. Quán Cốc có tên từ đó. Công lao của Ngài đã được vua Hùng phong tặng: “Tản Viên Sơn Thánh Nhạc Phủ Thượng Đẳng Thần”. Ngày 12-3, sinh nhật. Ngày 12-11, đăng vu sơn về núi, trở thành bất tử. Nhân dân Đăng Tiến xưa, Tiến Tiên ngày nay cha truyền con nối, đời tiếp đời đèn nhang cúng tế. Từ ngôi đền quán nhỏ ngày xưa, nay ngôi đình khang trang cổ kính. Trải qua nhiều triều đại như Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều truy phong quốc sắc: Tản Viên Sơn Thánh Đông Đô Qúy Minh Thượng Đẳng Phúc Thần…

Theo lời kể của người dân địa phương, trước đây ngôi đình cây cối rậm rạp bao trùm, ít người qua lại. Nơi đây được bao phủ bởi sự thần bí, linh thiêng gắn liền với nhiều truyền thuyết liêu trai khiến bất cứ ai đi qua cũng phải e sợ nhưng kể từ sau ngày thống nhất, ngôi đình bị xuống cấp, nhiều gian bị phá đi để lấy gỗ, gạch xây dựng, cây cối được phát quang, chỉ giữ lại một phần nhỏ diện tích như hiện nay. Nhưng sự linh thiêng thì không mất.

Cụ thủ từ kể rằng, ngôi đình có tiếng là cầu gì được nấy và có khả năng che chở bom đạn cho dân làng. Ngày còn chiến tranh, ngôi đình là nơi bộ đội, người dân trong làng và nhiều làng xung quanh thường đến trú ngụ để tránh bom đạn của kẻ thù.

Chuyện kể rằng, thời chống Pháp, quân giặc bắn rất nhiều đại bác vào làng, đường sá, nhà cửa bị tàn phá tan hoang nhưng có điều kỳ lạ là không một quả đạn nào bắn trúng ngôi đình mà đều rơi hết xuống dòng sông, có những quả đạn tưởng chừng sẽ rơi vào giữa ngôi đình nhưng như có phép màu nào đó bất ngờ đẩy quả đạn đi hướng khác, bảo vệ ngôi đình được toàn vẹn như ngày hôm nay. Có lần, quân ngoại xâm hòng tiêu diệt bộ đội và người dân đang ẩn trong đình, bắn liền 5 quả đại bác nhằm san phẳng ngôi đình nhưng thật không may cho chúng là trong 5 quả chúng phóng ra thì có 3 quả bị “đẩy” rơi xuống sông còn 2 quả thì không nổ, kẻ thù không hiểu chuyện gì đang xảy ra khiến chúng rất hoang mang, lo sợ. Hỏi các cụ cao tuổi thì cụ Ty giải thích rằng vì ngôi đình được Đức Thánh Tản Viên che chở và không ai có đủ quyền năng phá bỏ được nơi Ngài đang ngự trị.

Ngoài ra, trước đây, ngôi đình còn được sử dụng làm nơi để những học sinh trong làng học tập nhưng dù rất nghịch ngợm nhưng tuyệt đối không một ai dám làm dơ bẩn ngôi đình cũng như làm kinh động đến giấc ngủ thiên thu của Tản Viên Sơn Thánh.

Người dân trong làng và nhiều nơi khác khi tổ chức cưới cho con cháu thường đến đình “trình hồn”, mong Ngài phù hộ cho hạnh phúc, con cái hai bề và làm ăn phát đạt.

2.000 năm đã trôi qua nhưng đến ngày nay ngôi đình vẫn mang trong mình nhiều điều kỳ bí, khó giải thích.

 

Ngôi đình cổ làng Tiến Tiên 2.000 năm tuổi với nhiều chuyện kỳ bí, khó giải thích.

“Trừng phạt” những người có lòng tham

Bản thân cụ thủ từ  đã được cha ông mình cùng với nhiều cụ cao niên kể chuyện, cũng như tận mắt chứng kiến rất nhiều chuyện linh thiêng không thể lý giải về ngôi đình này.

