Phụ nữ mang thai, những người huyết áp thấp và một số bệnh nhân đang dùng thuốc như bệnh tiểu đường nên cẩn trọng khi dùng rau má.
Theo BS. Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, chưa có một nghiên cứu nào nói rằng dùng quá nhiều rau má và dùng với lượng bao nhiêu thì có thể gây bệnh, nhưng theo quy luật bình thường thì dùng cái gì quá nhiều cũng không tốt.
Một số bệnh nhân đang dùng thuốc, người huyết áp thấp và phụ nữ mang thai nên lưu ý khi dùng rau má. Ảnh Internet |
Trên Infonet, Lương y Bùi Hồng Minh, nguyên Chủ tịch hội Đông y Ba Đình, Hà Nội cho biết: Rau má có vị đắng, hơi ngọt mát, có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu...
Tuy nhiên, những người có tính hàn, lạnh bụng không được ăn rau má. Khi dùng cần lưu ý chỉ ăn với số lượng ít hoặc kèm theo vài lát gừng sống.
Những phụ nữ mang thai và trong thời kỳ cho con bú nên tránh dùng.
Những người bị huyết áp thấp tuyệt đối không được dùng vì rau má có thể gây tụt huyết áp đột ngột ảnh hưởng tới sức khoẻ, thậm chí hôn mê.
Theo Lương y Vũ Quốc Trung, rau má là loại rau có tính hàn, có Công dụng giải nhiệt nên được nhiều người lựa chọn sử dụng làm nước giải nhiệt, nhất là trong những ngày nắng nóng.
Tuy nhiên, việc lạm dụng, sẽ khiến làm tăng cholesterol, tiểu đường, nhức đầu, mất ý thức thoáng qua, giảm khả năng mang thai, gây sảy thai…
Rau má làm giảm hiệu quả của insulin và các thuốc tiểu đường uống, thuốc hạ cholesterol.
Người dân không nên hái rau má ở ven đường nơi có nhiều xe đi lại hay những nơi cống rãnh có chất thải để đảm bảo sức khỏe. Rau má sau khi mua về phải rửa sạch ngâm nước muối hoặc ozon. Khi sử dụng rau má, cần được ngâm rửa kỹ càng, đồng thời khi dùng nên ăn kèm thêm lát gừng để trung hòa tính hàn của rau má.
Trên Lao Động, tác giả bài viết Những ai không được ăn rau má cho biết, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo không nên sử dụng quá 6 tuần mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Mỗi ngày chỉ nên dùng 1 cốc nước rau má tương đương 40g. Không dùng liên tục quá 1 tháng.
Dã Quỳ (tổng hợp)