"Nhóm học sinh tham gia đánh hội đồng nữ sinh P. có thể bị đưa vào trường giáo dưỡng nếu hành vi vi phạm của các em được cho là nghiêm trọng".
Chiều 11/3, ông Đồng Văn Lâm - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã triệu tập cuộc họp khẩn để nghe báo cáo từ Ban giám hiệu Trường THCS Lý Tự Trọng và kết quả điều tra từ Công an TP. Trà Vinh về vụ nữ sinh lớp 7/5 trường này bị đánh hội đồng.
Dẫn lời ông Phan Thanh Nguyên - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng tại buổi làm việc, VnExpress cho biết: "Các hình thức kỷ luật sẽ từ phê bình, khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi học có thời hạn. Các em rơi vào trường hợp nào thì xử lý theo hình thức đó".
Nhóm học sinh đánh bạn dã man có thể bị đưa vào trại giáo dưỡng
Theo ông Nguyên, trường hợp nữ lớp trưởng - người kêu bạn đánh hội đồng nữ sinh và nam sinh phang chồng ghế nhựa vào đầu bạn sẽ phải nhận mức kỷ luật nặng nhất là buộc thôi học một năm, chịu sự quản lý của địa phương.
Tuy nhiên, theo ý kiến của Luật sư Đỗ Văn Hiền - Công ty Luật Đỗ Thành Nam (Hà Nội) cho biết trên Người đưa tin, trong sự việc này, hình phạt "đuổi học" áp dụng đối với các em dường như chưa phải là biện pháp tối ưu.
“Thông thường với các vụ học sinh đánh nhau, đánh hội đồng, hình thức kỷ luật đối với các đối tượng vi phạm là đình chỉ học tập hoặc đuổi học. Tuy nhiên, hình phạt “đuổi học” đối với những trường hợp này e không phải là biện pháp tối ưu” – Luật sư Hiền nhấn mạnh.
Theo luật sư Hiền, bất kể áp dụng mức kỷ luật nào thì cũng phải đảm bảo đủ sức giáo dục, răn đe, vì nếu không xử lý mạnh mẽ, quyết liệt thì khó có thể ngăn chặn những vụ việc tương tự lặp lại. Thậm chí, một khi “nhờn” với cách kỷ luật theo kiểu “hình thức”, “giơ cao đánh khẽ” của nhà trường, các em rất có thể sẽ gây ra những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng hơn.
Và cũng không phải kỷ luật các em xong là buông xuôi các em cho xã hội hay bỏ mặc cho gia đình. Trong trường hợp này, nhà trường cùng chính quyền địa phương phải phối hợp với gia đình để có biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện tư vấn, giúp đỡ các em sửa chữa những sai lầm do mình gây ra.
Còn theo quy định tại Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính, “Người từ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự” sẽ bị đưa đi vào trường giáo dưỡng. Trong trường hợp này, nhóm học sinh tham gia đánh bạn đều đang học lớp 7 và ở độ tuổi 13 nhưng do chưa có kết luận của cơ quan chức năng về việc hành vi đánh bạn của các em có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hay không nên chưa thể kết luận là các em có thể bị áp dụng hình phạt này.
Như tin tức đã đưa trước đó, ngày 9/3, trên trang mạng xã hội xôn xao clip nhóm học sinh dùng ghế nhựa phang tới tấp vào đầu một nữ sinh khác ngay tại lớp học.
Nạn nhân bị đánh trong đoạn clip được xác định là em Nguyễn Thị Hồng P. (học sinh lớp 7/5) trường THCS Lý Tự Trọng, TP. Trà Vinh vào tháng 1/2015.
Tham gia đánh em P. là một nhóm bảy học sinh (cả nam, nữ) của các lớp 7/4, 7/5, 7/13, 7/15, gồm các nữ sinh Dương Thúy V., Trần Ngọc Anh T., Trần Hồng G., Kim Thảo N., Cam Kim T. và hai nam sinh Lâm Trần Bình T., Lâm Trí N.. Người cuối đoạn video clip phang chồng ghế trúng đầu em P. là nam sinh Lâm Trần Bình T.
Theo My Vân (tổng hợp)/Đời sống và Pháp luật