Tin mới

Nhiều sai phạm trong Dự án đường sắt nghìn tỷ Cát Linh – Hà Đông

Chủ nhật, 22/09/2019, 21:34 (GMT+7)

Chủ đầu tư chưa trình hồ sơ Dự án đến cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt về phòng cháy chữa cháy là không đúng quy định pháp luật.

Được đầu tư nghìn tỷ đồng, thậm chí đã điều chỉnh Tổng mức đầu tư tăng 9.231,62 tỷ đồng, tương đương 205,27%, song đến nay tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn ngổn ngang, chưa đi vào hoạt động.

Đường sắt nghìn tỷ

Theo thông báo Kết quả kiểm toán số 869/TB-KTNN ngày 28/12/2018 thì Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh Hà Đông (Dự án) đã tuân thủ quy hoạch, chủ trương, mục tiêu đầu tư.

Đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan đã cơ bản chấp hành theo các quy định về cơ chế, Chính sách, pháp luật của nhà nước ban hành trong quá trình quản lý và triển khai thực hiện Dự án.

Tuy nhiên, trong từng khâu triển khai thực hiện đầu tư, Dự án còn những tồn tại, sai sót, cụ thể:

Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư: Bộ GTVT đã tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chính Dự án, điều chỉnh Tổng mức đầu tư (TMĐT) từ 8.769,97 tỷ đồng lên 18.001,58 tỷ đồng (tăng 9.231,62 tỷ đồng, tương đương 205,27%) tại Quyết định số 513/QĐ-BGTVT ngày 23/02/2016 khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về việc điều chỉnh Dự án đầu tư là thực hiện chưa đúng quy định tại Điều 10, Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội và luật Đầu tư công.

Cũng trong nội dung này, Bộ GTVT được giao làm Chủ đầu tư, triển khai thực hiện Dự án, Cục Đường sắt Việt Nam được Bộ GTVT giao làm Chủ đầu tư từ khi phê duyệt Dự án đến tháng 7/2014 là chưa đúng quy định tại Điều 55. Điều 57, Luật Đường sắt Việt Nam năm 2005.

Đầu tư nghìn tỷ đồng nhưng lại không tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc

Theo kết luận kiểm toán Nhà nước, Chủ đầu tư chưa trình hồ sơ Dự án đến cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt về phòng cháy chữa cháy là không đúng quy định pháp luật.

Đáng chú ý, Chủ đầu tư không tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc theo quy định tại Điều 26, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP của Chính Phủ.

Từ đó, bản vẽ thiết kế cơ sở chưa thể hiện được kết cấu chính của dầm cầu, trụ cầu, làm cơ sở triển khai các bước thiết kế tiếp theo được quy định tại khoản 3. Điều 1, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP của Chính Phủ.

Tiếp đến, công tác lập Dự án chưa tính toán đến việc xử lý nền đất yếu khu vực được Depot dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung trong quá trình thực hiện.

Lưu lượng khách hàng do đơn vị tư vấn lập Dự án giải định tính toán, phân tích hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế xã hội tăng cao hơn nhiều so với số liệu dự báo của Viện chiến lược Giao thông vận tải.

Khi phân tích tính kinh tế của Dự án, Chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn khai thác, dẫn đến kết luận Dự án hiệu quả về mặt kinh tế là thiếu chính xác.

Liên quan đến công tác khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, kết quả kiểm toán chỉ ra: Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công hạng mục xây dựng đường tránh Quốc lộ 6 là chưa thuyết minh rõ ràng công tác quét nhựa bitum chống thấm của hạng mục cống; không thể hiện bản vẽ chi tiết khối lượng dầm vượt.

Thiết kế kỹ thuật chưa phù hợp dẫn đến phải điều chỉnh ở bước thiết kế bản vẽ thi công như: Điều chỉnh cọc đóng thành cọc khoan nhồi ở hạng mục Nhà điều hành trung tâm; điều chỉnh cọc ở hạng mục xử lý nền đất yếu tuyến ra vào.

“Bộ GTVT cho phép Ban quản lý Dự án Đường sắt giao Tổng thầu phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tư vấn giám sát phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công giai đoạn từ ngày 28/10/2015 đến ngày 18/8/2016 là chưa phù hợp thẩm quyền”, thông báo kết quả kiểm toán nêu rõ.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news