Theo luật sư, nếu chị H. được xác định là có quan hệ huyết thống với đứa bé và việc đưa đi chỉ có mục đích nuôi dưỡng thì hành vi quay về đón con sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt trẻ em.
[mecloud]cd2H5JIdlR[/mecloud]
Vụ việc mẹ bế con cố thủ trong ô tô, mặc người dân đập phá xe xảy ra tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) khiến dư luận xôn xao.
Theo thông tin trên báo chí, cho rằng chị H. (29 tuổi, trú Hà Nội) cùng 4 người đàn ông đi ôtô từ Hà Nội vào thị xã Cửa Lò "bắt cóc" con đang sống cùng gia đình nhà chồng nên người dân đã vây quanh xe chặn lại. Họ cùng gia đình nhà chồng yêu cầu chị H. rời xe, trả con.
Trong lúc H. và 4 người đàn ông cố thủ trong xe, đám đông đã cầm gậy đập phá khiến cảnh sát phải có mặt để vãn hồi trật tự. Con của H. được trao lại cho gia đình bên nội.
Điều đáng nói, chị H. và bố đứa trẻ cùng đi lao động ở nước ngoài, có con chung khi chưa kết hôn. Hai năm trước, họ gửi con cho gia đình nhà chồng chăm sóc. Hiện hai người đã chia tay.
Chiếc ôtô bị đập phá. Ảnh: Cắt từ clip. |
Độc giả đang quan tâm đến việc hành động của người mẹ trong trường hợp này có phạm tội hay không?
Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Minh Long - Công ty Luật Dragon (Đoàn Luật sư Hà Nội).
Luật sư Long cho biết, theo thông tin báo chí đã nêu thì chị H. và bố đứa trẻ không kết hôn mà có con nên để xác định lỗi của người phụ nữ này thì buộc phía cơ quan điều tra cần phải làm rõ động cơ của chị H. “chiếm đoạt” con nhằm mục đích gì?
Ngoài ra cơ quan điều tra cần làm rõ mối quan hệ của chị H. với đứa bé đó là quan hệ gì, có cùng quan hệ huyết thống không? Tức chị H. có phải mẹ ruột đứa bé không để làm căn cứ đánh giá xác định hành vi phạm tội hay không phạm tội.
“Nếu chị H. được xác định là có quan hệ huyết thống với đứa bé và chị H. có động cơ và mục đích chỉ mang cháu về nuôi thì hành vi quay về đón con sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt trẻ em căn cứ tại Khoản 3 Điều 4 theo Thông tư 01/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP” – luật sư Long nói.
Tuy nhiên, luật sư Long phân tích thêm, xét tới hành vi bắt con để chuyển đi một nơi khác sinh sống của người mẹ với mục đích khác mục đích nuôi dưỡng đã được quy định trong Bộ luật hình sự thì vẫn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đề cập đến vấn đề xử lý đối với một số người cầm gậy đập phá xe ô tô của chị H. khiến công an phải có mặt để ổn định trật tự, luật sư Long dẫn Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Bộ luật hình sự).
“Nếu hành vi hủy hoại tài sản đó chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định 73/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự xã hội” – luật sư Long cho biết.
Bên cạnh đó, luật sư Long cũng dẫn “Điều 18. Hành vi gây thiệt hại đến tài sản của người khác quy định:
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a)Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác như chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;”
“Như vậy việc đập phá chiếc xe ô tô là việc làm chủ ý đã gây thiệt hại cho chủ sở hữu chiếc xe, tuy nhiên về mức xử phạt thì cần phải căn cứ theo mức độ thiệt hại của chiếc xe ôtô để xử lý vi phạm đối với những người đập phá chiếc xe này”- luật sư Long nói.
Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Bộ luật hình sự) 1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; c) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Để che giấu tội phạm khác; đ) Vì lý do công vụ của người bị hại; e) Tái phạm nguy hiểm; g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Xem thêm video:
[mecloud]Doz9mqaYOX[/mecloud]
Tiểu Phương