Tin mới

Nhiều trường, nhiều người hoang mang khi ngừng tuyển sinh hệ trung cấp

Thứ bảy, 05/03/2016, 10:00 (GMT+7)

Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 quy định ngưỡng đầu vào của hệ CĐ chỉ cần tốt nghiệp THPT. Điều này khiến các trường trung cấp hoang mang khi không đảm bảo đủ chỉ tiêu tuyển sinh.

Báo Người lao động đưa tin, dự thảo thông tư về quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của trường CĐ là tốt nghiệp THPT thay vì quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào theo một mức điểm nhất định như các năm trước.

Hết mong “lọt sàng xuống nia”

Thông tin này khiến các trường trung cấp hoang mang, lo lắng vì cổng trường CĐ đã mở quá rộng, sẽ không học sinh (HS) nào muốn học trung cấp nữa.

Ông Hàn Mặc Khách, Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp Mai Linh (TP HCM), cho biết năm 2015, trường chỉ tuyển được hơn 100 HS, trong đó chủ yếu là HS tốt nghiệp THCS. Năm 2016, trường chỉ mong tuyển được nhiều HS tốt nghiệp THCS chứ không phải là HS tốt nghiệp THPT bởi đối tượng này ít khi chọn học trung cấp khi mà các em đủ điều kiện học CĐ.

Nhiều trường, nhiều người hoang mang khi ngừng tuyển sinh hệ trung cấp

Nhiều trường, nhiều người hoang mang khi ngừng tuyển sinh hệ trung cấp. Ảnh: Báo Người lao động

Ông Khách cho rằng về mặt tâm lý, ai cũng muốn học ĐH, CĐ; ngay cả những HS học trung cấp trước đây cũng muốn nâng cao trình độ bằng cách liên thông lên ĐH, CĐ. Vì vậy, sẽ không có nhiều HS tốt nghiệp THPT lại chọn học trung cấp, ngoại trừ HS nghèo muốn học trung cấp để đi làm sớm nhưng số này không nhiều.

ThS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng (TP HCM), cho biết những năm qua, mỗi năm trường tuyển được chừng 1.000 HS, trong đó số HS có bằng tốt nghiệp THPT chiếm từ 90%-95%. “Đó là kết quả tuyển sinh khi tuyển sinh của các trường CĐ còn bị ràng buộc bởi điểm sàn, còn nay (năm 2016), học sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện vào CĐ thì không biết kết quả tuyển sinh có đạt như những năm trước hay không. Các trường trung cấp không còn hy vọng lọt sàng xuống nia” - ông Sáng lo.

Số liệu tại Sở GD-ĐT TP HCM cho biết năm 2015, TP có trên 75.000 HS tốt nghiệp THCS nhưng chỉ khoảng 1.000 HS theo hướng học trung cấp, học nghề.

Bít đầu ra nhóm ngành sức khỏe

Bộ Y tế vừa cho biết sau 5 năm nữa (từ năm 2021), các bệnh viện, các cơ sở y tế trong toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý… hệ trung cấp; từ thời điểm kể trên, các vị trí này sẽ tuyển đầu vào thấp nhất là trình độ CĐ. Từ 2025, sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn bộ ngành y tế. Trước mắt, từ năm 2018, sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y dược, kỹ thuật viên y học…
Bộ Y tế cho rằng trên thế giới, đặc biệt là trong các nước ASEAN, cán bộ y khoa thuộc các vị trí đã kể trên đã đạt trình độ học vấn từ hệ CĐ trở lên. Tại Thái Lan, hầu như các điều dưỡng đều đã đạt trình độ thấp nhất là ĐH. Vì vậy, quyết định này là một trong những bước đi nhằm nâng cao trình độ nhân sự y khoa, hội nhập và phát triển chất lượng nhân lực y tế của Việt Nam so với các nước khác.

ThS Đặng Văn Sáng cho rằng lý do Bộ Y tế đưa ra không thuyết phục bởi thực tế hiện nay, Nhật hay Đức vẫn sang Việt Nam tuyển lao động tốt nghiệp trung cấp ngành sức khỏe, nhất là điều dưỡng; thời gian đào tạo bậc CĐ ở nước ngoài và trung cấp ở Việt Nam cơ bản là như nhau: 2 năm đối với người đã tốt nghiệp THPT, 3 năm đối với người tốt nghiệp THCS vậy nên cái khác ở đây chỉ là tên gọi của khung trình độ quốc gia vì chỉ Việt Nam mới đào tạo trung cấp. Hơn nữa, trong một cơ sở y tế không phải vị trí nào cũng cần trình độ CĐ trở lên.

Sau quy định trên của Bộ Y tế, số phận các trường trung cấp chuyên đào tạo nhóm ngành sức khỏe sẽ ra sao? Bà Trần Lệ Hằng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y Dược Vạn Hạnh (TP HCM), nói ngắn gọn rằng sở, bộ sinh ra trường thì phải có trách nhiệm với trường.

Nhiều trường sẽ phải giải thể

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng với những quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng bậc CĐ của Bộ GD-ĐT cùng quy định ngưng tuyển sinh, tuyển dụng nhóm ngành sức khỏe bậc trung cấp, các trường trung cấp sắp tới đây sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Không loại trừ có hàng loạt trường phải giải thể vì không tuyển sinh được hoặc đồng loạt nâng cấp lên CĐ.

