Món trứng vịt lộn (hột vịt) là loại đồ ăn được nhiều người yêu thích vì bổ dưỡng và có mùi vị đặc trưng. Tuy nhiên, ăn trứng vịt lộn thế nào là đúng cách.
Theo Đông y, món trứng vịt lộn ăn cùng gia vị như rau răm, gừng tươi là một bài thuốc, dùng chữa các chứng thiếu máu, suy nhược, còi cọc, đau đầu chóng mặt, yếu sinh lý… Rau răm là hỗ trợ có tác dụng sáng mắt, mạnh chân gối, ấm bụng. Gừng tươi là bổ sung, có tác dụng kích thích tiêu hóa, mạnh tim, giải độc thức ăn, chống suy giảm tình dục.
Xem video: Cách làm món trứng vịt lộn rang me
Nghiên cứu dinh dưỡng hiện đại cho thấy trong một trứng vịt lộn có 182kcal năng lượng; 13,6g protein; 12,4g lipit; 82mg canxi; 212mg phốtpho; 600mg cholesterol… Ngoài ra, còn có nhiều betacaroten (435µg); vitamin A (875µg), một số ít sắt, gluxit, vitamin B1 và C…
Tuy có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ nhưng ăn nhiều trứng vịt lộn là tốt?
Trứng vịt lộn tốt cho sức khoẻ nhưng ăn phải đúng cách (ảnh minh hoạ)
Ăn nhiều trứng vịt lộn mỗi ngày và ăn liên tục có thể làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu, góp phần gây ra các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... và tăng lượng protein, không tốt cho người có bệnh gút (gout).Ngoài ra, ăn nhiều rau răm sống khi ăn kèm trứng cũng sẽ sinh nóng rét và làm giảm khả năng tình dục ở nam giới. Một số cuộc nghiên cứu gần đây đã khẳng định rằng trong rau răm có chứa một số chất tinh dầu và vài chất ức chế dục tính ở nam giới. Còn đối với phụ nữ, ăn rau răm trong kỳ kinh nguyệt cũng dễ dẫn tới rong huyết.
Trẻ em dưới 5 tuổi không nên ăn do sự chuyển hóa các chất của hệ thống tiêu hóa của trẻ chưa kiện toàn dễ gây sình bụng, tiêu chảy…
Vậy ăn thế nào là đủ?
Đối với trẻ từ 5 - 12 tuổi, lúc đầu chỉ nên ăn nửa quả trứng vịt lộn hay 1 - 2 quả trứng cút lộn mỗi ngày. Một liệu trình là 15 ngày liền. Trứng lộn thích hợp cho trẻ nhỏ bị còi cọc, thể lực yếu… Có thể cho ăn thường xuyên mỗi ngày 1 quả trứng vịt lộn hay 5 quả trứng cút lộn (có khả năng cải thiện chiều cao cho trẻ vì trong trứng lộn chứa hàm lượng canxi cao).
Trứng vịt lộn trước khi sử dụng phải được rửa sạch, đun thật chín. Nên ăn vào buổi sáng sớm có kèm món ăn bổ sung, tránh ăn vào buổi tối, tránh việc không tiêu hoá được gây khó chịu.
Những người có bệnh cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan, gan nhiễm mỡ, tim mạch... cũng nên kiêng hoặc không ăn nhiều vì có thể sẽ làm tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ
Thoa Nguyễn
Tổng hợp/Theo Nguoiduatin