Tin mới

Ngư dân Hoàng Sa: Vừa đánh bắt vừa phải dè chừng tàu nước ngoài

Thứ năm, 23/04/2015, 08:17 (GMT+7)

“Bây giờ ra Hoàng Sa ngư dân rất lo âu, vừa đánh bắt vừa phải dè chừng dòm ngó tứ bề, hễ thấy bóng dáng tàu nước ngoài là chạy né tránh, chứ bị lấy tài sản coi như trắng tay”, một ngư dân chia sẻ..

“Bây giờ ra Hoàng Sa ngư dân rất lo âu, vừa đánh bắt vừa phải dè chừng dòm ngó tứ bề, hễ thấy bóng dáng tàu nước ngoài là chạy né tránh, chứ bị lấy tài sản coi như trắng tay”, một ngư dân chia sẻ..

Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với UBND huyện đảo Lý Sơn và UBND tỉnh Quảng Ngãi về giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân.

Đoàn giám sát khảo sát thực địa tại Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn.

Theo tin nhanh từ Cổng thông tin điện tử của đại biểu nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, tại buổi làm việc, huyện Lý Sơn đã nêu ra một số khó khăn như: Huyện vẫn chưa có Khu dịch vụ hậu cần nghề cá để thu mua và chế biến hải sản nên làm giảm giá trị khai thác và giá trị gia tăng; hệ thống hạ tầng cảng cá còn khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu; các Khu neo đậu tàu thuyền chậm được cấp vốn nên ảnh hưởng đến việc neo đậu, trú bão; các tàu khai thác trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa thường bị các tàu nước ngoài xua đuổi, đâm va và đập phá trang thiết bị, ngư lưới cụ gây thiệt hại tài sản và đe dọa đến tính mạng ngư dân; đời sống ngư dân còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế và đời sống tinh thần.

Cụ thể, thông tin trên báo Thanh niên cho biết thêm, từ năm 2007 đến nay, thiên tai đã nhấn chìm xuống biển 32 tàu, 38 tàu bị hư hỏng, 82 tàu bị nước ngoài bắt giữ, đòi tiền chuộc, đập phá, lấy tài sản khi ngư dân Lý Sơn đang hành nghề hợp pháp ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa.

Chỉ tính riêng từ năm 2014 đến nay, đã có 22 tàu cá Lý Sơn đi khai thác ở Hoàng Sa bị nước ngoài đập phá tài sản, ngăn cản không cho hành nghề, gây thiệt hại về tài sản hơn 3,1 tỉ đồng.

Ngư dân Lê Khởi, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, bày tỏ lo lắng với đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Bây giờ ra Hoàng Sa ngư dân rất lo âu, vừa đánh bắt vừa phải dè chừng dòm ngó tứ bề, hễ thấy bóng dáng tàu nước ngoài là chạy né tránh, chứ bị lấy tài sản coi như trắng tay. Hành nghề như thế làm sao hiệu quả được”.

Huyện đã kiến nghị Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan trung ương khẩn trương cấp vốn để xây dựng hoàn thành vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn (giai đoạn 2) để đáp ứng nhu cầu neo đậu và trú bão trước mùa mưa năm 2015; các cơ quan trung ương cần phối hợp đề xuất Chính phủ tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong quy định và thủ tục vay vốn đóng mới, cải hoán tàu; đề nghị bố trí ngân sách để đầu tư cảng giao thông để cho ngư dân được sử dụng cảng cá riêng biệt thuận lợi và an toàn; có Chính sách hỗ trợ cho ngư dân trong các trường hợp bị các tàu nước ngoài va chạm, đập phá khi khai thác hợp lý trên ngư trường của quốc gia; tăng cường công tác ngoại giao về chủ quyền quốc gia; tăng cường lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển tuần tra, kiểm soát các vùng biển thuộc chủ quyền để kịp thời bảo vệ cho ngư dân.

Minh Anh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news