Theo ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Thùy, Bác sĩ Nội thận - Lọc máu - Ghép thận, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, hệ tiết niệu gồm 2 thận nằm phía sau 2 bên hông lưng và hệ thống dẫn nước tiểu gồm 2 niệu quản, 1 bàng quang và niệu đạo.
Thận ngoài làm nhiệm vụ lọc các chất thải (độc tố ure) từ quá trình chuyển hóa của cơ thể, thận còn giúp thải muối và nước dư thừa, điều hòa huyết áp (suy thận làm huyết áp tăng), cân bằng tình trạng toan kiềm của cơ thể (suy thận sẽ gây toan máu), tiết yếu tố kích thích tạo máu (suy thận sẽ gây thiếu máu), duy trì sức khỏe hệ xương do tạo ra vitamin D...
Do đó, có thể thấy thận là một thận là 1 trong những cơ quan rất quan trọng của cơ thể. Thế nhưng, nhiều người đang mắc phải những sai lầm trong ăn uống gây phá hỏng thận.
Dưới đây là những sai lầm khi uống nước gây phá hỏng thận mà nhiều người đang mắc phải theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế.
Uống ít nước: Nhiều người có thói quen uống ít nước hoặc nhịn uống nước do công việc bận rộn. Thói quen không tốt này dễ dẫn đến nguy cơ bị sỏi thận và nhiễm trùng đường tiết niệu. Bởi uống ít nước dẫn đến nước tiểu hình thành ít, dòng nước tiểu không đủ để đẩy các chất cặn và vi khuẩn ra khỏi hệ tiết niệu, dẫn đến sỏi thận và nhiễm trùng tiểu.
Uống các loại nước khác thay thế nước lọc: Thận không thích các loại đồ uống như nước ngọt có ga, nước ép, cà phê…, bởi lượng đường, phốt pho trong đồ uống sẽ thúc đẩy việc bài tiết canxi ra ngoài, từ đó dẫn đến xuất hiện sỏi thận. Tốt nhất nên hạn chế uống nước ngọt, nước có ga và nên hình thành thói quen uống nước lọc để bảo vệ thận và bộ máy tiêu hóa.
Thường xuyên uống các loại nước ngọt, nước uống có ga sẽ gây phá hủy thận
Uống quá nhiều nước một lúc: Một số người có thói quen uống quá nhiều nước trong một lần uống để bù lượng nước cơ thể mất đi và bù vào các thời điểm trước đó nhịn không uống nước. Thói quen này không tốt cho cơ thể, vì bắt thận làm việc quá sức sẽ phá hỏng thận. Hơn nữa, nếu uống quá nhiều nước, cơ thể có thể bị trữ nước, gây sưng phù nề, thậm chí còn có thể bị ngộ độc nước. Đặc biệt, với những người chức năng thận kém, uống quá nhiều nước có thể xuất hiện phù nề.
Nhịn uống nước buổi tối: Nhiều người sợ buổi tối uống nước sẽ đi tiểu nhiều nên thường nhịn hoặc uống rất ít. Nhưng thực tế, nhịn uống nước buổi làm cơ thể thiếu nước và sẽ làm tăng nguy cơ bị chuột rút khi ngủ. Với những người bị bệnh tim mạch, thiếu nước còn tăng nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Vậy nên, đối với người khỏe mạnh, uống một ly nước lọc ấm trước khi đi ngủ sẽ tốt hơn cho sức khỏe, giúp năng lượng, hormone, cơ bắp và các khớp trong cơ thể cân bằng trở lại, cơ thể được thư giãn hoàn toàn và sẽ có giấc ngủ ngon hơn.
Còn với những người mắc bệnh thận, người cao tuổi tốt nhất nên tránh uống nước 2 tiếng trước giờ đi ngủ và đảm bảo đi tiểu tiện trước khi lên giường, để không làm tăng áp lực lên thận và hạn chế mất ngủ về đêm.
Để dự phòng tình trạng mất nước cho cơ thể, người trưởng thành cần uống khoảng 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày (khoảng từ 8 - 12 ly nước), bao gồm cả nước có trong các loại thực phẩm.
Và tốt nhất nên uống nước ấm sẽ tốt hơn uống nước lạnh, bởi nước ấm không gây kích ứng, giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ. Mỗi sáng uống một cốc nước ấm giúp giảm sưng đau ở cổ họng, tốt cho tiêu hóa, cải thiện lưu thông tuần hoàn máu và giúp đào thải các độc tố ra ngoài cơ thể.