Tin mới

Những lễ hội phồn thực khiến người xem đỏ mặt tại Việt Nam

Thứ ba, 24/01/2017, 11:20 (GMT+7)

Với quan niệm tháng Giêng là tháng ăn chơi nên trên khắp cả nước mọi hoạt động vui chơi, lễ hội luôn diễn ra nhộn nhịp. Bên cạnh những lễ hội truyền thống mang màu sắc tâm linh thì những lễ hội phồn thực luôn thu hút sự chú ý của du khách.

Với quan niệm tháng Giêng là tháng ăn chơi nên trên khắp cả nước mọi hoạt động vui chơi, lễ hội luôn diễn ra nhộn nhịp. Bên cạnh những lễ hội truyền thống mang màu sắc tâm linh thì những lễ hội phồn thực luôn thu hút sự chú ý của du khách. 

[mecloud]H6DTcjRwct[/mecloud]

Video: VTC

Những lễ hội phồn thực này tái hiện những hoạt động thể hiện sự giao hòa âm-dương, đực-cái dưới dạng các nghi thức hoặc trò diễn bởi họ tin rằng cây cối, muôn vật bắt chước theo mà sinh sôi, nảy nở nhanh chóng. Ngoài ý nghĩa tốt đẹp trên thì, một số lễ hội khiến người xem không khỏi đỏ mặt khi chứng kiến những sinh thực khí nam và nữ được thể hiện quá táo bạo.

Dưới đây là những lễ hội phồn thực được xem là táo bạo nhất Việt Nam:

Tàng thinh - rước sinh thực nam gây tranh cãi tại Ná Nhèm

Xuất hiện vài năm gần đây, lễ hội Ná Nhèm (xã Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn) với lễ rước tàng thinh mặt nguyệt (sinh thực khí nam nữ) đã đưa tên Ná Nhèm lên bản đồ lễ hội “phồn thực” táo bạo nhất Việt Nam.

[mecloud]p0kxPiJwAi[/mecloud]

Tàng thinh trong lễ hội này là linh vật có chiều dài 1m, đường kính hơn 40cm và nặng gần 80kg, làm bằng gỗ, sơn màu hồng. Mặt nguyệt có hình tròn, một nửa có màu đen, nửa có màu hồng. Đây được xem là một nghi thức thu hút khá nhiều sự quan tâm của du khách bởi lần đầu tiên xuất hiện với quy mô lớn ở Việt Nam.

Năm 2016, tàng thinh màu hồng xuất hiện đã có không ít ý kiến cho rằng, 2 linh vật này với cách thức tổ chức khá giống với lễ hội rước sinh thực khí nam ở Nhật Bản. Nhiều người khẳng định chắc nịch rằng, nghi thức rước “của quý” với kích thước và màu sắc như vậy là một kiểu “ăn theo lễ hội của nước ngoài..”. Vì lẽ đó, đây không phải là văn hóa truyền thống hoặc đã ít nhiều làm phai đi nét truyền thống trong lễ hội Ná Nhèm.

Lễ rước tàng thinh mặt nguyệt bị cho là giống lễ hội rước "của quý" Nhật Bản.

Trên Tiền phong dẫn lời của thạc sĩ Bàn Tuấn Năng - người có 5 năm nghiên cứu và phục dựng lễ hội cho biết, Ná Nhèm (theo tiếng Tày nghĩa là mặt nhọ) không chỉ là lễ hội dân gian thông thường mà lễ hội đặc biệt của 2 dòng họ vốn gốc họ Mạc nhưng phải thay tên đổi họ để tránh họa tru di, truy sát của Lê Trịnh.

Sử cũ ghi có ngày sau khi triều Mạc thất thủ, Lê Trịnh giết đến 2.000 người họ Mạc trong một ngày. Họ Hoàng và họ Bế đã vượt qua các ràng buộc của Nho giáo để vác sinh thực khí Nam Nữ đi cung tiến cho đức Vua của chính mình. Về bản chất đây chỉ là việc con cháu gốc họ Mạc mượn tín ngưỡng phồn thực để biểu đạt mong ước đức Vua phù trợ cho dòng họ lớn mạnh, để lại sớm rèn đao, luyện gươm củng cố sức mạnh từ dòng họ, làng bản đến quốc gia.

Khác với lễ hội phồn thực khác, tàng thinh mặt nguyệt ở đây là lễ vật cúng tế, cuối ngày được đem ra đốt. Dàn trai tráng rước tàng thinh mặt nguyệt bôi mặt nhọ biểu trưng cho việc ẩn danh, cũng là nghi thức lạ, không có ở bất cứ đâu.

