Mới đây, mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh một người đàn ông đánh đập cô gái dã man ngay giữa phố. Nhưng điều đáng sợ hơn cả khiến chúng ta phải giật mình là phản ứng của những người xung quanh.
Người đàn ông đánh dã man một cô gái và phản ứng của người xem
Ngày 26/5, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh cô gái bị đánh dã man trên đường phố Sài Gòn. Theo người chia sẻ đoạn clip cho biết, sự việc xảy ra vào khoảng 21 giờ tối 25/5 tại đường Phạm Văn Đồng, thành phố Hồ Chí Minh.
Vào thời điểm này, cô gái đi xe máy Vision bất ngờ bị hai người đàn ông đuổi theo và đạp ngã xuống đường. Sau đó, một gã lao đến đánh cô gái dã man, chửi cô lên mạng nói chuyện với trai qua Facebook, lăng loàn, rồi giật điện thoại di động của nạn nhân.
Điều đáng nói là cô gái chỉ biết ngồi khóc mà không la lên kêu cứu. Theo người quay lại clip chia sẻ thì chứng kiến cảnh người phụ nữ chân yếu tay mềm bị đánh đập dã man như vậy, không một ai có ý định chạy tới can ngăn vì cho rằng đó là việc riêng của gia đình nên không tiện ra mặt.
Xem lại đoạn clip, người xem cũng có thể dễ dàng nhận ra cả những người chứng kiến sự việc và người đang chạy xe lưu thông trên con đường Phạm Văn Đồng, không hề có bất kì ai mảy may có ý định dừng lại, đến cứu giúp cô gái bị hại.
Cũng theo người quay clip chia sẻ, chỉ đến khi thấy người đàn ông kia có hành vi ngày càng mất kiểm soát, còn người phụ nữ chỉ biết khóc lóc, không dám kêu la, họ mới quyết định chạy tới căn thiệp.
Nhưng khi ấy thì sự đã rồi, cô gái bị đánh đến mụ mẫm, còn kẻ máu lạnh kia đã bỏ chạy với chiếc điện thoại trên tay.
Đoạn clip này đang tạo nên nhiều luồng tranh luận trái chiều trên mạng xã hội.
Cuối cùng, khi mọi người hỏi thăm mới biết cô gái không hề quen biết người đàn ông vừa đánh và lấy điện thoại của mình. Mọi người kết luận đây là vụ dàn cảnh Đánh ghen để cướp tài sản. Thật may là nạn nhân chưa bị cướp luôn xe máy.
Dù chưa xác thực được câu chuyện trên là đúng hay sai, cô gái bị chồng đánh ghen dã man hay đây là vụ dàn cảnh cướp của tinh vi, nhưng đoạn clip này vẫn được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, các diễn đàn, fanpage...
Bên cạnh một vài ý kiến bày tỏ sự tò mò về tính xác thực của đoạn clip, thực hư câu chuyện chính xác là gì, thì đa số các bình luận lại nhắm đến thái độ ứng xử của những người chứng kiến. Nếu mọi người xung quanh kịp thời can thiệp, có lẽ hậu quả sự việc đã không đến mức này
Facebook Lan Nguyễn bày tỏ sự bất bình: "Lần sau thấy cảnh đánh đập như thế này, kể cả là đàn ông hay đàn bà bị bạo hành, cũng mong xã hội có người lên tiếng, ai lại để một người vô duyên vô cớ bị đánh ra mức này, mà kể cả là chồng hay vợ thì cũng không được như thế!
Chuyện gì thì chuyện, đáng lẽ ngay khi nhìn thấy phụ nữ bị đánh đập dã man như thế phải chạy ra can thiệp luôn chứ. Nhìn chị ấy tội quá mà sao không có bất kì một ai giúp đỡ".
