Năm Bính Thân 2016, cùng điểm lại chân dung những đại gia Việt tuổi Thân giàu có, nổi tiếng, tài giỏi.
Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup (Mậu Thân 1968)
Cho đến nay, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup vẫn đang được coi là tỷ phú “đô la” đầu tiên của Việt Nam và được Forbes xếp hạng.
Theo cập nhật đến ngày 7/2/2016, ông Vượng giàu thứ 1.118 thế giới với tài sản ròng đạt 1,86 tỷ USD.
Ông Phạm Nhật Vượng. |
Ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968 (Mậu Thân) trong một gia đình nghèo cùng với 3 người anh em. Nhờ thành tích xuất sắc về toán học, ông giành học bổng du học tại Moscow năm 1987 về chuyên ngành kinh tế và địa chất.
Ông khởi nghiệp từ một cửa hàng ăn tại nhà số 5, cao tốc Aminevskoe, nơi có nhiều người Việt sinh sống vào những năm 1990. Năm 1993 tốt nghiệp cũng là năm ông lập nên thương hiệu Mivina và bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền.
Năm 25 tuổi, đại gia này cùng một số bạn bè thành lập Công ty cổ phần Technocom, chuyên kinh doanh các mặt hàng thức ăn nhanh tại Ukraina, biến công ty này thành một trong những doanh nghiệp nổi tiếng nhất tại đây.
Năm 2000, Tập đoàn Technocom thông qua hai công ty là Vincom và Vinpearl bắt đầu đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực du lịch khách sạn, bất động sản, chứng khoán và thương mại tài chính.
Đến năm 2004, mức tiêu thụ mỳ Mivina ở Ukraine đạt mức cao kỷ lục, 97% người tiêu dùng sử dụng loại sản phẩm này. Sau đó, thương hiệu này trở thành tên gọi chung cho tất cả đồ ăn nhanh ở Ukraine. Nguyên liệu sản xuất mỳ được nhập từ Việt Nam và Đài Loan.
Tháng 9 năm 2009, Tập đoàn Technocom tại Việt Nam đổi tên thành Tập đoàn Vingroup (tên đầy đủ là: Tập đoàn Đầu tư Việt Nam), chuyển trụ sở từ Kharkov (Ukraina) về Hà Nội. Hiện, Vingroup có tổng tài sản khoảng 60.000 tỷ đồng. Đại gia Phạm Nhật Vượng trở thành tên tuổi nổi tiếng với hàng loạt dự án “siêu khủng” trên khắp Việt Nam, như Hòn Ngọc Việt Nha Trang, Trung tâm thương mại Vincom, tổ hợp Royal City.
Với 532,4 triệu cổ phần nắm giữ tại Vingroup, ông Vượng có gần 25.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán và đang là người giàu nhất Việt Nam hiện tại.
Ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Thủy sản Hùng Vương (Bính Thân 1956)
Ông Dương Ngọc Minh sinh ngày 22/10/1956 tại TP.HCM, hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương và là Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt VASEP. Ông Minh đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch của Công ty Hùng Vương từ năm 2007 đến nay và được mệnh danh là “vua cá” của Việt Nam.
Ông Dương Ngọc Minh. |
Những năm 1980, ông Minh từng giữ chức vụ giám đốc tại một doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực thủy sản. Dưới sự lãnh đạo của ông Minh, công ty này nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành xuất khẩu thủy sản, với giá trị xuất khẩu hơn 30 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, đến năm 1995 khi Tỷ giá USD biến động chóng mặt khiến những món nợ nhập khẩu máy móc, thiết bị trở nên quá sức chi trả, doanh nghiệp vỡ nợ, rồi dẫn tới phá sản.
Ông Dương Ngọc Minh bị buộc tội gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, cộng thêm tội lập quỹ trái phép và lãnh án 10 năm tù. Sau 6 năm cải tạo, ông được đặc xá trước thời hạn. Ra tù, ông lập công ty mới và dần trở thành một trong những doanh nhân giàu có nhất Việt Nam.
Hiện tại, với sở hữu gần 32% vốn điều lệ CTCP Hùng Vương, ông Minh có gần 765 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán. Có thể nói, ông là một trong những doanh nhân lận đận nhưng cũng tài năng và nghị lực nhất cho đến nay.
Ông Trần Lệ Nguyên – Tổng giám đốc Kinh Đô (Mậu Thân)
Ông Trần Lệ Nguyên sinh năm 1968 (Mậu Thân), ông là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Ki Do (tiền thân là CTCP Kinh Đô).
Từ những năm 1990, ông Nguyên đã thuyết phục được anh trai là Trần Kim Thành thế chấp toàn bộ nhà cửa để vay ngân hàng, cộng với vay thêm bà con để nhập máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, bắt đầu tiến vào lĩnh vực bánh kẹo.
Ông Trần Lệ Nguyên. |
“Đó là một trong những quyết định liều lĩnh nhất đời tôi. Nếu thất bại thì cả 2 anh em sẽ nợ nần chồng chất, không biết bao giờ mới trả hết” – ông Nguyên từng chia sẻ.
Năm 1993, Công ty TNHH Kinh Đô ra đời, sau đó là Công ty Kinh Đô Miền Bắc. Từ công ty gia đình, công ty chuyển sang mô hình đại chúng năm 2002 và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Năm 2003, Kinh Đô mua lại thương hiệu kem Wall của Unilever và đổi tên thành Kido’, sau đó đầu tư vào Nutifood, Tribeco…
Năm 2015, tập đoàn này đã đổi tên thành CTCP Tập đoàn Ki Do và chuyển nhượng thương hiệu Kinh Đô gắn liền với các sản phẩm bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International.
Hiện tại, ông Nguyên đang sở hữu 25,93 triệu cổ phần tại Ki Do, tương ứng chiếm 12,6% vốn điều lệ tập đoàn này. Với số cổ phần trên, ông Nguyên có 784 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán, đứng thứ 18 trong Top những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Nguyên hiện nay còn là Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Rồng Việt, Thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long, Thành viên HĐQT Công ty cổ Phần Địa ốc Kinh Đô, Thành viên HĐQT Bất động sản Exim; Ủy viên Hội đồng quản trị Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FPT
Ông Trương Gia Bình, sinh năm 1956 (Bính Thân), nguyên quán Đà Nẵng – chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cũng là một trong những tên tuổi khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Ông Trương Gia Bình. |
Là người có học vấn cao và tài kinh doanh, năm 1988, ông cùng nhiều thành viên khác sáng lập Công ty công nghệ Thực Phẩm, tiền thân của Tập đoàn FPT sau này. Hiện, FPT có trên 15.000 nhân viên, với tổng tài sản khoảng 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận hàng năm luôn vượt trên nghìn tỷ.
Theo Ngọc Anh (ĐSPL)