Hiểu được nỗi khổ cực khi đi xin việc của người ra tù, nên khi mở xưởng gỗ anh Hùng treo biển: Nhận các em cơ nhỡ, mồ côi, tù tội, xì ke ma túy để dạy nghề miễn phí, nuôi ăn nghỉ.
anh Hùng từ một người vào tù ra tội, giờ hoàn lương giúp đỡ cả trăm người có công việc ổn định.
Trước khi làm chủ cơ sở điêu khắc gỗ Tịnh Tín (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM), anh Lê Thừa Dương Hùng (41 tuổi, ở ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp) tự nhận mình có quá khứ buồn bởi đã 3 lần phải ăn cơm tù, mặc áo số.
Người đàn ông quê Quảng Trị kể, anh sinh ra trong một gia đình kém may mắn, có mẹ mà không cha. "Ngày tôi còn nhỏ, mẹ đi lấy người đàn ông khác. Cha dượng là kẻ nát rượu thường đánh đập, mắng chửi tôi là đứa không có bố", người đàn ông nước da ngăm đen trải lòng.
Buồn chán, cậu bé Hùng ngày đó bỏ nhà đi lang thang và ngủ ở bất cứ đâu.
Dấn thân kiếm sống với đủ việc nhưng Hùng bảo vẫn không đủ tiền trang trải cho sinh hoạt hàng ngày. Từ suy nghĩ bất cần, nam thanh niên tuổi mới lớn nhập hội chuyên bảo kê các quán massage trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Nhiều cuộc ẩu đả giữa các băng nhóm bảo kê đều có sự tham gia của Hùng.
Sau những lần vướng vòng lao lý, Hùng trải lòng rằng khi ở trại giam, phạm nhân nào cũng mong muốn làm lại cuộc đời và trở thành người tốt nhưng đa phần đều không vượt qua được cám dỗ và kì thị của xã hội. "Không ai muốn bước chân ra khỏi song sắt rồi phải quay lại. Riêng tôi do bồng bột nghe theo lời bạn xấu nên phải ngồi tù đến 3 lần”, anh Hùng nói.
Anh Hùng là một trong hơn 10 cá nhân điển hình điển hình tái hòa nhập cộng đồng toàn quốc được Bộ Công an biểu dương sáng 16/10. Ảnh: Việt Đức.
Lần thứ 3 ăn cơm tù, gã trai từng bảo kê ở các quán massage được cán bộ quản giáo liên tục động viên cố gắng làm lại cuộc đời. Năm 2000, Hùng được đặc xá ra trại trước thời hạn vì cải tạo tốt.
Nhớ lại hành trình làm lại cuộc đời hơn chục năm trước, Hùng bảo đã vấp phải ánh mắt nghi ngại của nhiều người. Để tránh mặc cảm cũng như kẻ xấu lôi kéo thêm một lần nữa, Hùng bỏ quê hương vào TP.HCM lập nghiệp, ở trọ tại xã Tâm Hiệp, huyện Hóc Môn.
Ngày mới vào đây kiếm sống, Hùng dấn thân làm phụ hồ và thợ may, nhưng anh cảm nhận những công việc đó đều không phù hợp với bản thân. "Xin vào học nghề mộc nhưng chủ cơ sở từ chối vì biết quá khứ lầm lỗi của tôi. Một số cửa hàng đồng ý tiếp nhận nhưng kèm điều kiện phải đóng học phí 5 chỉ vàng, cùng 6 tháng tiền ăn. Người mới ra tù như tôi lấy đâu ra nhiều tiền thế", Hùng kể lại ký ức từng muốn chôn chặt trong lòng.
Chặng đường kiếm tiềm gặp nhiều gian nan, vất vả nhưng người đàn ông từng tù tội bảo chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Với quyết tâm học nghề, Hùng ra chợ tìm mua con đục, lượm gỗ thải ở các xưởng mộc về tự học nghề. "Ngày đầu tôi nghĩ gì đục ấy, mất một thời gian dài cũng tự mày mò được", anh nói.
Năm 2002, Hùng thi đỗ vào làm công nhân một xưởng điêu khắc kỹ nghệ có tiếng tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12. Vừa làm nghề, anh vừa nung nấu ước mơ sau này mở một xưởng gỗ riêng để nhận nuôi dạy các em nhỏ có tuổi thơ bất hạnh, không may mắn như mình.
Sau 5 năm làm công, tích lỹ vốn, Hùng quyết định mở xưởng điêu khắc gỗ tên Tịnh Tín, ở ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn.
"Ngày xưởng đi vào hoạt động tôi treo tấm biển ghi rõ: Nhận các em cơ nhỡ, mồ côi, tù tội, xì ke ma túy dạy nghề miễn phí, nuôi ăn nghỉ ngay trước cửa. Mới đầu chỉ có 12 em theo học, nhưng hiện cơ sở đã có hàng trăm người làm", người được Bộ công an biểu dương nói với giọng tự hào.
Các em nhỏ một thời lầm lỗi đến cơ sở điêu khắc gỗ học nghề, nếu thành thạo sẽ được nhận vào làm với mức lương từ 10 - 12 triệu đồng mỗi tháng. Tính từ năm 2005 đến nay, Hùng bảo đã giúp đào tạo dạy nghề cho gần 200 người, trong đó có hơn 50 người tù tha, trên 20 người nghiện hồi gia.
Hơn 10 năm rẽ lối tìm đường hoàn lương, giờ không còn ai nhắc về quá khứ của Hùng nữa. Trong xưởng điêu khắc gỗ quy mô rộng hàng trăm mét vuông ở TP.HCM, anh bảo không có sự phân biệt. Nơi đây đầy ắp tình yêu thương của mọi người dành cho nhau, trong đó có nhiều người một thời lầm lỗi.
Theo Tri thức trực tuyến