Trong đời sống tâm linh của của người Việt, việc dựng cây nêu mỗi dịp Tết đến, Xuân về là một trong những biểu tượng thiêng liêng tránh xui xẻo và mang lại may mắn cho gia chủ.
Cây nêu còn mang triết lý âm dương, bao hàm sự thống nhất cũng như tác động qua lại giữa âm và dương hay sự liên kết động và tĩnh.
Trong phong tục dân gian của Việt Nam, cây nêu được dựng trước sân nhà vào ngày 23 tháng Chạp - cũng là ngày Ông Công ông Táo lên chầu.
Theo quan niệm trong đời sống tâm linh của người Việt, từ ngày này cho đến đêm giao thừa, Táo quân thường vắng mặt, ma quỷ thường nhân cơ hội này để lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà.
Trên ngọn cây có buộc nhiều thứ như túi nhỏ đựng trầu cau, ống sáo và những miếng kim loại lớn nhỏ... hoặc những vật dụng có tính chất biểu tượng của địa phương, dân tộc như chuông gió.
Khi có gió thổi, những vật dụng này chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng. Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu và những vật phát ra tiếng động để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng đây là nhà có chủ, không được phép quấy nhiễu.
Vào buổi tối, người ta thường treo thêm chiếc đèn lồng để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu.
Đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng, cây nêu sẽ được hạ xuống. Đây là ngày hạ cây nêu xuống là ngày Khai hạ.
Trước khi hạ cây nêu, chủ nhà cần đặt một cái bàn nhỏ, trên bày một đĩa dưa hấu, một ít hương, hoa,... ngay gốc cây nêu ngụ ý báo cáo với trời đất là gia đình đã ăn Tết vui vẻ. Sau đó, họ sẽ rung cây nêu cho rụng hết lá khô, hạ cây nêu xuống.
Khi làm lễ Khai hạ thì bạn sẽ có một bài văn khấn. Bạn có thể tham khảo bài văn khấn này nhé:
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Kính lạy:
– Hoàng thiên Hậu thổ chư vị Tôn thần
– Ngài ………… đương niên hành khiển năm ………, ngài Bản cảnh Thành Hoàng, các ngài Thổ địa, Táo quân, Long mạch Tôn thần. (Như năm Tân Sửu 2021 là Triệu Vương Hành Khiển, lưu ý là mỗi năm sẽ có một quan hành khiển khác nhau)
– Các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, nội ngoại tiên linh. Hôm nay là ngày mùng … tháng giêng năm ………., chúng con là … hiện cư ngụ tại số nhà …, khu phố …, phường …, thành phố …
Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, trà tửu lễ nghi, cung bày trước án. Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay xin lễ tạ Tôn thần, rước tiễn âm linh trở về âm cảnh.
Kính xin lưu phúc, lưu ân, phù hộ độ trì dương cơ âm trạch, mọi chỗ tốt lành, con cháu được chữ Bình An, gia đạo hưng long thịnh vượng. Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Sau khi đọc xong văn khấn và đợi cho nhang đốt tàn hết thì bạn tiếp hành đốt tiền mã rồi nhấc cây nêu đi. Cây nêu sau khi đã dỡ đi thì bạn không nên đem ngược lại vào nhà mà nên đặt ở phía ngoài, chọn một nơi khô ráo để đặt là được nhé bạn.
* Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.