Tin mới

Người dân nên làm gì nếu gặp “con ruồi” như vụ Tân Hiệp Phát

Thứ tư, 11/02/2015, 11:00 (GMT+7)

Nếu gặp dị vật trong sản phẩm, người dân nên làm thế nào để được bảo đảm quyền lợi mà vẫn đúng pháp luật?

 

 

Nếu gặp dị vật trong sản phẩm, người dân nên làm thế nào để được bảo đảm quyền lợi mà vẫn đúng pháp luật?

Đó là những băn khoăn của người dân sau vụ việc "con ruồi nửa tỷ" trong chai nước tăng lực của Tân Hiệp Phát. Dưới đây là những lời khuyên của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và luật sư, để người dân sẽ biết cách xử lý khi gặp “dị vật” trong bất kỳ sản phẩm nào nếu mua phải. Qua đó, người dân sẽ vừa được đảm bảo quyền lợi, vừa đúng luật.

Hình ảnh “Con ruồi nửa tỷ” trong chai nước ngọt: Tân Hiệp Phát lên tiếng số 2

Anh Võ Văn Minh bị khởi tố, bắt giam về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản".

Vừa qua vụ việc “con ruồi giá 500 triệu” giữa anh Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) và Công ty Tân Hiệp Phát khiến dư luận xôn xao. Có nhiều người phản ứng với cách hành xử kiểu “gài bẫy” của Tân Hiệp Phát để đẩy anh Minh thành người đi “Cưỡng đoạt tài sản”. Tuy nhiên, cũng có luồng dư luận không đồng tình với cách hành xử của anh Minh.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khuyến cáo đến người dân nếu gặp những tình huống tương tự:

"Đã hơn 3 năm kể từ khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm", ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Luật pháp đã quy định người tiêu dùng có 8 quyền, trong đó có quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa không đúng tiêu chuẩn, chất lượng. Mức bồi thường đến đâu tùy thuộc vào sự thiệt hại và trên cơ sở quy định pháp luật.

Cụ thể: Theo luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi gặp sản phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng trước tiên phải liên hệ với đơn vị sản xuất hoặc đơn vị phân phối để phản ảnh và đề nghị giải quyết bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, đó là giai đoạn gọi là "thương lượng".

 

Nhà sản xuất có trách nhiệm phải giải quyết thỏa đáng quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Nếu không thương lượng được, người tiêu dùng tiếp bước thứ 2 là liên hệ với tổ chức xã hội có chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nhờ can thiệp.

 

Tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ tổ chức phiên hòa giải giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp trên cơ sở luật pháp để tìm giải pháp giải quyết hợp lý. Trong trường hợp không hòa giải được thì người tiêu dùng có quyền khởi kiện tại tòa án.

Ông Hùng cũng cho biết: Trước thực trạng nhiều người còn chưa nắm vững quyền cũng như nghĩa vụ của người tiêu dùng, hội đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên đến nay, đã hơn 3 năm kể từ khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm.

Đưa ra lời khuyên đối với người tiêu dùng trong trường hợp trên, Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Nếu người tiêu dùng gặp phải những tình huống tương tự, cần phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình được quy định tại Luật bảo vệ người tiêu dùng, chẳng hạn như có quyền "Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, Công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết" hoặc "Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình".

Người tiêu dùng cũng có nghĩa vụ thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Trên cương vị người tiêu dùng, luật sư Thanh cho biết, trước đây bản thân anh có lần mua phải hộp sữa chua bị mốc của một công ty. Anh đã chụp ảnh và gửi email cho Công ty này để thông báo cho họ biết về chất lượng sản phẩm.

“Ngay hôm sau, đại diện Công ty đã liên hệ với tôi rồi sau đó đến tận nơi xin thu hồi lại hộp sữa chua với mục đích tìm hiểu nguyên nhân khiến sữa bị mốc, đồng thời họ tặng lại tôi nhiều hộp sữa chua khác cho dù tôi không đề nghị. Hai bên rất vui vẻ và cho đến bây giờ tôi vẫn thường xuyên sử dụng các sản phẩm của họ”, Luật sư Thanh nói.

Đức Thuận

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news