Ngày ngày, dù trời mưa hay nắng, các giáo viên trường Xuân Giang 2, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cũng phải mất 30 phút để chờ đò đưa sang ốc đảo ở giữa dòng Lam Giang dạy học. Mặc dù đường đi đầy nguy hiểm và một lớp chỉ có 3 đến 5 học sinh nhưng họ vẫn miệt mài hoàn thành tâm nguyện gieo con chữ cho những em học sinh nghèo trên ốc đảo này.
Chuyến đò chở giáo viên sang dạy học ở ốc đảo Hồng Lam.
Lớp học chỉ có 3 học sinh
Những ngày giáp Tết Ất Mùi, tôi và đồng nghiệp có chuyến công tác sang ốc đảo Hồng Lam. Cảnh tượng hoang vu của ốc đảo này khiến chúng tôi chạnh lòng. Ốc đảo Hồng Lam cách thị trấn Xuân An và thị trấn Nghi Xuân (Hà Tĩnh) có 2km. Muốn sang ốc đảo Hồng Lam, phương tiện duy nhất là con đò nhỏ, đã mục nát. Ông lái đò cho biết: “Lâu lắm chúng tôi mới thấy người lạ sang ốc đảo Hồng Lam này. Bình thường chỉ có cô giáo, học sinh và những người dân qua lại đây thôi. Mà con số ấy ngày càng ít. Tội các thầy cô giáo và các em học sinh lắm, dù trời nắng hay mưa họ vẫn phải đều đặn đến trường trên con đò chông chênh này”.
Theo một người dân chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến trường tiểu học Xuân Giang 2 (thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Thật bất ngờ, trong giờ học mà ngôi trường này yên tĩnh đến lạ thường. Khi chúng tôi định quay ra, bỗng một cô giáo hỏi: “Các chú tìm ai?”. Hỏi ra mới biết đó là cô giáo Đặng Thị Mai, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A. Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn nữa khi bước vào lớp chỉ có 3 em học sinh.
Trường tiểu học Xuân Giang 2.
Một lớp học rất ít học sinh.
Trước đây, nơi này là một trường tiểu học độc lập, nhưng học sinh ngày càng thưa dần nên đến tháng 11/2010 được nhập với trường tiểu học Xuân Giang, trở thành một phân hiệu của trường này. Thấy các em học sinh đi học vất vả, năm 2002, bộ Công an và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phát động quyên góp, xây dựng lại kiên cố thành một tòa nhà hai tầng với 8 phòng học nhỏ.
Năm học 2008-2009, trường chỉ có 56 em, năm ngoái có 38 em và nay thì chỉ có 13 em theo học. Do khó khăn trong sinh hoạt, đi lại nên nhiều em đã theo cha mẹ đi nơi khác sinh sống. Thanh niên làng lớn lên đều vào miền Nam để làm ăn và lập gia đình trong đó. Trong làng bây giờ chỉ có người già và em nhỏ nên thành ra số học sinh cứ giảm dần theo từng năm học.
Được biết, hiện trường chỉ có 4 giáo viên nữ, với tổng số gần 15 học sinh, chia làm 5 khối học. Khối đông nhất có 4 em, khối ít nhất của có 1 em học sinh. Mặc dù, ít học sinh như vậy nhưng hàng ngày, các cô giáo vẫn miệt mài đến lớp dạy các em.
Những người gieo chữ tận tâm
Vì ít học sinh nên tình cảm cô trò rất khăng khít. Những cô giáo ở đây coi các em học sinh như con ruột của mình. Ít học sinh nên họ có thời gian kèm cặp và dạy dỗ nhiều hơn. Nhà nào khó khăn không cho con đến trường, các cô phải đến nhà để thuyết phục. Cô Đặng Thị Mai (40 tuổi) cho biết: “Do hoàn cảnh khó khăn, nhiều gia đình không có điều kiện cho con đi học, chúng tôi phải đến động viên từng nhà. Học sinh đã ít mà lại bỏ học nhiều nữa thì buồn lắm. Chúng tôi không muốn các em nhỏ thất học. Chúng được học hành đàng hoàng, có nhận thức tốt sau này lập nghiệp sẽ dễ dàng hơn. Đời sống vật chất của cô trò nơi đây còn nghèo nàn lắm. Việc đi lại nơi đây cũng gặp rất nhiều nguy hiểm”.
