Thời gian gần đây, đại biểu Quốc hội Đỗ văn Đương liên tục có những phát ngôn gây tranh cãi trong dư luận: Quyền im lặng không phải quyền con người, thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền…
Gần đây, đại biểu Quốc Hội Đỗ Văn Đương có những phát ngôn gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
“Quyền im lặng không phải quyền con người”
Trong phiên họp Ủy ban thường vụ quốc hội trước khi kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII diễn ra, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến trái ngược nhau về vấn đề đưa quyền im lặng vào trong Luật tố tụng hình sự bổ sung.
Trong chương trình Sự kiện & Bình luận của VTV, trả lời phỏng vấn về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của
Quốc hội khẳng định quyền im lặng không thể đưa vào trong luật. Bởi, không nhất thiết phải có quyền im lặng trong luật vẫn có thể sử dụng nhiều biện pháp khác để thực thi giám sát chặt chẽ quá trình điều tra Vụ án, giảm bức cung, án oan sai.
Ông cho biết: “Quyền im lặng khác với quyền bào chữa. Quyền im lặng không phải quyền con người, mà quyền bào chữa mới là quyền cơ bản của người phạm tội trong tố tụng hình sự. Nó nhằm thực hiện chức năng gỡ tội”.
“Trong đấu tranh chống tội phạm, bao giờ cũng phải dung hòa giữa lợi ích nhà nước, công cộng và cá nhân. Nếu như quá chú trọng vào lợi ích của nhà nước thì quyền của người dân sẽ bị vi phạm, ngược lại nếu mở rộng quá nhiều quyền dẫn tới tùy tiện thì lại gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho công tác điều tra, giải quyết vụ án. Chính vì vậy phải dung hòa hai yếu tố này là bài toán khó mà nhiều nước quan tâm. Vì vậy, thực tế có nước quy định quyền im lặng, có nước
không, hoặc nếu quy định thì cũng khuyến cáo người bị bắt nên thành khẩn khai báo”, ông Đương nói thêm.
Quan điểm này của ĐB Đương đã gây ra khá nhiều tranh cãi.
“Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền"
Trả lời báo chí bên lề hành lang Quốc hội ngày 27/10 vừa qua, ông Đỗ Văn Đương – Đại biểu quốc hội đoàn TP.HCM nói rằng: “Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền”.
Sau phát ngôn này, ĐBQH Đỗ Văn Đương bị nhiều luật sư yêu cầu xin lỗi vì đã "thóa mạ" nghề luật sư.
Tuy nhiên, sáng ngày 28/10, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về phát ngôn của mình, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương nói: “Tôi sẽ không đính chính lại thông tin này”.
Về việc các luật sư liên tiếp "phản pháo" về phát ngôn của mình, ông Đương cho rằng: “Họ phản ứng là đương nhiên, nhưng thử hỏi không có tiền thì lấy đâu ra chi phí luật sư, chi phí trả tiền lương cho nhân sự, thuê văn phòng?”.
Đại biểu Đương cũng khẳng định trong phát ngôn của ông không nói luật sư bào chữa vì tiền mà là bào chữa cho người có tiền, chứ không phải cho người giàu hay nghèo. Có tiền thì luật sư mới bào chữa. Ngay cả luật sư công thì Nhà nước cũng phải trả tiền hỗ trợ họ thì họ mới ngồi nghiên cứu Hồ sơ.
Cũng theo ông Đương: "Trong 100% Vụ án hiện nay thì 80% không có luật sư, có một phần nguyên nhân do thiếu luật sư, nhưng cơ bản là người ta không có tiền. Trong trường hợp này thì 80% bị cáo nhận tội ngay để xét xử cho nhanh. Vai trò luật sư quan trọng, có luật sư là đối trọng để tránh oan sai, nhưng hoạt động luật sư cũng phải có điều kiện, chứ không họ sống bằng không khí mà đi bào chữa à?"
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho biết, nếu ông Đương vẫn không rút lại phát ngôn của mình, Hội luật gia TP HCM sẽ xem xét khởi kiện ông Đương.
“Đại biểu phát ngôn được quyền miễn trừ trách nhiệm”
Sau phát ngôn “gây sốc” của đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM cho biết: “Rõ ràng phát ngôn của ông Đương đã xâm phạm đến danh dự của giới luật sư, tổ chức luật sư. Và như vậy, có thể một tổ chức luật sư sẽ đứng ra khởi kiện theo quy định pháp luật, nếu ông Đương không chứng minh được rằng tất cả giới luật sư bào chữa chỉ vì tiền thì phải xin lỗi bồi thường danh dự. Nhiều thành viên Hội Luật gia phản ánh họ sẵn sàng tham gia cùng với Liên đoàn Luật sư để khởi kiện nếu ông Đương không xin lỗi”.
Ngày 31/10, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản gửi đến Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị làm rõ, xem xét trách nhiệm và tư cách đại biểu Quốc hội, tư cách Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của ông Đỗ Văn Đương.
Trước kiến nghị đó của Liên đoàn Luật sư, ĐBQH Đỗ Văn Đương cho rằng đó là chuyện quá bình thường.“Kiến nghị là chuyện của người ta. Không có chuyện phải giải trình gì cả. Chúng ta nên nhớ Hiến pháp đã quy định đại biểu phát ngôn được quyền miễn trừ trách nhiệm” – ông Đỗ Văn Đương quả quyết.
Cũng theo quan điểm của mình, ông Đỗ Văn Đương cho rằng, từ trước đến nay đã có không ít những văn bản kiến nghị dạng này được các đơn vị "bị" phản ánh được phát đi, những văn bản như vậy là áp đặt đại biểu.“Bởi điều tôi nói ở đây là tiếng nói cử tri và xuất phát từ thực tế. Tôi chưa nói chuyện đúng sai, nhưng đây là dân biểu nói tiếng nói của dân và không phải truy cứu trách nhiệm gì cả” – ông Đương nhấn mạnh.
Kêu gọi "tiết chế lòng tham"
Tại phiên thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng chiều 1/11/2012, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương đã có một đề xuất khiến nhiều người chú ý: trong năm 2013 và các năm tiếp theo, nên mở cuộc vận động cao điểm về tuyên truyền, Giáo dục cho cán bộ, công chức tiết chế lòng tham: “Hãy dùng con mắt lương tâm của mình xem mình làm giàu bất hợp pháp đến mức nào, gây thiệt hại gì cho dân cho nước”.
Đại biểu Đương cũng đề xuất mở cuộc vận động từ chức, trước hết là với các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh trong các lĩnh vực để xảy ra bê bối, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng. Theo ông Đương, nếu phấn đấu chức quyền là một việc khó, giữ được chức quyền còn khó hơn, thì “dám từ bỏ chức vụ thực sự là anh hùng, vì có lợi cho dân cho nước”.
Tuy nhiên, kêu gọi này của ông Đương được cho là không thực tế.
Theo Hải Anh/Người đưa tin