Hỏi về tạo hình tàng thinh 2017, ông Năng nói: “Nếu biết trước du khách sẽ không háo hức nữa. Mỗi năm một phiên bản khác. Tuy nhiên để tránh bị nghi vấn "giống Nhật", năm nay sẽ không sơn hồng".

Trò trám, "tháo khoán" ở lễ hội Linh tinh tình phộc

“Linh tinh tình phộc” hay còn có tên gọi lễ hội Trò Trám vào 11,12 tháng Giêng âm lịch tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Vĩnh Phú), cũng luôn gợi trí tò mò và thu hút ngày càng đông du khách.

Phần quan trọng nhất lễ hội: 2 sinh thực khí chạm vào nhau. Ảnh tư liệu

Lễ hội Trò Trám là tên gọi theo địa danh (rừng trám xưa kia) diễn ra các tích trò “phồn thực” và “tháo khoán”, trước đó trò diễn “tứ dân chi nghiệp” ngoài sân miếu được coi là màn “dạo đầu“ mang tính chất ẩn dụ rất cao.

[mecloud]wVtITMWsar[/mecloud]

Trong đêm hội, các đôi trai gái vừa ăn xôi thịt vừa đồng thanh hát: “Người ta câu diếc câu rô / Tôi nay câu lấy một cô không chồng / Người ta câu bể câu sông / Tôi nay câu lấy cháu ông cháu bà...”.

Hay như lúc diễn trò, trai gái hát đối đáp nhau những ca từ “phồn thực” đầy ẩn ý tạo không khí vui nhộn như:

“Có chồng thì thả mồi ra/ Chưa chồng thì cặp thì tha lấy mồi”; “Ước gì em hóa lưỡi cày/ Anh hoá thành bắp lắp ngay bây giờ”.

Công đoạn 2 có nhiều tên gọi khác nhau như “phồn thực”, “cầu đinh”, “lễ mật”. Đúng 0 giờ, tại miếu Trò, chủ tế lấy ra cặp sinh thực khí bằng gỗ được cất rất cẩn thận trong chiếc tráp đỏ phía trên bàn thờ trong miếu. Chủ tế đưa “linh vật” cho cặp nam nữ, người nam cầm  nõ (cái của nam) còn người nữ cầm nường (cái của nữ). Đèn tắt phụt, đồng thời vang lên tiếng hô của cụ chủ lễ “linh tinh tình phộc”. Sau khẩu lệnh, đôi nam nữ “phộc” sinh thực khí bằng gỗ vào nhau 3 lần. Trong bóng tối, dân làng nín thở chờ đợi nghe 3 tiếng cốp cốp cốp. Họ tin rằng nếu đôi trai gái đâm trúng cả 3 lần thì năm đó, âm dương hòa hợp, mùa màng tươi tốt, cây cối xanh tươi.

Công đoạn cuối cùng là “tháo khoán”. Ngày xưa, sau tiếng hô “tháo khoán “trai tân gái làng” rủ nhau vào rừng trám giao lưu, ăn nằm thoải mái. Ngày nay lễ hội mang tính diễn lại nên sau tiếng chiêng dập, chủ tế dẫn đầu đám trò chạy quanh miếu 3 vòng theo ngược chiều kim đồng hồ, theo sau là dân làng: Vừa chạy vừa hú, vừa gõ dùi vào mẹt để đuổi ma quỷ, trừ hiểm họa cả năm cho dân làng.

Trên Khám phá dẫn lời cụ chủ lễ Chử Bá Thơ cho biết, ngày xưa nếu ai yêu nhau nhưng bị lễ giáo phong kiến không cho thành vợ thành chồng, thì đây là lúc để vượt qua ngăn cản, có nhau một đêm xuân tình yêu mặn nồng. Còn lại, đây là lúc để các đôi trai gái tìm nhau, nếu có tình yêu và tiến tới hôn nhân chính là “duyên trời ban”, không ai có quyền ngăn cấm.

Tuy vậy, cụ Thơ cho biết, trước kia, nơi đây là rừng trám nên các đôi trai gái có chỗ kín đáo để tâm sự. Nhưng giờ, rừng không còn nữa, các cặp trai gái cũng không còn chỗ để “tâm tình”. Phần nữa, có thể do ngày nay tình yêu được tự do, cởi mở hơn nên nhu cầu “tâm sự” tại chỗ cũng không nhiều.

Quả vậy, tại lễ hội Linh tinh tình phộc năm nay, sau khi lễ mật thành công, các đôi trai gái không đi tìm “nơi tâm sự”. Họ trải chiếu trước miếu, cùng nhau thụ lộc, tâm tình.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news