Các trường đại học rục rịch tăng học phí
Trường Đại học Gia Định (GDU) thông báo, dự kiến tăng học phí khoảng 8% đối với 3 ngành Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin và ngành Marketing. Hiện nay, mức học phí được áp dụng tại trường từ 12-14,5 triệu đồng/học kỳ đối vối chương trình đại trà và 25 triệu đồng/học kỳ đối với chương trình tài năng. Nhà trường cho biết thêm, học phí sẽ được giữ nguyên trong suốt năm học và có thể thay đổi vào năm tiếp theo nhưng không vượt quá 8%/năm.
Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM có mức học phí 7,05 triệu đồng/học kỳ (tăng nhẹ so với mức dự kiến năm ngoái). Chương trình Đại học chính quy chất lượng cao gần 18 triệu đồng/học kỳ. Còn trường Đại học Bách khoa Tp.HCM tăng học phí thêm 2,5 triệu đồng so với năm ngoái, tương đương 30 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Công nghệ Tp.HCM tăng học phí bình quân dự kiến 5,3-6 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 16-18 triệu đồng/học kỳ. Riêng ngành Dược học, sinh viên phải đóng 6-6,5 triệu đồng/tháng, tương đương 18-20 triệu đồng/học kỳ.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm học 2022 - 2023 học phí hệ chính quy chương trình chuẩn từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm học. Năm học tới, học phí được Nhà trường dự kiến từ 16 triệu đồng đến 22 triệu đồng/năm.
Học viện Tài chính dự kiến áp dụng mức học phí mới cho tân sinh viên năm 2023 - 2024 từ 22 - 24 triệu đồng với các ngành đào tạo theo chương trình chuẩn (tăng 10 - 20% so với năm học trước). Học phí với chương trình chất lượng cao tăng nhẹ lên 48 - 50 triệu đồng.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến học phí hệ đại trà 500.000 đồng/tín chỉ với khóa sinh viên 2023 - 2024 (tăng 60.000 đồng/tin so với năm trước). Tương tự, hệ chất lượng cao, cũng tăng lên 1,5 triệu đồng/tín chỉ, so với mức cũ 1,3 triệu.
Khoa Y, Đại học Quốc gia Tp.HCM cũng dự kiến điều chỉnh học phí năm học 2023 - 2024 với 5 ngành đào tạo. Trong đó, các ngành Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền học phí là 55 triệu đồng/năm học, tăng 6 triệu đồng so với năm 2022. Riêng ngành Điều dưỡng học phí 40 triệu đồng/năm học (tăng 3 triệu đồng so với năm ngoái).
Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Tp.HCM) dự kiến thu mức học phí 30 triệu đồng/năm với chương trình chuẩn. Mức thu này tăng 2,5 triệu đồng so với năm trước. Được biết, mức học phí dự kiến cao nhất của trường lên đến hơn 800 triệu đồng/năm đối với chương trình chuyển tiếp quốc tế.
Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM dự kiến mức học phí năm học 2023 - 2024 là 7.050.000 đồng/học kỳ (tăng 800.000 đồng so với năm trước). Với chương trình đại học chính quy chất lượng cao dự kiến mức học phí rơi vào khoảng hơn 18 triệu đồng/học kỳ.
Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM dự kiến nâng mức học phí từ 785.000 đồng/tín chỉ (năm học 2022 - 2023) lên 940.000 đồng/tín chỉ đối với chương trình chuẩn năm 2023-2024. Đối với các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh mức học phí tăng gấp 1,4 lần so với các học phần dạy bằng tiếng Việt.
Vì sao các trường đại học đồng loạt tăng học phí?
TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng việc nhiều trường đồng loạt tăng học phí đồng nghĩa có thể sẽ loại bỏ những học sinh có năng lực nhưng lại không đủ khả năng kinh tế.
Khi có cơ sở vật chất tốt hơn, chất lượng đào tạo cũng được cải thiện, nhưng tăng học phí cần tính đến khả năng tài chính của người học.
