Trong danh sách 207 ngành bị dừng tuyển sinh có thể thấy chiếm số lượng lớn là các ngành nghệ thuật và ngôn ngữ. Theo lý giải từ các trường, không phải là trường không muốn có, mà có mỏi mắt tìm cũng không thấy.
Không kiếm ra tiến sĩ tiếng Ả rập
Một loạt ngành ngôn ngữ của các trường bị dừng tuyển sinh, trong đó Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng có các ngành Ngôn ngữ Thái Lan, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật; Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế có ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc; Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN ngành Ngôn ngữ Ả Rập; Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha, Hán Nôm, Ngôn ngữ Italia; Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM ngành Ngôn ngữ Nhật; Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc; Trường ĐH Hải Phòng ngành Ngôn ngữ Trung Quốc; Trường ĐH Quy Nhơn ngành Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung Quốc; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có ngành Ngôn ngữ Trung Quốc; Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: ngành Ngôn Ngữ Nhật…
Có khoảng 30 ngành đào tạo ngôn ngữ của các trường nằm trong danh sách đình chỉ tuyển sinh trong đợt này với cùng chung một nguyên nhân là không có tiến sĩ là “giảng viên cơ hữu đúng ngành đào tạo tham gia chủ trì chính của ngành đào tạo”.
Câu hỏi đặt ra là những ngành học này hiếm tiến sĩ đến mức độ nào mà ngay cả những trường lớn, đầu ngành, các trường chuyên đào tạo ngoại ngữ như ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng, ĐH KHXH&NV TP.HCM… không “kiếm” ra nổi một người?
Theo ông Võ Văn Sen, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, ngoài việc Bộ GD-ĐT nhầm Hán Nôm là ngành đào tạo (đây không phải ngành, mà là chuyên ngành nằm trong ngành Văn học và Ngôn ngữ, đến năm thứ tư sinh viên mới học chuyên ngành) thì đối với hai ngành còn lại là Ngôn ngữ Tây Ban Nha, Ngôn ngữ Italia “Bộ cần xem xét kỹ lại”.
Ảnh minh họa
Ông Sen giải thích: “Kiếm tiến sĩ những chuyên ngành này rất khó. Việc mở ngành ngôn ngữ Italia trường đã ấp ủ, ươm mầm từ dăm bảy năm trước với các kháo đào tạo ngắn hạn trong trường. Nhưng rồi vẫn không thể kiếm được tiến sĩ. Khi trường xin mở ngành, ĐHQg TP.HCM cũng đã châm chước cho việc này khi chúng tôi xê dịch các tiêu chuẩn như điều một phó giáo sư tiến sĩ ngành ngôn ngữ học, có thời gian học tập và công tác lâu dài tại Nga và Ý sang phụ trách ngành Ngôn ngữ Italia. Hơn nữa, khi mở ngành này, trường có sự ủng hộ của giáo viên tình nguyện từ Đại sứ quán Italia.
Phải vài năm nữa, khi có sự hỗ trợ của ĐSQ Ý, chúng tôi gửi cử nhân đi học, may ra mới có được tiến sĩ.
Ngành ngôn ngữ Tây Ban Nha cũng tương tự như trường hợp ngôn ngữ Ý, mới mới được hai năm nay. Hiện nay trưởng khoa chưa có bằng tiến sĩ nhưng chỉ vài ngày nữa, đến ngày 14/2 này, sẽ bảo vệ luận án.
Ngành này rất mới ở Việt Nam, phải nhờ dự án quốc tế của ĐSQ Tây Ban Nha, nhờ các giáo viên tình nguyện mà phía Tây Ban Nha đưa sang giảng dạy. Tuy nhiên, họ cũng không phải tiến sĩ, mà chỉ là thạc sĩ, và đương nhiên không phải giảng viên cơ hữu của trường”.
Ông Bùi Thiện Dụ, hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông cũng chia sẻ không thể kiếm đâu ra tiến sĩ về ngôn ngữ Nhật về làm giảng viên cơ hữu của trường. Bù lại, trường có 2 chuyên gia người Nhật tham gia giảng dạy.
Ông Nguyễn Đình Luận, hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội thì chỉ rõ đến các nước bản ngữ còn hiếm tiến sĩ ngôn ngữ, các nước EU còn có quy định chỉ cấp chứng chỉ phiên dịch cho người ngoài khối, thì Việt Nam lấy đâu ra tiến sĩ để mời về làm giảng viên?