"Bệnh vô cảm" đang diễn biến phức tạp và đáng báo động
Dẫu người quay clip lên tiếng bao biện rằng, họ không can ngăn người đàn ông vì ban đầu cứ nghĩ rằng đây là vụ xô xát của một cặp vợ chồng, là chuyện riêng tư nhà người khác, nhưng quan điểm này lại lần nữa làm dấy lên cuộc tranh cãi với nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Chung quy lại, thái độ thờ ơ trước việc một người phụ nữ bị đánh đập dã man của hàng chục con người qua lại trên đường ngày hôm đó là đáng phê phán, gây nên hậu quả đáng tiếc và gióng lên hồi chuông báo động về thái độ vô cảm của con người, đặc biệt là giới trẻ.
Nếu những người chứng kiến cảnh bất bình đều can thiệp, giúp đỡ nạn nhân, có lẽ sự việc đã không bị đẩy đi quá xa tới vậy.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, thế giới ảo, chúng ta không còn xa lạ với cảnh một sự việc đau lòng xảy ra nhưng mọi người xung quanh ai cũng say sưa giơ cao chiếc Smartphone của mình lên quay phim, chụp ảnh để về đăng lên mạng câu "like" (lượt thích), câu "view" (lượt xem), những mong thu hút sự chú ý. Hiếm ai mảy may có ý định giúp đỡ người bị nạn.
Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên mới với rất nhiều thuận lợi cho giới trẻ học hỏi, phát huy khả năng. Tiếc thay, giá trị đạo đức lại bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, cá nhân và chúng ta đang phải đối mặt với một căn bệnh tinh thần đáng sợ: "bệnh vô cảm" (Hình minh họa)
"Bệnh vô cảm" biểu hiện rõ qua thái độ dửng dưng hoặc cố tình né tránh khi chứng kiến người gặp nạn trên đường như câu chuyện vừa mới xảy ra mà chúng ta nhắc đến ở trên. Không ít kẻ vội vã bỏ đi, mặc kệ nạn nhân vì sợ mất thời gian, sợ liên lụy tới mình.
Thật đau lòng mỗi khi những hình ảnh vô cảm và thiếu đạo đức của giới trẻ được các phương tiện truyền thông đưa lên mặt báo hay chúng ta tận mắt chứng kiến.
Cư dân mạng từng giật mình trước hành vi côn đồ của các nhóm nữ sinh với những màn đánh đập, xé áo, cắt tóc. Điều đáng lên án là, khi chứng kiến, hầu hết các em học sinh đều dửng dung hoặc cổ vũ hết mình cho hành động thiếu văn hóa đó.
Người quay lại những hình ảnh đó có khi là các nam sinh. Kèm theo những lời chửi bới của những cô gái hành hung, còn có sự cổ vũ nhiệt tình, hứng khởi của họ: "Cởi áo đi, cởi áo đi, xé áo đi…"
Thực trạng của "bệnh vô cảm" đang diễn biến hết sức phức tạp. Một lần nữa, tiếng chuông báo động về sự vô cảm lại được rung lên, đặc biệt đối với giới trẻ. (Ảnh minh họa)
Hơn nữa, nhiều người cũng ngỡ ngàng vì sự thờ ơ của những thế hệ 8x, 9x. Gặp người bị tai nạn, thay vì dừng lại giúp đỡ, họ lại bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra, thậm chí có kẻ còn lợi dụng cơ hội tìm cách lấy cắp tiền của người bị nạn, hay đứng lại nhưng chỉ để quay clip đăng lên facebook.
Làm thế nào để có phương thuốc đặc biệt chữa trị "bệnh vô cảm"? Trước hết vẫn phụ thuộc vào chính mỗi cá nhân.
Điều dễ thực hiện nhất là chúng ta hãy thay đổi ngay từ những điều nhỏ nhặt nhất, đối xử tử tế với mọi người và điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Sống có mục đích đúng đắn, sống tử tế và hãy luôn nhớ rằng mọi suy nghĩ, hành động, lời nói đều nên xuất phát từ lòng nhân ái.