Bia là loại thức uống giải khát được yêu thích nhất trong mùa hè. Tuy nhiên, có những thói quen khi uống bia lại gây hại cho sức khỏe mà bạn không hề hay biết.
Bia chất lượng được làm từ cây hoa bia, men bia, nước và mạch nha. Mạch nha được làm từ mầm lúa mạch, carbonhydrates, protein thực vật và muối khoáng. Men bia có chứa các chất enzyme có tác dụng giảm đau, khử trùng và có tác dụng giảm đau.
Trên thực tế, bia rất có lợi cho cơ thể. Trong bia có nhiều dưỡng chất bổ dưỡng như nhiều loại vitamin, đường tự nhiên, acid amin, kali, magie, canxi...
Uống một lượng bia vừa phải giúp cho bạn bồi bổ cơ thể, cải thiện tiêu hóa, giải nhiệt cơ thể rất hiệu quả. Trong bia chứa 1 lượng nhỏ natri và axit nucleic giúp tăng lượng máu cung cấp cho não, mở rộng động mạch vành và đẩy nhanh quá trình trao đổi chất.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, uống bia đều đặn với một lượng nhỏ đem lại khá nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, một số quý ông có thói quen là uống không có chừng mực, uống đến khi nào đã miệng và thường xuyên uống bia với số lượng lớn. Điều này có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Những sai lầm cần tránh khi uống bia |
Những lưu ý cần biết khi uống bia:
Không nên uống bia quá nhiều
Uống bia với một lượng quá nhiều trong một thời gian ngắn sẽ làm tăng gánh nặng cho gan, khiến gan phải làm việc vất vả để đào thải độc tố có trong bia có nguy cơ tích tụ trong cơ thể.
Sự quá tải này sẽ khiến các mô gan bị tổn thương, giảm chức năng cơ tim, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến suy tim.
Uống nhiều bia cũng có thể gặp các tình trạng sức khỏe tương tự như khi uống nhiều rượu, đó là bạn có thể đối mặt với bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ, xơ cứng động mạch và đau dạ dày...
Ngoài ra, canxi, axit oxalic và nucleotide có trong bia, khi ở 1 lượng nhỏ thì có lợi cho sức khỏe, nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều những chất này có thể làm tăng hàm lượng acid uric trong máu dẫn đến nguy cơ bệnh gút.
Không nên uống bia quá lạnh
Uống bia lạnh có cảm giác làm dịu nhanh những cơn khát mùa hè nhưng thực ra nếu uống bia ở nhiệt độ quá lạnh, mọi chất dinh dưỡng và cả hương vị của bia đều bị phá hủy.
Hơn nữa, việc uống bia lạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như gây ra chứng viêm họng, giảm nhiệt độ của niêm mạc dạ dày dẫn đến lạnh bụng, đau bụng, khó tiêu...
Theo các chuyên gia, nhiệt độ thích hợp nhất của bia là từ 12 - 15 độ C.
Tuyệt đối không uống chung bia với rượu
Khi đã uống bất kỳ một loại rượu nào thì không nên dùng bia để uống chung để tránh phần lớn cồn trong rượu nhanh chóng được hấp thu sẽ rất hại dạ dày và làm bạn dễ bị say, đau đầu. Vì nồng độ cồn trong bia tuy có thấp nhưng thành phần nước và cacbonic lại nhiều, nên độ thẩm thấu cũng nhanh hơn. Do đó, khi uống rượu bia cùng một lúc sẽ làm cho lượng cồn thẩm thấu vào người nhanh hơn, gây kích thích mạnh.
Không nên uống bia với nước ngọt
Theo chuyên gia sức khỏe trên trang Health, nhiều người thường mắc sai lầm khi nghĩ rằng pha loãng bia với các loại nước ngọt có gas sẽ làm giảm độ cồn của bia, khi uống vào sẽ lâu say hơn. Trên thực tế, cách "chống say" này hoàn toàn phản tác dụng.
Các nhà khoa học lý giải, trong quy trình sản xuất nước ngọt có gas, người ta luôn cho vào một lượng carbon dioxide (CO2) vừa đủ để hòa tan cùng chất lỏng.
Quá trình này được thực hiện dưới dưới áp suất và áp lực cao. Khi giảm áp suất, carbon dioxide thoát ra khỏi sản phẩm dưới dạng bóng khí nhỏ làm nước "sủi bọt" như ta thường thấy.
Về cơ bản, carbon dioxide có tác dụng đẩy nhanh sự hấp thụ của niêm mạc đường ruột đối với dịch thể.
Điều này lý giải tại sao khi khát nước, chỉ cần uống một ngụm nước ngọt có gas sẽ có tác dụng "giải khát", giúp cơ thể nhanh chóng lấy lại trạng thái tỉnh táo.
Cũng chính vì tác dụng ấy mà khi nước ngọt có gas được pha vào bia, thành phần carbon dioxide trong nước ngọt sẽ thúc đẩy lượng cồn trong bia hấp thu vào niêm mạc đường ruột nhanh hơn. Do đó khi uống hỗn hợp "bia pha nước ngọt" sẽ khiến bạn chóng say và mệt mỏi hơn, đặc biệt khi đói bụng.
Bảo An (tổng hợp)