Trong giới kinh doanh Việt Nam, có không ít những cặp anh chị em đều kinh doanh thành công, trở thành những người giàu có, thậm chí thành đại gia. Tài năng, sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau đã giúp họ trở thành những thế lực lớn trên thương trường.
Anh em Phạm Nhật Vượng – Phạm Nhật Vũ
Mới đây, trong danh sách xếp hạng các tỷ phú năm 2015 được tạp chí Forbes công bố ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam, với khối tài sản 1,7 tỷ USD, tăng so với mức 1,6 tỷ USD của năm ngoái. Năm nay là năm thứ ba liên tiếp ông Vượng có tên trong danh sách này.
Với mức tài sản trên, ông Phạm Nhật Vượng - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Vingroup - hiện là người giàu thứ 1.118 trên thế giới, so với vị trí 1.092 của năm ngoái.
Theo Forbes, năm qua, ông Vượng đã thực hiện hàng chục dự án mới, trong đó nổi bật nhất là dự án Vinhomes Central Park trị giá 1,5 tỷ USD bao gồm một tòa nhà 81 tầng dự kiến là tòa nhà cao nhất Việt Nam.
Năm 2013, ông Vượng được Forbes xác định có 1,5 tỷ USD, đứng thứ vị trí 974 trong danh sách tỷ phú thế giới.
Ông Vượng gây bão với hàng loạt các dự án đứng đầu cả nước và mang tầm khu vực như: Vinpearl Land, trung tâm thương mại lớn nhất khu vực, thủy cung lớn nhất Việt Nam, hàng loạt các tổ hợp nhà ở cao cấp rồi lấn sân sang y tế, bán lẻ, giáo dục và gần đây là thời trang.
Ông Phạm Nhật Vũ không chỉ được biết tới với tư cách là em trai tỷ phú Đô la Phạm Nhật Vượng mà còn là một người theo đạo Phật, kinh doanh trong lĩnh vực khoáng sản, truyền thông.
Ông từng làm khuynh đảo giới kinh doanh trong nước với việc đầu tư hàng nghìn tỷ vào Truyền hình An Viên (AVG) và mua bản quyền bóng đá Việt trong 20 năm.
Đồng thời, ông Vũ cũng đã hợp tác với một số đơn vị khác như Truyền hình An ninh, Truyền hình Thông tấn Xã Việt Nam. Ngoài ra, ông Vũ cùng các nhà đầu tư An Viên cũng đã đầu tư vào một số trang mạng khác và kinh doanh nội dung số nhưng không mấy thành công.
Gần đây, Vingroup (của ông Phạm Nhật Vượng và các cổ đông) đã đầu tư mạnh vào thương mại điện tử, một lĩnh vực thuộc truyền thông online.
Hiện chưa rõ bước đi tiếp theo của ông Vũ đối với các trang mạng mà mình đầu tư. Động thái của Vingroup cho thấy, AVG sẽ tập trung vào kinh doanh truyền dẫn tín hiệu và dịch vụ truyền hình.
Anh em Lê Vĩnh Sơn - Lê Hoàng Hà
Ông Lê Vĩnh Sơn, sinh năm 1974, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà, khởi nghiệp từ năm 1998, khi thành lập Công ty TNHH Kim khí Sơn Hà, theo nghề kim khí của gia đình ở phố Hàng Thiếc, Hà Nội. Ông Lê Hoàng Hà, em ông Sơn, là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà.
Từ sản phẩm duy nhất là bồn nước, ông Sơn hiện là chủ tịch HĐQT của 4 công ty là Năng lượng Sơn Hà, Sơn Hà Sài Gòn, bất động sản Sơn Hà và là Ủy viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị. Tại thị trường BĐS, Sơn Hà ghi dấu ấn với 7 dự án căn hộ, cao ốc văn phòng tại Kiến Hưng, Đan Phượng, Kim Giang, Tây Hồ Tây, Xuân La...
Ông Sơn, cùng với người em Hoàng Hà, được xem là những người chèo lái đưa Sơn Hà, phát triển mạnh mẽ trong hơn 10 năm qua. Ông Sơn từng được bình chọn là nhà doanh nghiệp trẻ và được trao tặng Giải thưởng sao Đỏ của Ủy ban Trung ương hội các nhà Doanh nghiệp trẻ Việt Nam.
Từ năm 2012, Sơn Hà “tiến quân” sang một lĩnh vực mới là kinh doanh siêu thị, mở màn bằng việc Khai trương Siêu thị Hiway Hà Đông vào tháng 7/2012. Đến cuối năm 2013, Sơn Hà tiếp tục đưa siêu thị thứ hai tại Hà Nội vào hoạt động. Đó là Hiway Ngọc Khánh với diện tích 7.000 m2, bày bán hơn 30.000 mặt hàng.
Chị em nhà họ Đặng
Gia đình họ Đặng từng là một “hiện tượng” của nền kinh tế Việt Nam, khi từng nằm trong top những gia đình sở hữu tài sản nhiều nhất và có hai phụ nữ dẫn đầu danh sách 30 phụ nữ giàu nhất nước.
Đặng Thành Tâm được xếp hạng là người giàu nhất ở Việt Nam năm 2007 và thứ ba Việt Nam năm 2008, 2009 và 2010. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc của các công ty: Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, Công ty Công nghệ Viễn thông Sài Gòn. Tuy nhiên, trong năm qua, ông Tâm gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh ở hai ngân hàng ông từng có cổ phần, tại một số DN ông làm chủ.
Em gái của ông Đặng Thành Tâm là bà Đặng là Đặng Thị Hoàng Phượng, từng là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn; thành viên hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc.
Chị cả của gia đình họ Đặng là bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Tân Tạo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Tân Tạo, Chủ tịch của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ. Năm 2011, bà được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Tuy nhiên ngày 26/5/2012, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Đặng Thị Hoàng Yến.
Trương Gia Bình - Trương Thị Thanh Thanh
Trương Gia Bình là người sáng lập ra FPT năm 1998. Ông được mệnh danh là “người quyền lực nhất FPT”. Ông là chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam và được bình chọn là một trong 10 nhân vật tiêu biểu của ngành công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam giai đoạn 2000-2009. Ngoài ra ông còn là phó giáo sư, tiến sĩ, trưởng khoa Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng các nhà doanh nghiệp Trẻ Việt Nam (1998-2005).
Ít người biết rằng ông Trương Gia Bình từng là con rể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi kết hôn với bà Võ Hạnh Phúc.
Chị gái của ông Trương Gia Bình là bà Trương Thị Thanh Thanh hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT. Bà là một trong những người sáng lập FPT, sau này là Giám đốc FPT TP.Hồ Chí Minh.
Trước khi gia nhập FPT, bà là giảng viên Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ nay là Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội (từ năm 1974 – 1976) và là giảng viên chính Đại học Tổng hợp Hồ Chí Minh nay là Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 1976 – 1995).
Bà Thanh gia nhập FPT từ năm 1990, ở vị trí kế toán trưởng đầu tiên của Chi nhánh FPT thành phố Hồ Chí Minh.
Bảo An (tổng hợp)