Tin mới

Nhiều ngành thiếu nhân lực nhưng thí sinh vẫn không mặn mà

Thứ tư, 08/03/2023, 17:38 (GMT+7)

Với một số nhóm ngành đặc thù cần sự rèn luyện khiến cho nhiều sinh viên e rè chọn lựa dẫn đến thiếu nguồn lao động.

Theo báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT, năm 2022 có 521.263 thí sinh nhập học đại học, đạt tỉ lệ 83,39%, cao hơn số nhập học năm 2020 và 2021.

Trong số 330 cơ sở đào tạo có 194 cơ sở đào tạo, chiếm tỉ lệ 58,67% có tỉ lệ nhập học đạt trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.

Theo Bộ GD&ĐT, tỉ lệ tuyển sinh giữa các nhóm ngành có sự chênh lệch khá lớn, trong đó nhóm ngành kinh doanh và quản lý chiếm tỉ lệ cao nhất là 24,54%; máy tính và công nghệ thông tin đứng thứ 2 với 11,79%; công nghệ kỹ thuật 9,18%; nhân văn 8,68%; sức khỏe 6,35%; sư phạm 5,09%...

Ở chiều ngược lại, những nhóm ngành như khoa học tự nhiên chỉ chiếm 0,44%; toán và thống kê chiếm 0,40% tỉ lệ tuyển sinh. 

Cũng trong bản báo cáo này bốn lĩnh vực: Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học tự nhiên, Dịch vụ xã hội và Khoa học sự sống đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất trong 3 năm qua.

Cụ thể, nông lâm nghiệp và thủy sản chỉ tuyển sinh đạt 49,10%; khoa học sự sống 57,92%; khoa học tự nhiên 59,43%; dịch vụ xã hội 61,36%.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, các cơ sở đào tạo tuyển kém chủ yếu do một số nguyên nhân các cơ sở đào tạo chưa đủ uy tín, thương hiệu để hấp dẫn thí sinh, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hàng năm tăng, lĩnh vực đào tạo thí sinh ít có nhu cầu theo trào lưu xã hội, ngành đào tạo hẹp, ngành mới thí điểm đào tạo, ngành thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp. Mức độ cạnh tranh giữa các trường đại học cũng như giữa các ngành ngày càng gia tăng.

Nông lâm nghiệp là một trong những ngành rất kén người học.
Nông lâm nghiệp là một trong những ngành rất kén người học.

Nhu cầu lớn nhưng kén người học

Để hiểu rõ nhu cầu thị trường lao động đối với các ngành nông lâm nghiệp hiện nay, trao đổi với Người Đưa Tin, GS.TS. Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết: “Theo thông kê của Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay với định mức với rừng đặc dụng là 500ha cần 1 cán bộ kiểm lâm, với rừng sản xuất là 1000ha. Đối chiếu với diện tích rừng với nhân lực kiểm lâm hiện nay thiếu đến 9000 cán bộ”.

Không chỉ đối với ngành kiểm lâm, theo thống kê hiện nay có trên 10.000 cơ sở nuôi động vật hoang dã, động vật quý hiếm, theo thầy Điển những ngành này cũng thiếu khoảng 1000 nhân lực có trình độ để cứu hộ, phòng trừ dịch bệnh cho động vật.

“Các kỹ sư lâm sinh làm trong các khâu thiết kế trồng rừng, phục hồi rừng, đo tính giá trị của rừng như giá trị dịch vụ thuỷ văn, giá trị CO2 rừng để đem bán, lập các chứng chỉ quản lý rừng bền vững cũng theo thống kê mỗi năm cần thêm 500 người nhưng hiện nay vẫn chưa có đầy đủ thông tin để các em biết nhu cầu thị trường”, thầy Phạm Văn Điểm thông tin.

Mặc dù tuyển sinh khó khăn nhưng để phục vụ nhu cầu thực tiễn, Trường Đại học Lâm nghiệp năm nay vẫn tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh và áp dụng 5 phương thức xét tuyển. Ngoài ra, các trường đại học hiện nay đều xây dựng những học phần có sự tham gia đào tạo của doanh nghiệp để học sinh được thực hành, có thêm các kỹ năng phục vụ công việc.

Không thiếu việc cho sinh viên có năng lực

Đối với những nhóm ngành liên quan đến quản lý đất đai và bất động sản, TS.Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng ngoài cơ hội việc làm tại các cơ quản lý nhà nước về đất đai thì hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp muốn tư vấn trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.

“Trong thời gian vừa qua thị trường bất động sản phát triển nên nhu cầu nhân lực trong ngành này rất lớn. Tuy nhiên, để có vị trí việc làm cho riêng mình sinh viên phải vừa hồng, vừa chuyên đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng”, thầy Long chia sẻ.

Thí sinh cần có những lựa chọn ngành nghề phù hợp tránh chạy theo đám đông (Ảnh: Hữu Thắng).
Thí sinh cần có những lựa chọn ngành nghề phù hợp tránh chạy theo đám đông (Ảnh: Hữu Thắng).

Các ngành nghề liên quan đến giao thông vận tải, kỹ sư cầu đường, dịch vụ vận  tải,… cũng là một trong những nhóm ngành kén người học, mặc dù trong thời gian tới rất cần đội ngũ lớn đã qua đào tạo với những ngành này.

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS.Nguyễn Văn Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải cho biết: “Mặc dù tỉ lệ tuyển sinh không đạt 100% nhưng chúng tôi vẫn giữ những nhóm ngành truyền thống của nhà trường như công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ kỹ thuật giao thông, khai thác vận tải,… Qua khảo sát đối với ngành cầu đường hiện nay doanh nghiệp gửi rất nhiều thông báo tuyển dụng nhưng lượng thí sinh đăng ký những ngành này hiện nay còn thấp”.

Tuy nhiên, với những nhóm ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tuy còn rất mới mẻ, nhưng hiện nay được nhiều trường đào tạo bởi rất “đắt hàng” thí sinh theo học.

Theo thầy Lâm, học sinh cần cân nhắc kỹ khả năng, nguyện vọng của mình để chọn lựa ngành phù hợp tránh chạy theo đám đông, mỗi một ngành sẽ đều có những nhu cầu cụ thể để cho các em có việc ngay sau khi ra trường.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news