Nghề nào cũng cần rèn luyện thì mới "cứng tay", song đối với các trinh sát chuyên truy lùng những đối tượng có "số" trong giới giang hồ trốn nã nhiều năm trời thì mức độ nguy hiểm còn đi liền với mạng sống của chính mình.
Mỗi vụ án, mỗi đối tượng là một hoàn cảnh, một câu chuyện, một thủ đoạn khác nhau, nhưng đối với Thượng tá Trần Mạnh Thắng, Phó Trưởng phòng PC52, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, người từng có hơn 20 năm "đánh án" thì kỷ niệm về đón giao thừa với gia đình ít hơn là với hành trình lần theo manh mối của những tên tội phạm "sừng sỏ" mặc dù tuổi đời của chúng không cao...
Chuyên án mật ngày Xuân
Gặp Thượng tá Trần Mạnh Thắng, hỏi về chuyện tết, anh cười hiền khô: "Kỷ niệm với tội phạm ngày tết nhiều lắm, nhưng với người thân, nhất là đón giao thừa thì 20 năm rồi, là một vùng trắng". "Sao lại vậy?". "Có ở nhà đón giao thừa với người thân đâu mà chẳng vùng trắng"? Hỏi và trả lời xong, cả tôi và anh Thắng đều nhìn nhau đầy chia sẻ.
Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập chuyên án chuẩn bị bắt đối tượng truy nã.
Thế rồi, câu chuyện nghề nghiệp lại cuốn cảm xúc đi. Mỗi câu chuyện mà anh chia sẻ là những chuyên án đầy khốc liệt cùng những bài học xương máu. Anh có hơn 20 năm "đánh án" nhưng chủ yếu giáp mặt với đám tội phạm còn rất trẻ. Với Thượng tá Thắng, đó như là một cái duyên như chính nghiệp anh đang dấn thân vậy.
Anh kể: Dù ở đội trọng án hay lên Phó Trưởng phòng PC52, anh "va" với tội phạm 9X rất nhiều mà có nhiều "ca rất khó đỡ". Có lẽ, cũng vì cái nghiệp và cái duyên nên mỗi chuyên án đã qua để lại trong anh lẫn lộn những niềm vui - vì phá án nhanh, mang lại sự bình yên cho xã hội; nỗi buồn vì những thân phận trong vụ án.
Theo nhận định của Thượng tá Trấn Mạnh Thắng, thì xã hội chúng ta ngày nay đang trong xu thế phát triển, kéo theo đó là nhu cầu hưởng thụ cao, dẫn đến sự phức tạp phát sinh ngày càng nhiều. Đối tượng phạm tội lại càng gia tăng và hơn thế nữa đó là những mánh khóe tội phạm tinh vi, ma mãnh.
Thượng tá Trần Mạnh Thắng, người chiến sỹ công an có nhiều năm “đánh án” bắt cướp..
Thượng tá Trần Mạnh Thắng cho biết: “Thời gian gần đây, trong các đợt truy lùng đối tượng truy nã, nhất là đối tượng 9X, cho chúng tôi những cảm xúc rất khác biệt, phải nhớ về nó. Trong năm 2014, có rất nhiều chuyên án được Công an tỉnh Vĩnh Phúc phá thành công nhưng không thể không nhắc đến chuyên án lớn của phòng PC52 phối hợp với nhiều cơ quan chức năng mất hàng năm trời mới phá được, đó là chuyên án MBPN - 0514. Đây cũng là chuyên án bắt đối tượng 9X, tuy tuổi còn ít nhưng từng mang trong mình 3 lệnh truy nã đặc biệt và "chặng đường" phạm tội thì hơn cả tuổi đời”.
Đối tượng này là Trần Quý Nhân (SN 1990, trú trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc). Nhân là đối tượng "sở hữu" 3 lệnh truy nã đặc biệt của công an 3 tỉnh, thành khác nhau, mà cả 3 lệnh truy nã đều liên quan đến tội mua bán người. Nhận định, đây là đối tượng hết sức nguy hiểm, lãnh đạo Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã lập chuyên án MBPN -0514 giao cho PC52 trực tiếp truy bắt đối tượng. Thượng tá Trần Mạnh Thắng là người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này.