Một câu chuyện linh thiêng mà bất cứ người dân Tiến Tiên nào cũng biết và các tài liệu trong đình cũng ghi lại. Đó là vào thời kháng chiến chống Pháp, khi đó quân địch đóng quân bên Gốt, chúng cho quân về đình chặt tre làm hàng rào quanh đồn nhưng không hiểu sao chúng không thể ở nổi, hàng đêm cứ có tiếng người đứng ở đầu đồn đòi tre. Có lẽ vì quá bực tức bởi chuyện này mà chúng cho bắn 9 quả đại bác về đình nhưng kỳ lạ thay, cả 9 quả đại bác cắm xuống đất mà không nổ quả nào, quân giặc đứa nào đứa nấy mặt mày tái mét, cắt không được giọt máu, từ đó chúng phải trả lại tre và chuyển đồn đi nơi khác.

 

 Cụ Ty đang làm lễ “trình hồn” cho một thanh niên sắp thành hôn.    Ảnh: Khánh Phong

Rồi chuyện, có anh thanh niên đi qua đình và vào thắp hương nhưng không rõ vì phạm phải lỗi gì mà sau khi thắp hương xong không thể ra khỏi đình mà cứ ngồi khóc rưng rức, kêu than. Vài cụ ông ngồi chơi cờ tướng trong đình cùng với cụ thủ từ ra khuyên can nhưng anh này vẫn không thể đứng dậy được, cứ vài phút lại xê dịch dần vào trong phía hậu cung mà khóc to hơn. Cụ thủ từ không còn cách nào khác là đốt hương cầu khấn. Một lúc lâu sau thì anh thanh niên mặt tươi tỉnh đứng dậy, không nhớ gì những việc mình đã làm trước đó và chào các cụ, ra về.

Cũng theo cụ Ty, bất cứ ai có lòng tham, lấy đồ của đình về làm việc riêng đều phải tự nguyện đem trả nếu không sẽ bị Ngài “trừng trị”. Những câu chuyện linh thiêng trong ngôi đình 2.000 tuổi không chỉ có cụ thủ từ mà còn được nhiều người dân xác nhận.

 

Bà Nguyễn Thị Sản, người dân trong làng, từng chứng kiến nhiều chuyện không hay xảy ra với những người dám “coi thường” Thánh thần.    Ảnh: Khánh Phong

 “Ngày trước, cây cối trong đình um tùm nên có rất nhiều củi, người dân thường vào đình lấy củi về đun nấu nhưng muốn mang ra khỏi cổng đình thì ai nấy đều phải vào trong hậu cung thắp hương cầu xin thì mới ra về “an toàn”, một người dân cho hay.

Bà Nguyễn Thị Sản, 58 tuổi kể: “Có ông đến đình chặt tre, ông này “coi thường” Thánh thần nên không vào trong xin phép. Vài ngày sau khi mang tre về, không bệnh tật gì nhưng những người trong gia đình “thay nhau” có biểu hiện lạ như nói lảm nhảm, ốm đau… chạy chữa mấy cũng không khỏi. Sợ quá, ông này sai vợ đem tre đến đình và nhờ cụ thủ từ làm lễ tạ lỗi. Từ đó, mọi người trong gia đình khỏi bệnh. Một  bà vào đình xin cây keo về làm cột chống căn bếp “không xin phép”, liên tiếp mấy ngày sau cứ đặt lưng xuống giường lại bật dậy như có người chống lưng lên, nhiều đêm mất ngủ vì sợ, người gầy yếu, không ăn uống được gì, gia đình nghĩ sẽ không thể qua khỏi. Người nhà làm lễ ra đình cúng, bà này tự nhiên khỏi bệnh”.

Ngôi đình không chỉ linh thiêng khó lý giải bởi có khả năng “trừng phạt” những người có lòng tham nên người dân Tiến Tiên đến nay không ai dám lấy một đồ vật gì trong đình về làm của riêng mà “không có sự đồng ý của Ngài” mà còn huyền bí hơn nữa khi gắn liền với truyền thuyết đôi rắn thần và chiếc giếng cổ trong hậu cung. Những câu chuyện kỳ lạ trên có thể có thật, có thể được người dân thần thánh hóa để răn dạy con cháu. Nhưng thực tế đối với văn hóa của người Việt, những ngôi đình luôn có giá trị tâm linh lớn.

Theo Khánh Phong - Hà Linh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news