Sẽ vĩnh viễn không có… tiến sĩ thanh nhạc
Trong nhóm các ngành nghệ thuật bị đình chỉ tuyển sinh, ngoài Trường ĐH Sân khấu Điện Ảnh với 15 ngành, còn có tên Học viện Âm nhạc Huế với các ngành Chỉ huy Âm nhạc, Thanh nhạc, Sư phạm Âm nhạc, Âm nhạc học; Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ngành Sư phạm âm nhạc; Nhạc viện TP.HCM ngành Sư phạm âm nhạc; Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp với các ngành Hội họa, Gốm, Thiết kế Công nghiệp; Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM các ngành Điêu khắc, Thiết kế đồ hoạ, Đồ họa, Lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật…
Số lượng các ngành nghệ thuật bị đình chỉ cũng lên tới gần 30. “Lỗi lầm” ở đây cũng là thiếu tiến sĩ chuyên ngành.
Trước sự việc này, lãnh đạo một học viện âm nhạc chia sẻ Bộ GD-ĐT chưa hiểu đặc thù của các ngành nghệ thuật.
“Nếu yêu cầu trước khi có bằng tiến sĩ đã học piano, học thanh nhạc thì còn có thể . Người học piano, thanh nhạc… khi làm tiến sĩ đều chuyển sang làm tiến sĩ về lý luận âm nhạc, vì muốn làm tiến sĩ phải có công trình nghiên cứu. Ví dụ như học piano rồi học chuyển tiếp để làm luận văn tiến sĩ về nghệ thuật piano.
Vì vậy, nếu đòi hỏi tiến sĩ piano, tiến sĩ thanh nhạc… sẽ mãi mãi không có. Nếu cứ mang tư duy các ngành khoa học tự nhiên ra áp dụng cho các ngành đặc thù là không ổn.
Danh hiệu cao nhất và thuyết phục nhất của người làm nghệ thuật là “nghệ sĩ”, chứ không phải một bằng tiến sĩ nào đó” – ông khẳng định.
Bên cạnh đó, theo vị lãnh đạo này, đối với ngành Sư phạm âm nhạc, Bộ GD-ĐT chưa cấp mã ngành đào tạo tiến sĩ cho trường nào thì lấy đâu ra tiến sĩ?
Cần sự linh hoạt
Ông Trần Thanh Hiệp, hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội chia sẻ thông tin:
"Ở nước ngoài cũng có đặc thù riêng đối với đào tạo nghệ thuật. Các thầy dạy đạo diễn điện ảnh cũng không phải là tiến sĩ. Thầy dạy nghề của đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy cũng như thầy dạy của đạo diễn Vương Đức, Xuân Sơn ở trường điện ảnh Matxcơva cũng không ai là thạc sĩ, tiến sĩ cả”.
Theo ông Hiệp, những được mời dạy trong các trường nghệ thuật trước hết là những người giỏi nghề, có thành tựu trong sáng tạo, có tư chất nhà sư phạm.
Ông Nguyễn Đình Luận thì nhận định đối với những ngành đặc thù, tiến sĩ là cỡ chuyên gia, tầm cỡ.
“Kể cả những nước bản ngữ còn hiếm. Hơn nữa, con người biến động, nay đủ mai thiếu là bình thường. Nhiều người khi đã có bằng cấp cao thì sẽ được cất nhắc sang vị trí khác, ra khỏi khu vực giảng dạy. Vì vậy, cần phải chờ nguồn bổ sung”.
Tuy nhiên, ông Luận cho rằng sự bổ sung này cũng khó có thể trong một sớm một chiều, khi mà theo thống kê của người Mỹ, để có một tiến sĩ, cần trung bình 12 năm đào tạo.
Còn ông Võ Văn Sen nêu quan điểm cần phải linh hoạt một chút đối với những ngành đặc biệt. “Hai chương trình dạy ngôn ngữ của trường bị Bộ đình chỉ đều được sự tài trợ, ủng hộ mạnh mẽ của các đại sứ quán. Phải thêm một thời gian dài nữa, khi có các khóa cử nhân ra trường phục vụ xã hội và là nhân tố để trường đào tạo và cử ra nước ngoài đào tạo ở bậc cao hơn.
Theo tôi, trong điều kiện hiện nay, nếu không có sự đặc cách đối với một số ngành sẽ không làm được. Hơn nữa, những ngành học này chúng ta chỉ đào tạo cử nhân, có đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đâu. Vì vậy, Bộ cần phải xem xét kỹ, nếu không sẽ mãi mãi không mở được ngành” – ông Sen nhấn mạnh.