Thượng tá Thắng cho biết, để bắt được đối tượng nguy hiểm này, thực tế không phải đơn giản, vì đối tượng không thường xuyên sống ở địa phương và hoạt động rất tinh vi, có tính toán từng bước đi trong quá trình phạm tội của mình. Được sự giúp sức của người chị gái ở nước ngoài, Nhân đã lừa hàng trăm cô gái bán vào động mại dâm để lấy tiền ăn chơi. Sau mỗi lần gây án, đối tượng lại "lúc ẩn lúc hiện", không để lại tung tích.
Sau nhiều lần vây bắt không thành công, đến tháng 11/2014, đối tượng đã xuất đầu lộ diện ở trên địa bàn TP. Hà Nội rồi lên các tỉnh Tây Bắc. Với mục tiêu, không để đối tượng trốn thoát, tổ trinh sát đã tính toán rất kỹ lưỡng từng bước, giữa tháng 11/2014, đối tượng Nhân đã bị bắt tại tỉnh Lai Châu. Chuyên án MBPN-0514 thành công sau nhiều tháng vất vả của những trinh sát PC52, Công an tỉnh Vĩnh Phúc.
Những tổ công tác bí mật
Nhắc đến việc truy bắt đối tượng những ngày giáp tết, Thượng tá Thắng bảo: "Chuyện bắt đối tượng trốn nã những ngày tết thì thường rồi. Nghề nào thì tôi không biết nhưng đối với nghề của chúng tôi thì những ngày tết là những ngày chúng tôi xem là hạnh phúc nhất. Hạnh phúc không phải được cùng với gia đình quây quần đón tết mà là những chuyên án chúng tôi phá được trong những ngày tết, giữ vững niềm vui cho nhân dân đón tết...".
Cũng theo Thượng tá Thắng, hơn 20 năm theo đuổi nghề, gặp đủ loại tội phạm nhưng với anh, cái tết mà anh nhớ mãi đó là vào dịp những ngày cận kề tết năm ngoái, Thượng tá Thắng nhận được thông báo phải truy bắt đối tượng Nguyễn Bảo Nam (SN 1995, trú tại tỉnh Vĩnh Phúc) cùng một số đối tượng khác. Chúng đang tụ tập, lên kế hoạch dùng dao, kiếm, lợi dụng ngày tết để gây án.
Đối tượng truy nã Trần Quý Nhân bị bắt.
Đến ngày 27/12 tết, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác đã phát hiện được tung tích của Nam hiện đang sống ở quê người chú vợ cách đó khoảng hơn 60km. Lúc này, để giữ bí mật, tổ công tác đã phải chạy xe máy đường đồi núi lên địa điểm trên. Đến trưa cùng ngày đối tượng Nam đã bị tóm gọn khi đang ngồi chuẩn bị đón tết cùng với người dân nơi đây.
Nhắc đến chuyên án này, Thượng tá Trần Mạnh Thắng cho biết: "Quả thực, lúc cùng anh em chạy xe máy đi bắt tên tội phạm này, nhìn bà con nơi đây đón tết mà trong lòng rất nhớ và thương vợ con. Tết đến gần quá rồi, tôi chưa mua được cành đào hay sắm sửa được bộ quần áo nào cho con. Anh, em lại đùa với nhau, giá như bây giờ được ngồi tất niên với gia đình thì sướng biết mấy nhỉ. Nhưng vì nhân dân, vì sự bình yên của đất nước, chúng tôi đã vượt qua được những mặc cảm ngày tết ngoài đường đó...".
Chia tay Thượng tá Trần Mạnh Thắng, chúng tôi lại tiếp tục hành trình về Thủ đô Hà Nội phồn hoa chuẩn bị đón một cái tết cổ truyền của người dân Việt, mà trong lòng luôn thán phục những hy sinh thầm lặng của những người chiến sỹ công an.
Hành quân vào lúc đón xuân
Thượng tá Trần Mạnh Thắng chia sẻ: "Trong những ngày trực tết, ngày giao thừa, mùng Một, mùng Hai là thời điểm chúng tôi phải trực 24/24h ở cơ quan. Chúng tôi luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Bởi những ngày này, các đối tượng trốn nã thường xuyên về thăm nhà nên phải có mặt và bắt ngay. Trong những năm trước, mỗi khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi chỉ kịp điện về thông báo cho gia đình rồi tiếp tục "hành quân" truy bắt tội phạm".
Theo báo Đời sống và Pháp luật