Cơm là lương thực phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Việt. Thế nhưng, ăn cơm không đúng cách có thể gây hại cho sức khỏe mà nhiều người không hiểu rõ.
Cơm là một trong những thực phẩm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng giúp tăng cường năng lượng hiệu quả. Ăn cơm hàng ngày còn giúp ngăn ngừa ung thư, phòng chống bệnh Alzheimer, kiểm soát huyết áp...
Tuy nhiên, nhiều thói quen ăn cơm sai cách có thể dẫn đến những nguy cơ cho sức khoẻ.
Ăn quá nhiều cơm
TS. BS. Đỗ Thị Phương Hà, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, người Việt thường có thói quen ăn nhiều cơm mà không hề biết rằng trong cơm chứa nhiều đường. Nếu ăn nhiều cơm sẽ khiến lượng đường trong máu cao và kéo dài là nguyên nhân chủ yếu gây nên những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới cuộc sống và chất lượng cuộc sống.
Ăn nhiều cơm bị tiểu đường sẽ gây biến chứng tim mạch như tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người mắc đái tháo đường…Vì vậy, mỗi người trưởng thành có mức lao động thể lực trung bình nên ăn trung bình mỗi bữa 2 lưng bát cơm.
Ăn cơm nguội
Nhiều bà nội trợ có thói quen tận dụng cơm nguội, đặc biệt là để sử dụng cơm nguội để rang cơm. Cơm nguội để lâu sẽ rất dễ đưa bệnh vào người.
Kể cả khi cơm nguội không có dấu hiệu biến chất, chua, thiu hoặc đã được rang, hâm nóng lại thì vẫn có thể gây ngộ độc thực phẩm với các biểu hiện điển hình là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi…
Do đó, chuyên gia khuyến cáo, mọi người chỉ nên ăn cơm nóng hoặc cơm nóng vừa được để nguội. Nếu ăn không hết, cơm phải được bảo quản trong tủ lạnh, không quá 24h, không ăn khi cơm có các dấu hiệu bất thường.
Cơm chan canh
Thói quen ăn cơm chan canh dễ nuốt trôi khá phổ biến. Nhưng ít người biết khi nhai thức ăn, enzyme trong nước bọt tiết ra sẽ hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn rất có lợi cho sức khỏe.
Vừa ăn cơm vừa chan canh khiến cơm bị mất đi chất protein, làm giảm giá trị dinh dưỡng của cơm. Hơn nữa, ăn cơm chan canh lâu ngày sẽ làm cho hệ tiêu hóa, cũng như hoạt động của thành ruột, dạ dày trở nên lười biếng, ít tiết dịch để co bóp hơn, gây ra các bệnh liên quan đến hệ thống tiêu hóa như đau dạ dày, tá tràng, rối loạn tiêu hóa…
Uống trà trong và sau bữa ăn
Nhiều người cho rằng uống trà trong và sau khi ăn cơm vừa ăn luôn tạo cảm giác ngon miệng, dễ ăn, dễ tiêu hóa... tuy nhiên điều này lại là một sai lầm.
Nước trà sẽ khiến cho các chất protein trong thức ăn bị kết tủa lại, làm co niêm mạc dạ dày, loãng dịch vị và gây ra những tác động không tốt đến hệ tiêu hóa của cơ thể đặc biệt là việc hấp thụ sắt.
Không ăn cùng rau củ
Cơm là thực phẩm có chỉ số đường huyết cao. Ăn cơm cùng rau củ đẩy lùi cảm giác thèm ăn ngăn chặn béo phì. Đồng thời trước lo ngại ăn nhiều tinh bột gây đái tháo đường, chất xơ từ rau củ rất hữu ích trong việc tạo ra “màng lưới” làm chậm quá trình đường hấp thu vào máu.
Do đó, khi cơ thể nạp tinh bột, việc tiêu thụ nhiều rau và trái cây sẽ luôn là trợ thủ đắc lực. Từ đó, hạn chế các căn bệnh như tiểu đường, béo phì, rối loạn chuyển hóa…