(Tinmoi.vn) Khoai tây, hạt lê, hạt xoài, anh đào...tưởng chừng là những loại thực phẩm vô hại nhưng sẽ thành những thứ có thể đầu độc bạn nếu không biết sử dụng đúng cách.
Chuyên gia thông tin về độc tố tại Trung tâm chống độc Nebraska (Mỹ) - Joan McVoy - sẽ cho chúng ta biết về tiềm năng gây độc của một số loại thực phẩm.
Khoai tây
Khoai tây là thực phẩm rất thân thuộc với mọi người và bổ dưỡng. Tuy nhiên, củ khoai trữ ở nơi nhận được quá nhiều ánh sáng sẽ sinh ra hóa chất độc hại gọi là solanine gây tiêu chảy, nôn mửa từ 1-6 ngày. Dấu hiệu nhận biết solanine là màu xanh dưới da khoai tây, những nơi mọc mầm. Do đó, cần bảo quản khoai tây nơi thoáng mát, tránh ánh sáng. Khi sử dụng, bạn nên gọt bỏ phần màu xanh đi và nếu cần, bỏ cả củ khoai.
Đại hoàng
Trong khi thân đại hoàng rất giàu canxi và chất chống oxy hóa được sử dụng để làm bánh thì rễ và lá của nó chứa axit oxalic - một chất độc có thể gây ói mửa, suy nhược dù chỉ ăn với số lượng nhỏ. Nếu sử dụng nhiều, rễ và lá cây sẽ gây tổn hại gan và thận. Vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng phần thân, bỏ sạch rễ và lá đại hoàng trước khi nấu.
Hạt táo, lê, xoài, anh đào...
Hạt quả táo, lê, xoài, anh đào, mơ... đều chứa amygdalin - một chất có thể biến thành chất hydrogen cyanide cực độc - gây ra đau đầu, co giật, buồn nôn, ói mửa, tăng nhịp tim, huyết áp. Bạn không cần cuống quýt lo lắng khi nuốt phải những hạt này. Chúng ta chỉ có thể ngộc độc khi cố tình nhai vỡ hạt, nhưng chúng thường rất cứng.
Khoai mì (sắn)
Khoai mì giàu tinh bột nhưng lại chứa độc chất xyanua khiến dạ dày bạn khó chịu và gây ra các vấn đề về thần kinh, co giật, khó thở... Vì vậy, khi chế biến khoai mì, bạn cần lột vỏ, ngâm và nấu thật kỹ.
Đậu Ngự
Đậu ngự là nguồn protein tuyệt vời, giàu axit folic, chất xơ nhưng lại chứa chất độc limarin có thể gây buồn nôn, đau bụng. Để tránh bị nhiễm độc, bạn nên nấu đậu ít nhất 10 phút trước khi ăn hoặc sử dụng đậu đóng hộp để được an toàn.
Thoa Nguyễn
Theo Women’s Health Magazine