Giá sâm rừng khai thác tại Mỹ tăng lên theo từng năm, đến nay mức giá trung bình của nó là 1.800 USD/kg. Thị trường xuất khẩu chính của sản vật này là các nước châu Á, điển hình như Trung Quốc.
Loại sâm rừng mọc tự nhiên trong các khu rừng tại Mỹ được xem là một nguồn kiếm tiền, điều này khiến khá nhiều người bỏ việc để đầu tư trồng sâm rừng. Travis Cornett (39 tuổi) là một người như vậy, trước đây anh có một công việc ổn định tại công ty xây dựng, tuy nhiên anh đã quyết định nghỉ việc và trở về ngoại ô Boone, bang North Carolina, Mỹ để kinh doanh sâm rừng.
Do sâm rừng Mỹ tự nhiên bị khai thác cạn kiệt nên ngày nay chúng chủ yếu được trồng trong các trang trại theo lối công nghiệp. Ảnh: Internet |
Ban đầu, anh chỉ chủ yếu đào sâm tự nhiên trong rừng, suốt vụ thu hoạch năm 2007 anh tìm thấy hơn 18kg nhân sâm. Nhưng một thời gian sau, do sản vật này ngày càng khan hiếm nên anh đã mua hạt giống và bắt đầu trồng những cây nhân sâm của riêng mình. Anh gọi chúng là loại “nhân sâm mô phỏng hoang dã.”
Sâm rừng Mỹ sấy khô được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với giá 1.800 USD/kg. Ảnh: Reuters |
Theo Forreign Policy, giá sâm rừng bán ra thị trường tăng theo từng năm, hồi năm 1995, nó có giá gần 900 USD/kg. Con số này tăng gấp đôi trong thập kỷ tiếp theo lên tới 2.200 USD/kg. Tuy nhiên sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 giá sâm rừng đã có phần sụt giảm, vào năm 2015 là khoảng 1.900 USD/kg.
Giá trị của sâm cũng phụ thuộc vào tuổi tác và hương vị. Đối với loại sâm thu hoạch sau 3-4 năm chỉ có giá dưới 100 USD/kg, trong khi đó sâm thu hoạch ở độ tuổi 10 năm có mức giá cao hơn gấp nhiều lần.
Tính từ năm 1821 đến năm 1899, nước Mỹ đã xuất khẩu trung bình 190 tấn/năm. Đến năm 2014, nước này xuất khẩu 37 tấn, mức giá bán trung bình khoảng 1.800 USD/kg đối với loại sấy khô. Thị trường chính của mặt hàng này là Trung Quốc, đối tượng khách hàng của họ là tầng lớp trung lưu đang phát triển chóng mặt, sẵn sàng trả giá cao để sở hữu sâm rừng Mỹ.
Được biết, nhân sâm là một thảo dược bổ sung sức khỏe, còn được dùng như một vị thuốc lâu đời trong y học cổ truyền Trung Quốc. Sản phẩm này ngày càng phổ biến ở các nước châu Á, điển hình như Trung Quốc, Hàn Quốc, và lan rộng sang Singapore, Malaysia.
Lê Khánh (tổng hợp)