Theo ông Khuyến, khó có thể so sánh mức học phí của đại học trong nước với nước ngoài, mà cần nhìn lại thu nhập bình quân của người dân hiện nay ở mức bao nhiêu so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
“Tôi cho rằng cách làm muốn tăng chất lượng phải tăng chi phí và muốn tăng chi phí thì tăng học phí là một lối tư duy chưa chuẩn. Bộ GD&ĐT cần xem xét lại với những ngành đặc thù, nhất là các trường khối ngành y dược, kinh tế...”, TS Lê Viết Khuyến nói.
Theo Nghị định số 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục công lập và Chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, năm 2022 - 2023, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên dao động từ 12 - 24,5 triệu đồng/năm học.
Trong khi đó, ThS LS Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định lý giải nguyên nhân tăng học phí đối với 3 ngành Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin và ngành Marketing căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng để quyết định đưa mức tăng này, nhằm bù chi phí trượt giá và nâng cao chất lượng giảng dạy.
"Nhu cầu của xã hội ở những ngành này đang rất lớn, do đó trường có đưa ra những thay đổi trong chương trình đào tạo ở 3 ngành này. Ngoài ra, nhằm có thêm kinh phí đầu tư mời những giảng viên giỏi về giảng dạy, kinh phí để đưa sinh viên kiến tập và mua sắm thêm thiết bị phục vụ giảng dạy", ông Chung chia sẻ.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho biết thêm, mức tăng trên chỉ áp dụng đối với sinh viên tuyển mới trong năm học 2023-2024, còn đối với sinh viên các khóa trước mức học phí được giữ nguyên.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Tp.HCM cho biết, mức tăng khoảng 7% học phí của trường đưa ra trong năm học 2023-2024 đúng với Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ về cơ chế thu và quản lý học phí. Đồng thời cũng xét trên cơ sở thực tế trượt giá của các năm mà đưa ra mức điều chỉnh trên. Chỉ có năm 2021-2022, nhà trường không tăng học phí là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
"Để đáp ứng việc học của sinh viên, hàng năm nhà trường đều có những đầu tư mới trong việc mua sắm trang thiết bị, xây dựng mới cơ sở vật chất. Ngoài ra, xu hướng đào tạo, giảng dạy cũng được thay đổi theo hướng hội nhập với nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp hay giao lưu với các trường quốc tế nên việc tăng học phí là điều bắt buộc", TS Quốc Anh nói.
Học phí tăng, thí sinh cân nhắc chọn trường
Theo TS. Nguyễn Kim Phụng (Giám đốc Công ty luật TNHH Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ Giáo dục Đào tạo), theo Nghị định 81, đối tượng kiểm định là cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo, không có đối tượng ngành hay chuyên ngành. Thông thường, một ngành có một hoặc một số chương trình đào tạo. Nếu một ngành có một chương trình đào tạo thì chương trình đó mang tên ngành đó. Nếu một ngành có 2 chương trình đào tạo (ví dụ chương trình đại trà và chất lượng cao) thì theo Nghị định 81, chương trình chất lượng cao phải kiểm định thì nhà trường mới được thu học phí cao hơn.
Học phí là một trong các yếu tố quan trọng khi thí sinh đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường. Trên thực tế, có không ít thí sinh khi đỗ được vào đại học, nhưng vì điều kiện tài chính của gia đình không kham nổi mức học phí của trường đã chọn nên không thể theo học. Bên cạnh lộ trình tăng học phí, thí sinh cũng cần chú ý thêm cách tính học phí của các trường. Cách tính học phí của các trường hiện nay rất khác nhau, có trường tính theo năm, theo kỳ, theo quý, có trường tính theo tín chỉ hoặc theo chương trình kiểm định.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, thông tin về học phí của các trường đại học cũng là một trong những yếu tố quan trọng khi thí sinh đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường. Bởi thực tế, có không ít thí sinh khi bước chân vào giảng đường đại học đã phải "đứt gánh giữa đường" vì điều kiện tài chính của gia đình không kham nổi mức học phí của trường đã chọn. Bên cạnh lộ trình tăng học phí, thí sinh cũng cần chú ý thêm cách tính học phí của các trường vì cách tính học phí hiện nay không đồng nhất, có trường tính theo năm, theo kỳ, theo quý, có trường tính theo tín chỉ.