Tin mới

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Muốn nâng cao y đức thì văn chưa đủ mà phải là khoa học nhân văn

Chủ nhật, 19/10/2014, 07:52 (GMT+7)

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, môn Văn xưa nay không phải bộ môn tạo ra phẩm chất chuyên môn của người thầy thuốc nên nếu đặt ra ngưỡng nào đó phải cao hơn trung học phổ thông để bắt học sinh gánh ngang với các môn Toán-Hóa-Sinh thì rất vô lý.>>Dùng môn văn xét tuyển ngành y: Nên hay không?>> Đề xuất dùng môn văn xét tuyển ngành y

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, môn Văn xưa nay không phải bộ môn tạo ra phẩm chất chuyên môn của người thầy thuốc nên nếu đặt ra ngưỡng nào đó phải cao hơn trung học phổ thông để bắt học sinh gánh ngang với các môn Toán-Hóa-Sinh thì rất vô lý.

-Đề xuất dùng môn Văn để xét tuyển vào trường y của một số hiệu trưởng và được Bộ trưởng Tiến ủng hộ đang thu hút sự quan tâm của dư luận với những ý kiến trái chiều. Là người đã tốt nghiệp trường đại học Y, từng làm bác sĩ nhưng sau đó lại theo lĩnh vực văn chương, nhà thơ thấy đề xuất này thế nào?

-Tôi không rõ nhu cầu gì mà ngành y phải học văn vì xưa nay các trường y, dược không có bộ môn này. Có thể, ngày nay, người ta cảm thấy trong giao tiếp của thầy thuốc với người bệnh không rõ ràng làm hai bên không hiểu nhau, dẫn đến một số tai vạ nên  mới đặt vấn đề cần phải học thêm văn chăng?  Chưa kể còn một số thầy thuốc làm văn bản báo cáo còn không gãy gọn..

Theo tôi, củng cố văn là cần, đề xuất của một số hiệu trưởng là đúng nhưng việc này phải làm ở bậc trung học chứ không phải ở đại học. Những kiến thức phổ thông phải hoàn thiện ở bậc trung học. Tôi e là bậc trung học chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Trung học dạy gì? dạy thế nào để người ta có được nền tảng như cái sân bay, để từ đó người ta bay lên, vào các chuyên ngành ở ĐH, trong bầu khí quyển cao hơn. Khi thi tốt nghiệp trung học là phải thi môn văn, nếu môn Văn không đạt điểm trung bình trở lên thì không cho tốt nghiêp phổ thông, nghĩa là sẽ không vào đươc một trường đại học nào.

Không riêng trường Y mà trường nào cũng cần văn, nhất là những ngành tiếp xúc với dân như công an, công đoàn, luật pháp. Vậy nếu có gọi là sát hạch thì phải là lúc thi tốt nghiệp THPT, chứ không phải vào trường đại học mới sát hạch.

Hơn nữa, môn Văn xưa nay không phải bộ môn tạo ra phẩm chất chuyên môn của người thầy thuốc nên nếu đặt ra ngưỡng nào đó phải cao hơn trung học phổ thông để bắt học sinh gánh ngang với các môn Toán-Hóa-Sinh thì rất vô lý. Áp dụng môn văn để xét tuyển đại học rồi sau đó có ý kiến nói môn sử, địa cũng cần thì biến trường đại học thành phổ thông. Đặt ra như vậy là trái khoáy. Thí sinh giỏi Toán-Hoá-Sinh, đủ phẩm chất để làm thầy thuốc nhưng chỉ vì môn văn mà bị gạt ra thì không những thiệt cho người đó mà thiệt cho cả ngành y. Đã thế, cách dạy văn của ta ngày nay còn nhiều vấn đề phải bàn lắm. Thế nên nếu ta dùng môn văn để xét tuyển thì rất có thể rơi vào tình trạng bỏ chính lấy phụ.

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Đưa văn vào xét tuyển ngành Y là trái khoáy

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Đặt ra ngưỡng nào đó phải cao hơn trung học phổ thông để bắt học sinh gánh ngang với các môn Toán-Hóa-Sinh thì rất vô lý.

 

-Tuy nhiên, trước nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề y đức bị dư luận lên án, một số ý kiến cho rằng, đưa môn văn vào xét tuyển ngành y sẽ thay đổi được điều này. Nhà thơ có đồng tình với quan điểm này. Theo Ông, học văn nhiều hơn, bác sĩ có nhân văn hơn?

-Môn văn không chỉ giúp người học giỏi tiếng Việt mà còn dạy sống cho ra con người. Văn học là nhân học, nên nó cũng là một tiêu chí để đánh giá con người. Nhưng sâu hơn, để nâng cao y đức là phải hiểu biết con người, hiểu biết đạo lý làm người. Có nghĩa là đi vào nhân văn chứ không phải chỉ có văn chương. Văn chương chỉ là một bình chứa nhân văn nên không chỉ quan tâm cái bình chứa mà phải quan tâm cái chứa ở bên trong.  Đó là những vấn đề về con người, nông nỗi của con người.

