Đầu năm là dịp nhiều người đi du xuân, tìm đến các lễ hội đền chùa để cầu bình an tuy nhiên đâu đó vẫn tồn tại những hành vi có phần man rợ trong một số lễ hội đầu xuân.
Hỗn loạn tranh lộc
Hỗn loạn để tranh lộc là một cảnh tượng không hiếm gặp trong một số lễ hội đầu năm. Gần đây nhất là vụ hỗn loạn ở hội Gióng. Sáng 24/1, Lễ hội đền Gióng diễn ra ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Năm nay có 8 xã cung tiến lễ vật là voi, ngựa chiến, trầu cau, cỏ voi, ngà voi và đặc biệt là lễ giò hoa tre (gậy Thánh Gióng).
Khi kiệu giò hoa tre vừa vào đền Thượng, như thường lệ hàng chục thanh niên lao đến cướp khiến cảnh hỗn loạn diễn ra trên sân đền. Đám đông hàng chục thanh niên lao vào giằng xé, xô đẩy nhau để tranh cướp lộc, một số thanh niên mặc lễ phục hộ tống cầm thanh tre vụt vào đám đông.
Dù biết đây là hiện tượng đã xảy ra nhiều năm nay, tuy nhiên ban tổ chức vẫn chưa tìm ra được cách khắc phục sự cố này.
Tranh nhau quét tiền vào máu lợn để lấy may
Trước làn sóng dữ dội phản đối lễ hội này vì cho rằng quá man rợ, đối xử dã man với loài vật và ảnh hưởng không tốt tới trẻ em khi chứng kiến, lễ hội chém lợn làng Ném Thượng năm nay vẫn diễn ra trong bối cảnh lượng du khách thập phương.
Nhiều người tranh nhau quét tiền vào máu lợn để lấy may đầu năm
Điều đặc biệt, sau màn "chém lợn", nhiều người dân thi nhau lấy tiền quét vào máu để... lấy may.
Một lễ hội khác ở Phú Thọ cũng được xếp vào loại “lễ hội kỳ quặc” trong khi có người cho là độc đáo. Khởi thủy của lễ hội này, đám đông tập trung ném đá vào một người, giải thích rằng đây là hành động nhớ đến việc nhân dân ném đá vào thú dữ trong đội quân của Thánh Tản Viên. Giờ ném đá được thay bằng ném bao cát cho “an toàn”, nhưng sự kỳ quặc chẳng giảm bao nhiêu.
Lễ hội đâm trâu
Lễ hội đâm trâu cũng được coi là một trong những lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, thể hiện sự tôn kính của những người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đối với “Giàng”. Với những người dân Tây Nguyên, thì “ đâm trâu” là một việc làm thiêng liêng mang tính tâm linh, được tổ chức một cách trang trọng trong không khí sôi nổi, háo hức, mong chờ của mọi người.
Con trâu bị đâm nhảy lồng lên, máu từ người bắt đầu tuôn ra ngoài, chỉ sau một lúc, khi bị mất nhiều máu và kiệt sức, con trâu từ từ khuỵu xuống lăn ra đất, còn những người đàn ông vẫn tiếp tục đâm cho tới khi nào con trâu chết hẳn mới thôi. Con trâu bị giết được đem xẻ thịt nhỏ chia cho các nhà trong buôn làng cùng liên hoan.
“Ép” Thánh nhận tiền
Đến bất cứ đền chùa nào đều có hòm công đức đặt dưới mỗi ban thờ. Tuy nhiên, không biết do vô tình hay hữu ý mà nhiều du khách đến lễ Phật tranh nhau đặt ở bất cứ nơi nào có thể để. Tại Phủ Tây Hồ vào những ngày Lễ, Tết, mùng 1, ngày Rằm hàng tháng, bất cứ ai cũng có thể chứng kiến cảnh tiền lẻ vương vãi khắp nơi: từ gốc cây, cánh cửa cho đến râu ông hộ pháp…
Hoạt động văn hóa nghi lễ truyền thống thường có nhiều lớp, nhiều tầng ý nghĩa. Vấn đề nằm ở chỗ hiểu, tiếp cận và tiếp nhận nó từ ý nghĩa nào, nhằm giá trị gì.
Q.Huy (tổng hợp)