Năm 2010, sau khi kết thúc hội nghị cán bộ giáo viên, cô Nguyễn Thị Minh cùng các vị khách lên đò trở về nhà. Đi đến giữa sông, đò mất lái, tròng trành rồi chìm xuống sông. Rất may lần đó không ai bị chết đuối. Có những hôm mưa bão, giáo viên không dám về nhà. “Có hôm trời mùa đông, tôi đi dạy về muộn. Đợi đò mãi vẫn không thấy. Gọi điện thoại cho ông lái đò mới biết đò không nổ máy được. Đợi ông sửa xong thì trời đã nhá nhem tối rồi nên đành vào nhà một em học sinh xin ngủ nhờ”, cô Loan cho biết.
Hàng chục năm qua, dù nắng hay mưa, các cô đều phải lênh đênh trên những chuyến đò, để có thể mang chữ đến cho các em ở ốc đảo này. Vất vả và khó khăn như vậy nhưng các giáo viên dạy tại trường tiểu học Xuân Giang 2 không được hưởng một chế độ trợ cấp, đặc thù nào. Hàng ngày, để đến lớp đúng giờ, giáo viên trong trường phải dậy sớm, vượt qua ba chặng đường, từ nhà tới bến đò, gửi xe ở nhà dân, sau đó lên đò qua làng rồi đi xe đạp chừng 1km nữa mới tới trường.
Các em học sinh tiểu học được tạo điều kiện cho học tại chỗ. Nhưng các em học sinh cấp 2 và cấp 3 thì phải sang bên kia sông học tiếp. Mặc dù đường đến trường vô cùng gian nan nhưng các em vẫn không bỏ cuộc. Do trên ốc đảo không có trường nên hàng ngày, các em học sinh cấp 2, 3 phải hai lần qua đò để tới trường. “Chiếc đò đông người cứ tròng trành có những lúc suýt chìm. Phương tiện bảo hộ ở trên đò ít nên rất nguy hiểm. Nhưng muốn duy trì sự học thì các em phải cố gắng thôi”, cô Loan cho biết thêm.
Không chỉ giáo viên không có chế độ mà người dân và con em ở đây cũng không được hưởng đãi ngộ nào dành cho vùng khó khăn. Họ chỉ được hưởng chế độ khu vực 2 nông thôn như những hộ dân khác bên kia sông. Cuộc sống nơi đây còn vô vàn khó khăn, nguy cơ trẻ em thất học rất cao. Khó khăn vất vả là vậy, song cô và trò trường tiểu học Xuân Giang 2 vẫn không ngừng đi lên, thi đua dạy tốt, học tốt. Do số lượng học sinh ít nên các em được kèm cặp hết sức chu đáo. Chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt. Hằng năm, cô và trò đều đoạt được giải cao trong các kỳ thi giáo viên giỏi và học sinh giỏi do huyện và tỉnh tổ chức.
Cô Trần Thị Thuý Trà - Hiệu trưởng trường tiểu học Xuân Giang chia sẻ: “Việc dạy và học của trường Xuân Giang 2 còn gặp nhiều khó khăn lắm. Để duy trì việc học và tránh nguy hiểm rình rập khi qua đò, chúng tôi phải phân công giáo viên sang dạy học. Vất vả, hiểm nguy, chúng tôi không sợ, nhưng lớp học cứ vắng dần, và có nguy cơ nhà trường phải đóng cửa mới thực sự đáng sợ. Các em tiểu học còn quá nhỏ không thể qua đò và đi học bên cơ sở 1 được. Mong các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa đến đời sống giáo viên và học sinh nơi đây”.
Hồng Lam là một thôn của xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Đứng trên cầu Bến Thuỷ và khu vực TP.Vinh (Nghệ An) có thể dễ dàng nhìn thấy Hồng Lam như một ốc đảo mọc lên giữa dòng sông Lam.
Nói về địa lý, Hồng Lam cách không xa trung tâm thị trấn huyện và cả TP.Vinh. Thế nhưng chuyện đi lại của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, khi phương tiện duy nhất để nối với đất liền chỉ là con đò nhỏ của ông cựu giáo làng.
Bên cạnh đó là mưa bão làm cho đất bị bào mòn, làng có nguy cơ xoá sổ nên người dân lũ lượt rời làng tìm nơi định cư mới. Học sinh thưa dần nhưng các cô giáo vẫn cố bám trụ để không một ai ở nơi đây phải chịu cảnh mù chữ.
Theo Kim Thoa-Hòa Khánh/Đời sống và Pháp luật