Tin mới

Những điểm mới cần lưu ý trong tuyển sinh đại học năm 2023

Thứ bảy, 11/02/2023, 14:00 (GMT+7)

Bộ GD&ĐT sẽ giữ ổn định quy chế tuyển sinh, đồng thời chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở đào tạo hoàn thiện các phương thức tuyển sinh 2023 theo hướng đơn giản hóa, tăng độ tin cậy của các hình thức đánh giá, xét tuyển và sự công bằng đối với thí sinh.

Kế hoạch tuyển sinh đại học 2023 sẽ được công bố vào tháng 2

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ giữ ổn định quy chế tuyển sinh, đồng thời chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở đào tạo hoàn thiện các phương thức tuyển sinh 2023 theo hướng đơn giản hóa, tăng độ tin cậy của các hình thức đánh giá, xét tuyển và sự công bằng đối với thí sinh.

Dự kiến, kế hoạch tuyển sinh đại học 2023 sẽ được công bố vào tháng 2, sớm hơn mọi năm để thí sinh có thể kịp bắt đầu năm học từ tháng 9/2023.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đề nghị, cơ sở đào tạo cần xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, ổn định trong công tác tuyển sinh là cần thiết. Qua đó, tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường THPT trong giảng dạy và ôn tập. Mặt khác, giúp ổn định về tâm lý cho phụ huynh và tạo tâm thế tốt cho thí sinh.

Trao đổi với Sức khỏe & Đời sống, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, cần tăng cường hướng dẫn, giám sát dữ liệu của các Sở GD&ĐT, trường THPT. Đồng thời, hướng dẫn thí sinh về quy tắc tuyển sinh để tránh những sai sót, nhầm lẫn không đáng có.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin: Năm 2023, Bộ không ban hành quy chế tuyển sinh mới. Theo đó, công tác tuyển sinh vẫn áp dụng quy chế, quy trình như năm 2022, nhằm tạo ổn định về tâm lý cho thí sinh, giúp các em có sự chuẩn bị tốt nhất trong học tập.

Nhấn mạnh, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo sẽ giữ ổn định như năm 2022, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, Bộ sẽ tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển.

Theo đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp và bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền Hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn.

Ngoài ra, Bộ sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ (không sử dụng) các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu Hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điểm mới về cộng điểm ưu tiên

Theo quy chế tuyển sinh đại học mà Bộ GD&ĐT ban hành, từ năm 2023, thí sinh đạt tổng điểm 3 môn xét tuyển từ 22,5 điểm trở lên sẽ có điểm cộng ưu tiên giảm dần.

Từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng từ 22,5 điểm trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ không còn được cộng tối đa, mà được xác định theo công thức giảm tuyến tính.

Việc thay đổi trong tính điểm ưu tiên này, theo Bộ GD&ĐT, nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.

Cụ thể, mức điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng từ 22,5 điểm trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định bằng công thức:

Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Như vậy, đối với các em đạt từ 22,5 điểm trở lên, điểm ưu tiên của các em sẽ được giảm dần đều cho đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0.

Thông tin trên Vietnamnet, Bộ GD&ĐT đã thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT của vài năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại (nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau).

Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định trước đây, tỷ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên.

Điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn hơn.

Tuyển sinh đại học năm 2023 cơ bản sẽ giữ ổn định

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ trên Giáo Dục & Thời Đại, về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển.

Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, không sử dụng các phương thức không phù hợp, không hiệu quả và không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu Hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

Năm nay, Bộ GD&ĐT rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh. Trong đó, có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù), mà tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT – tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news