Với ngành y, đối tượng tác động của ngành y là con người mà con người có hai lĩnh vực: thể chất và tâm hồn. Y hiện nay mới chú ý đến lĩnh vực thể chất mà chưa làm được ở phần tâm hồn.

Muốn nâng cao y đức thì văn chưa đủ mà phải là khoa học nhân văn. Hội nghị của các thầy hiệu trưởng mới dừng lại ở văn chương nhưng thật ra phải tìm hiểu sâu hơn, là khoa học nhân văn. Các thầy thuốc, cả lương y ngày xưa rồi đến các nhà khoa học tây y đều nhấn mạnh không phải chữa bệnh mà chữa người bệnh. Khi nói yếu tố con người là nói yếu tố nhân văn. Do đó, môn cần dạy thêm ở đại học y là môn khoa học nhân văn chứ không phải văn chương.  Nó nên trở thành bộ môn dạy ở những ngành có tiếp xúc với con người như ngành công an, toà án, công đoàn, y, dược, sư phạm…

-Vậy, khi đưa khoa học nhân văn vào dạy ở trường Y thì liệu “vấn nạn” phong bì có xoá bỏ được không, thưa nhà thơ?

-Vấn đề y đức ai cũng thấy cần nhưng nó có hai yếu tố: một là yếu tố nhân văn tôi và thứ hai là  môi trường xã hội. Giải quyết vấn đề phong bì không phải không làm được bởi ngay trong xã hội ta, ở lúc này, đã có hình mẫu rồi. Đó là ở một vài bệnh viện tư, bệnh viện nước ngoài mở tại Hà Nội không có chuyện phong bì, chỉ tiếc ở đó người bệnh phải trả viện phí cao quá. Vậy vì sao mình không làm với mức viện phí cao hợp lý. Thầy thuốc được cải thiện lương do phần cao đó, nhưng ai nhận phong bì thì mất việc. Khi đó, người thầy thuốc sẽ ý thức được cái phong bì hay một chỗ làm lâu dài, đủ sống, là hơn. Phải chăng, có lợi ích nhóm của những người làm Chính sách ở đây? Họ ích kỷ nên không làm chứ không phải không làm được. Muốn chấm dứt  phong bì phải có một cơ chế chứ không chỉ cần dạy văn hay khoa học nhân văn là xong.

-Ông có thể chia sẻ lý do nào khiến ông lại bỏ ngành y sau khi tốt nghiệp ĐH để theo con đường văn thơ?

- Sau 7 năm làm bác sĩ tôi mới bỏ ngành y để sang hẳn thơ văn. Tôi đến với thơ văn vừa ngẫu nhiên mà cũng như quy luật.Thời trung học, tôi học được cả văn và toán. Hồi đó, câu “nhất y nhì dược…” đang thịnh hành nên tôi thi vào trường y cho bõ công học trung học phổ thông. Thời đó, trường ĐH Y với trường ĐH Tổng hợp cùng ở một trụ sở. Tôi hay lên thư viện trường tổng hợp, ở cái cổng vòm 4 Lê Thành Tôn ấy, học bài trường Y xong thì tôi mượn giáo trình văn đọc.  Như vậy, trong những năm học đại học tôi có song song hai kiến thức y học và văn học.

Tôi còn làm thơ và được đăng. Tốt nghiệp trường Y tôi vào làm ở Bộ Y tế. Thế nhưng, khi tôi in tập thơ đầu, nhà thơ Chế Lan Viên đã khuyên tôi không nên làm hai nghề vì cả hai sẽ đều xoàng. Lúc đó, tôi nghĩ bỏ thơ thì khó còn bỏ y thì cũng tiếc. Phải hai năm sau đó, tôi mới đưa ra quyết định cuối cùng là bỏ y để theo văn thơ.

-Vậy bây giờ Ông có thấy tiếc vì quyết định của mình ngày đó không, nhất là khi những năm gần đây, môn Văn không được trọng dụng?

-Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy vừa ý với quyết định của mình.

Ngày nay, người học không thích học văn lỗi không hoàn toàn ở người học mà còn ở những yếu tố khac. Thứ nhất, là tại thầy. Thầy không yêu văn mà bắt đi dạy văn thì làm sao truyền cho trò lòng yêu văn chương được. Hai là chương trình chưa vào được tinh chất của văn.. Trong khi bao nhiêu cái hay cái đẹp, cái sâu sắc thì không dạy mà cứ dạy những điều cứng nhắc. 

Xin cám ơn Ông!

Theo Hoàng  Minh/Người Đưa Tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news