Báo Tuổi trẻ online cũng cho biết, trước thông tin ngưng tuyển dụng trung cấp y, một số thầy cô đã bày tỏ quan điểm của mình.

TS Trần Ái Cầm - phó hiệu trưởng trường ĐH Nguyênc Tất Thành cho rằng, nên nâng cấp trình độ tối thiểu khối ngành y dược là bậc CĐ.

Đặc thù của khối y dược là liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Việc nâng cao trình độ bậc học, qua đó thời gian đào tạo cũng được tăng theo là đáp ứng với nhu cầu thực tế công việc tại các cơ sở y tế.

Vì vậy phải đặt ra lộ trình thực hiện, để phù hợp, thuận lợi với nhóm người lao động đang làm việc tại các cơ sở y tế, và đặc biệt là đối với các học sinh đã tốt nghiệp khối sức khỏe bậc TCCN.

ThS Trần Thị Thuận - phụ trách khoa điều dưỡng Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng lại cho rằng quy định phù hợp. Bởi, chuẩn của người điều dưỡng chuyên nghiệp phải qua đào tạo từ 3 năm trở lên. Những người học chương trình 2 năm mới chỉ là trợ lý, phụ tá.

Bên cạnh đó, quy định này tạo khoảng thời gian chuẩn bị giúp giảm quy mô đào tạo TCCN khối ngành y dược. Hiện nay các sơ sở đào tạo bậc TCCN khối y dược quá nhiều dẫn đến học sinh ra trường thất nghiệp. Quy định này cũng là cách báo động cho xã hội, các cơ sở đào tạo giảm chỉ tiêu đào tạo TCCN khối ngành y dược.

Hơn nữa, để chuẩn hóa, bắt buộc những người tốt nghiệp TCCN nhóm ngành y dược phải tiếp tục học lên CĐ, ĐH. Từ nay đến khi quy định này có hiệu lực đủ để người học có thể học nâng cao trình độ.

Quy định này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các trường và cả người học. Trước mắt, đào tạo bậc TCCN ngành y dược có thể các trường lo ngại không tuyển sinh được, học sinh cũng lo lắng…

Theo đó, người học: cần chuẩn bị tâm lý học liên thông lên bậc cao hơn để đạt chuẩn và cần đầu tư học ngoại ngữ để sau này có thể đi xuất khẩu lao động ở một số nước đang rất cần nhân lực đạt chuẩn này.

Theo PGS.TS Trịnh Văn Lầu - hiệu trưởng trường trung cấp Phạm Ngọc Thạch (Cần Thơ) thời điểm ban hành quy định không phù hợp.

Ông Lâu cho rằng, tin này được đưa ra ngay trong mùa tư vấn tuyển sinh 2016 làm cho các trường đã và đang được phép đào tạo các ngành trung cấp y dược nhiều năm nay lâm vào hoàn cảnh khó khăn, lúng túng vì chưa nhận được thông tin gì từ các cơ quan quản lý giáo dục và y tế để có thể đưa ra câu trả lời chính xác cho người đang học, người sẽ học và đội ngũ giáo viên của trường.

Ông Lầu đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về y tế và giáo dục có văn bản hướng dẫn kịp thời để trường có thể thoát khỏi tình trạng kể trên.

Bà Lê Thị Hồng Hoa - hiệu trưởng trường trung cấp Lê Hữu Trác (Hà Nội) cho rằng, Bộ Y tế đã làm ngược.

Trước khi ra qui định này, Bộ Y tế cần có một cuộc khảo sát, đánh giá diện rộng về nhu cầu nhân lực từ các cơ sở y tế tuyến xã trở lên, đánh giá khả năng, chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo hiện nay và tương lai để xem khả năng đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực trình độ CĐ như thế nào.

Để thực hiện được qui định của Bộ Y tế, tôi cho rằng cần phải có một lộ trình 10 năm, thay vì chỉ năm năm như mục tiêu của Bộ. Vì không chỉ tăng chỉ tiêu đào tạo CĐ là được, phải có sự chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chưa kể cả nguồn tuyển…

Bên cạnh đó, các trường trung cấp đào tạo y dược sẽ đi về đâu? Chỉ riêng Hà Nội có 10 trường trung cấp đào tạo các ngành y dược. Có cho chúng tôi nâng cấp thành CĐ cũng không phải một sớm một chiều là đủ năng lực đào tạo CĐ hết, chúng tôi cũng cần có thời gian để chuẩn bị các điều kiện đáp ứng qui định về diện tích đất đai, giáo viên, cơ sở vật chất đối với trường CĐ theo qui định hiện hành.

Điều này sẽ đi ngược lại cả hai chủ trương mà lâu nay chúng ta ra sức nỗ lực thực hiện: Một là xã hội hóa giáo dục, kêu gọi đầu tư vào dạy nghề, đào tạo trung cấp; và hai là phân luồng HS sau trung học.

Bộ Y tế đã làm ngược. Đáng lẽ phải có chủ trương, cùng với Bộ GD&ĐT có kế hoạch nâng cấp các trường trung cấp trước, nghiên cứu xem xét để thống nhất lại qui định về tên gọi bậc trình độ đào tạo phù hợp với chuẩn quốc tế… trước khi ban hành một Chính sách đụng chạm đến hàng trăm ngàn người như vậy.

Đây là một chính sách được hoạch định mà không đi sát với thực tế và không tính đến các đối tượng bị tác động.

Nguyễn Tuyết (Tổng hợp)

Nguồn: Đời sống và pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news